Việt Nam là điểm đến nghỉ mát nổi tiếng của người Hồng Kông vì Hà Nội chỉ cách sân bay quốc tế Hồng Kông hai giờ bay. Nhưng không chỉ quanh quẩn ở thủ đô, có nhiều điểm hấp dẫn du khách Hồng Kông chẳng hạn như Sa Pa.
Ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, hầu hết mọi người đều khó tiếp cận Sa Pa, ngoại trừ các nhóm dân tộc thiểu số xây dựng ruộng bậc thang trên sườn đồi. Thế nhưng đây cũng là điểm đặc biệt, hấp dẫn các du khách thích khám phá.
Năm 1901, khi thực dân Pháp tình cờ tìm được nơi yên bình sau khi phát hiện ra vùng đất, Sa Pa bắt đầu có sự thay đổi.
Người Pháp bị mê hoặc bởi những thửa ruộng bậc thang, những ngọn núi cao chót vót và khí hậu mát mẻ hơn so với cái nóng của đồng bằng sông Hồng nên bắt đầu phát triển Sa Pa làm nơi nghỉ ngơi mùa hè của họ. Năm 1905, các chuyến tàu bắt đầu chạy giữa Hà Nội và Lào Cai.
Sau chiến tranh, người Việt sống ở các thành phố bắt đầu đến thăm Sa Pa và cuối cùng, những du khách ba lô quốc tế thích phiêu lưu đã biết đến một thị trấn mù sương trên núi cao rất đáng để ghé thăm.
Sau khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai khai trương vào năm 2014, trung tâm Sa Pa bắt đầu phát triển hơn nữa - ngày nay, đây là nơi sôi động với đầy đủ các nhà nghỉ, khách sạn và cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch quốc tế.
Trong khi một số làng dân tộc thiểu số ở các thung lũng gần đó được biết đến là đã bị thương mại hóa quá mức thì những làng khác như Lao Chải và Tả Phìn vẫn mang tính truyền thống hơn.
Ngôn ngữ và phong tục bản địa của khu vực vẫn được giữ nguyên. Người H'mong đen gìn giữ trang phục truyền thống của họ - màu tối và được trang trí bằng những đường thêu đẹp mắt - rất khác biệt. Mọi người vẫn kết hôn sớm và sinh nhiều con.
Những tiến bộ công nghệ đã trao quyền cho người dân Sa Pa - sự ra đời của internet và điện thoại thông minh cho phép họ vận hành homestay và làm hướng dẫn viên leo núi.
Sa Pa không chỉ hấp dẫn du khách ba lô nữa; bạn có thể biết một địa điểm nằm trong tầm ngắm của những khách du lịch hạng sang khi nơi đó có một khách sạn do Bill Bensley thiết kế và đó là Hotel de la Coupole - MGallery.
Khai trương vào năm 2019 và được vận hành bởi Accor, thương hiệu khách sạn lớn nhất châu Âu, kiến trúc châu Âu của khách sạn thu hút du khách dừng chân chụp ảnh.
Khách sạn phản ánh đặc tính của MGallery trong việc tôn vinh văn hóa và câu chuyện địa phương theo nhiều cách. Thiết kế của nó kết hợp các yếu tố của văn hóa bộ tộc miền núi - hãy nghĩ đến những chiếc chao đèn có hình dạng giống mũ của người H'mong - và nó hỗ trợ cộng đồng bằng cách tuyển dụng những người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, những người thường là người đầu tiên trong gia đình họ có việc làm và có mức lương ổn định.
Nhờ vị trí nằm giữa thị trấn nhìn ra ruộng bậc thang và đỉnh núi Fansipan, du khách có thể hòa mình vào khung cảnh xung quanh trong khi thưởng thức bữa sáng hoặc trà chiều.
Những người ưa mạo hiểm hơn một chút có thể muốn lên đỉnh Fansipan. Ngày xưa, cách duy nhất để lên tới đỉnh núi cao 3.147m là đi bộ vài ngày. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, tuyến cáp treo đã đưa người lên núi trong 20 phút.
Khung cảnh trên đường lên rất đẹp - bạn có thể nhìn toàn cảnh những cánh đồng lúa bậc thang vô cùng đẹp.
Đường cáp treo càng lên cao thì càng có ít khu định cư của con người và thiên nhiên càng chiếm hữu nhiều hơn, từ cây cối đến suối và thác nước.
Khi ra khỏi cáp treo và bắt đầu leo lên một loạt cầu thang lên đỉnh, một trong những điểm tham quan ấn tượng nhất là tượng Phật cao 21,5m, được tạo tác từ hàng chục nghìn tấm đồng mỏng và là bức tượng Phật ngồi bằng đồng cao nhất thế giới.
Ấn tượng hơn nữa là được xây dựng trước khi có cáp treo, nghĩa là tất cả vật liệu để xây dựng tượng đều được vận chuyển lên núi.
Trên đỉnh có tấm bảng độ cao cho bạn biết mình đang ở điểm cao nhất trên bán đảo Đông Dương.
Vô thường là nền tảng trong lời dạy của Đức Phật và đó là điều có thể cảm nhận được khi lên đỉnh Fansipan. Sương mù và mây thường xuyên che khuất tầm nhìn của bạn - phút trước tượng Phật còn ở đó, phút sau biến mất.
Những người duy nhất ở lại Fansipan lâu dài chỉ có các nhà sư chăm sóc tượng Phật và các di tích Phật giáo khác, khiến ngọn núi có cảm giác cô đơn.
Thay vì vuốt sang trái và phải trên hồ sơ ứng dụng hẹn hò, người dân địa phương tập trung tại một quảng trường ở Sa Pa vào tối thứ bảy hàng tuần để tham gia "chợ tình". Thông qua các buổi biểu diễn âm nhạc và trò chơi, nam nữ thanh niên có cơ hội hiểu nhau hơn, mục tiêu là tìm được bạn đời.
Trong vòng hơn 100 năm, vùng cao nguyên không thể tiếp cận được, với những khu định cư rải rác, đã trở thành điểm đến cho những du khách đến để hòa mình vào lối sống truyền thống hơn và đặt chân lên nóc nhà Đông Dương. Xuyên suốt, nhiều thứ đã thay đổi trong khi nhiều thứ vẫn giữ nguyên.
Việc khai trương tuyến đường sắt Hà Nội vào năm 1905 và đường cao tốc vào năm 2014 là những bước ngoặt trong sự phát triển du lịch ở Sa Pa. Một sân bay được quy hoạch gần đó sẽ đưa du khách đến thị trấn mù sương nhiều hơn.
Theo Thanh niên