leftcenterrightdel
Trình diễn Bộ sưu tập Áo dài Việt Nam gấm hoa của Nhà thiết kế Nguyễn Lan Vy. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN) 

Từ lâu, áo dài truyền thống được coi là di sản văn hóa, là niềm tự hào của người Việt Nam bởi nó kết tinh các giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ, nhân văn từ hàng trăm năm qua.

Áo dài là biểu tượng đồng thời được ví như Đại sứ Văn hóa với sứ mệnh lan tỏa, quảng bá văn hóa Việt Nam. Không chỉ người Việt mà rất đông khách nước ngoài đều yêu thích áo dài và nó cũng dần trở thành Đại sứ Du lịch, thu hút khách đến với Hà Nội và Việt Nam.

Lợi thế cho du lịch Thủ đô

Dù không phải là cái nôi của áo dài nhưng Hà Nội lại là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa, trong đó có tà áo dài Việt Nam. Đất kinh đô ngàn năm qua vẫn vậy, luôn hội tụ và nâng tầm các giá trị văn hóa lên một đỉnh cao mới.

Nhắc đến áo dài Hà Nội là nhắc đến sự thanh lịch, tinh tế, nhắc đến vẻ đẹp của người Tràng An. Áo dài gắn bó với người Hà Nội trong cuộc sống thường nhật như một lẽ tất yếu, càng tôn lên nét văn hóa trong cách ăn mặc, giao tiếp. Hơn nữa, áo dài là cả một câu chuyện lịch sử dài kỳ, đi theo những thăng trầm, biến thiên của Thủ đô và đất nước.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt chia sẻ Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các sự kiện trình diễn áo dài ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Trong đó, rất nhiều khách nước ngoài trầm trồ khen ngợi khi hiểu rằng nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội được truyền tải qua những chiếc áo dài như vậy.

“Chúng ta đã khơi gợi trúng mong muốn của khách khi đến trải nghiệm Hà Nội, tìm hiểu về văn hóa Hà Nội. Hà Nội đang được biết đến với chất thanh lịch, văn minh và những chiếc áo dài cũng chính là sự biểu đạt của tinh thần đó” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, Hà Nội hiện có nhiều tiềm năng để phát triển thương hiệu áo dài du lịch. Ngoài nguồn lực sẵn có về nhân lực tham gia phát triển văn hóa áo dài thì Hà Nội là nơi phát triển, sáng tạo áo dài rất hiệu quả. Sức sáng tạo sẽ giúp lan tỏa yếu tố văn hóa truyền thống và đáp ứng mong mỏi của khách khi đến tham quan Thủ đô.

Ở Hà Nội hiện nay có hàng trăm nhà may áo dài, có nhiều nhà thiết kế, nhiều thương hiệu áo dài nổi tiếng như Nhà thiết kế Lan Hương, Chu La, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Ngọc Hân, OZ Design House, La Sen Vũ…

Mọi người cũng biết tới làng nghề may áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa) vang danh, người dân mang tên đất, tên làng đi khắp cả nước để may áo dài làm đẹp cho đời.

Trên các khu phố cổ, phố cũ hình thành những phố áo dài như Lương Văn Can, Cầu Gỗ, Trần Xuân Soạn… Đặc biệt, một số thương hiệu áo dài lớn đã đầu tư xây dựng các không gian áo dài Việt, vừa là nơi giới thiệu văn hóa áo dài truyền thống, vừa là nơi quảng bá sản phẩm và thu hút khách tham quan. Đó là Lan Hương Fashion House, Chula Fashion House…

Đây là một lợi thế lớn để ngành Du lịch Thủ đô có thể phát triển hiệu quả thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Định vị thương hiệu du lịch mới

Những năm trở lại đây, xác định áo dài truyền thống đang trở thành một tiềm lực để hình thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thúc đẩy phát triển ngành du lịch Thủ đô, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá văn hóa dân tộc thông qua những tà áo dài. Các hoạt động này nhận được hiệu ứng tích cực từ người dân và du khách.

leftcenterrightdel
 Trình diễn áo dài tại Lễ hội Áo Dài Du lịch Hà Nội 2023. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Có thể kể tới Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội do Sở Du lịch thành phố tổ chức đã góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác, tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam đặc sắc với tà áo dài của dân tộc, mở ra định hướng mới, góp phần để du lịch Việt Nam, du lịch Hà Nội trở thành điểm đến yêu mến.

Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như tổ chức không gian triển lãm tư liệu hình ảnh áo dài trong đời sống gắn với di sản Hà Nội; không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu áo dài ba miền Bắc-Trung-Nam; không gian triển lãm và trưng bày áo dài giới thiệu vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam…

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức diễu hành áo dài tại không gian phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm chủ đề “Duyên dáng áo dài Hà Nội" với sự tham gia của gần 1.000 người.

Màn cổ động chào mừng bằng các động tác dân vũ trên nền ca khúc “Xin chào! Việt Nam” để bày tỏ tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước, gửi gắm lời chào mừng tới bạn bè, du khách quốc tế đến với Hà Nội và Việt Nam.

Trước đó, Sở Du lịch phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội” với sự tham gia của 150 người, gồm cả nam và nữ mặc trang phục áo dài đạp xe đi qua các di sản tiêu biểu của Thủ đô.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10 mới đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức Festival Thu Hà Nội, trong đó có nhiều hoạt động tôn vinh áo dài.

Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng Áo dài hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Điều quan trọng, ngành du lịch cần sáng tạo để phát triển sản phẩm gắn với áo dài truyền thống. Thậm chí, có thể bố trí cho khách trải nghiệm trực tiếp các hoạt động liên quan đến áo dài, chắn chắn khách sẽ thấy thú vị.

Áo dài góp phần khẳng định dấu ấn bản sắc văn hóa đất nước trên thế giới, thể hiện tâm hồn, vẻ đẹp, cốt cách của con người Việt Nam, đem lại cho người dân và du khách nhiều cảm xúc.

Cùng với việc bảo tồn giá trị áo dài thì việc khai thác, phát huy, định hình sản phẩm du lịch hấp dẫn là cần thiết và Hà Nội từng bước định vị thành sản phẩm mang thương hiệu Thủ đô./.

Theo vietnamplus