Hughie’s trên đường 18 Tây Houston là một trong nhiều nhà hàng Việt Mỹ trong thành phố, ra đời vào năm 2013.
Từ năm 2020, quán bán theo kiểu “drive-through” (phong cách ăn uống của nhiều người Mỹ, lái xe vào tận cửa và nhận thức ăn mang đi, không cần bước xuống) để hạn chế tiếp xúc vì Covid-19.
Mang bánh mì Việt đến gần khách Mỹ
|
Nhân viên của quán Hughie's bán bánh mì cho khách qua drive-through
|
Paul Phạm, chủ sở hữu Hughie’s cho The New York Times biết, anh đã mở một nhà hàng thứ hai cách đó vài cây số và năm tới sẽ khai trương địa điểm thứ ba. Trong kế hoạch xa hơn sẽ mở rộng kinh doanh nhiều quán tại Texas và có thể ở những nơi xa hơn. Theo Phạm, drive-through là cách để đưa ẩm thực Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp ăn nhanh của Mỹ. Anh nhận định, người Mỹ ngày càng thích món Việt, điều đó sẽ giúp bánh mì trở thành món lý tưởng cho thế hệ tiếp theo của phong cách drive-through.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà hàng Việt Nam với ý tưởng tương tự đã mở tại Houston, bao gồm Oui Banh Mi, Saigon Hustle và Kim’s Pho & Grill. Bên ngoài Texas, có Simply Vietnam tại Santa Rosa, California; Mi-Sant Banh Mi ở công viên Brooklyn, Minneapolis và To Me Vietnamese Sub tại Calgary, Alberta. Tất cả các nhà hàng này đều đông khách và chủ quán đang cố gắng thu hút nhiều người hơn theo cách kết hợp giữa ẩm thực Việt và sự tiện lợi drive-through kiểu Mỹ.
Phạm sinh ra tại Houston - nơi có cộng đồng gốc Việt lớn nhất tại Mỹ với hơn 150.000 người - cho biết: “Chúng tôi sẽ chuyển hướng sang kiểu Chick-fil-A nhiều hơn”. Chick-fil-A là chuỗi cửa hàng bán bánh mì sandwiches thịt gà lớn nhất Mỹ với gần 3.000 cửa hàng.
Điều đó có nghĩa là anh phải đầu tư công nghệ để nâng cao dịch vụ khách hàng, mở thêm quán ở các khu dân cư đông đúc và đóng cửa vào ngày chủ nhật, như cách mà Chick-fil-A thực hiện nhưng các quán Việt lâu đời ở Houston không làm.
|
Một ổ bánh mì thịt Việt Nam ở quán Saigon Hustle
|
Có 2,1 triệu người gốc Việt sinh sống ở Mỹ, theo điều tra dân số năm 2020. Nhiều thành phố ở phía bắc Mỹ như Philadelphia, Washington, San Jose có nhiều quán ăn Việt mới được mở cửa. Với việc mở bán theo kiểu drive-through, các chủ nhà hàng hy vọng sẽ tiếp cận một lượng lớn thực khách ngoài những khách hàng người Mỹ gốc Việt truyền thống.
Tham vọng và rào cản
Cassie Ghaffar cùng đối tác Sandy Nguyễn khai trương Saigon Hustle vào tháng 2 năm ngoái ở khu Oak Forest, Houston. Saigon Hustle bán bánh mì, cơm và bún, được thiết kế như những nhà hàng drive-in (một hình thức tương tự như drive-through) của thập kỷ 1950. Nhà hàng có một địa điểm nhưng những người sáng lập cho biết, có thể đạt doanh thu 1,8 triệu USD trong năm nay và chuẩn bị cho một kế hoạch mở chi nhánh trên toàn nước Mỹ trong hai đến ba năm tới.
