Tương ớt Chin-su hiện chứa từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg axit benzoic, liều lượng này được phép dùng ở Việt Nam nhưng lại bị cấm ở Nhật Bản, lý do vì sao?
Hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã bị Nhật Bản thu hồi do chứa axit benzoic - một chất bị cấm sử dụng trong sản phẩm của Nhật Bản.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, chất này vẫn nằm trong danh mục cho phép của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Là một thành viên của Codex, khi ban hành các quy định về tiêu chuẩn thực phẩm, Việt Nam đã tuân thủ theo quy định chung của quốc tế.
Tuy nhiên, một số nước có điều kiện phát triển tốt như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu có những đánh giá riêng, bên cạnh quy định của Codex. Khi xây dựng tiêu chuẩn, các nước này đánh giá trên tổng quan lượng tiêu thụ thực phẩm của người dân nước đó.
Bà Nga cũng khẳng định, bản thân Việt Nam cũng có cấm một số chất mà nhiều nước trên thế giới vẫn đang sử dụng nên việc axit benzoic dùng cho tương ớt của ta mà không dùng cho tương ớt của Nhật Bản không đồng nghĩa với việc loại tương ớt này nguy hiểm.
PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học – Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN) nhận định, axit benzoic là chất được sử dụng để chống nấm mốc trong thực phẩm và được phép sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, các nước chưa tìm được chất nào thay thế nên vẫn đang dùng axit benzoic trong thực phẩm.
Mặt bằng chung, cơ thể sẽ phải chịu nhiều tác động nếu để axit benzoic xâm nhập với hàm lượng nhiều, ngoài ra còn tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.
Nên dù không cấm nhưng Việt Nam có quy định về việc sử dụng phụ gia thực phẩm axit benzoic trong thực phẩm. Cụ thể tại thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.
Đồng quan điểm, PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đưa ra dẫn chứng, tại các thị trường mà Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan đang xuất khẩu trực tiếp và rộng rãi (Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan), quy định tối đa về hàm lượng benzoicacid trong tương ớt cũng là 1g/kg, tương tự như quy định của Bộ Y tế Việt Nam và Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Tuy nhiên, tại Nhật bản lại không cho phép dùng chất phụ gia này trong tương ớt mặc dù một số sản phẩm khác được dùng như trứng cá caviar, bơ thực vật, nước ngọt hay nước tương.
Theo Thời Đại