Đối với nhiều thực khách không phải người gốc Việt, một chuyến đi đến khu phố châu Á thưởng thức ẩm thực sẽ là thách thức, vì thực đơn không viết bằng tiếng Anh và giá cao. “Nhưng việc lái xe ngang qua và cầm đồ ăn đi ngay đơn giản hơn nhiều. Vì thế, đó là cách mang ẩm thực Việt đến gần thực khách Mỹ hơn”, Ghaffar nói.
Các nhà hàng drive-through xuất hiện ở Mỹ vào giữa thế kỷ 20 và phát triển mạnh mẽ vào những năm 70, chủ yếu là nơi bán bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên. Các chuỗi bán đồ ăn nhanh của người gốc Mexico như Taco Bell và Taco Cabana, đã áp dụng cách bán này và thành công.
Cách bán hàng ở thế kỷ trước đột nhiên trỗi dậy trong hai năm đại dịch khi nhiều nhà hàng áp dụng chính sách bán mang đi. Kenny To và Hien Nguyen đã mở To Me Vietnamese Sub vào tháng 10.2020 tại Calgary ngay trong đại dịch.
|
Cassi Ghaffer và Sandy Nguyễn cùng điều hành quán ăn drive-through Saigon Hustle ở Houston
ANNIE MULLIGAN/THE NEW YORK TIMES
|
"Mỗi buổi sáng tôi thường uống cà phê drive-through của quán Tim Hortons, rất thuận tiện cho công việc và cuộc sống của mình", ông To, 60 tuổi, nói. Từ đó, ông nghĩ tại sao không bán bánh mì và chả giò của Việt Nam theo cách như vậy, vì chúng rất dễ đóng gói và mang đi. Tuy nhiên, cái khó của bánh mì là phải làm theo yêu cầu từng chiếc và cần nướng nóng trước khi đưa cho khách, không nhanh như bánh mì kẹp thịt kiểu Mỹ và khoai tây chiên.
Đối với Paul Phạm, rào cản lớn nhất của kinh doanh bánh mì Việt ở Mỹ là một số nguyên liệu bị hạn chế, không có sẵn.
Tuy nhiên, ít nhất có một nhà hàng thức ăn nhanh của Việt Nam đã mở rộng ra quy mô toàn quốc, đó là Lee’s Sandwiches, ra đời tại San Jose năm 1983 bởi Ba Le và Hạnh Nguyễn. Ngày nay, chuỗi có 62 cửa hàng tại 8 tiểu bang, như California, Nevada, Oklahoma, Texas… Một số quán có bán drive-through.
Quá trình mở rộng nhà hàng bắt đầu vào năm 2001. Jimmy Le, Phó chủ tịch của Lee’s và là cháu trai của người sáng lập, cho biết: “Hồi đó, chúng tôi thận trọng hơn một chút. Công ty chỉ chọn những khu vực có đông người gốc Việt”.
Mặc dù Lee's đã mở cửa hàng ở những khu dân cư đa sắc tộc hơn nhưng một nửa số địa điểm vẫn nằm trong khu đông dân gốc Á. Công ty không muốn biến Lee’s thành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh kiểu Mỹ vì thế không cần thay đổi. "Mọi người biết Lee’s Sandwiches và quen với những gì họ thưởng thức”, Jimmy Le nói.
|
Bánh mì Lee's đã có 62 cửa hàng trên nhiều bang nước Mỹ
|
Thế nhưng, thật khó để Mia Nguyễn, 58 tuổi, chủ nhà hàng Việt cảm thấy hào hứng với những nhà hàng kiểu mới. Cô đã điều hành nhà hàng Việt Nam được yêu thích Mai’s ở Houston từ năm 1990, được cha mẹ cô mở vào năm 1978.
“Những gì tôi thấy là thế hệ sau này đã đầu tư những nhà hàng đẹp hơn nhưng món ăn không phải chính gốc”, cô nói và cho rằng cần phải thông cảm, bởi hầu hết đều được sinh ra và lớn lên bên ngoài Việt Nam.
Theo Thanh niên