Ông Fei Jianming, Tổng thư kí Hiệp hội Tơ Lụa Thế giới, nhận xét: “Trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan…”.

Mặc dù được đánh giá là nguồn sản xuất tơ lụa thượng hạng hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam lại chưa thể trở thành một quốc gia có thương hiệu mạnh trên thị trường tơ lụa thế giới.

Nuôi tằm lấy kén tại làng lụa Mã Châu (Quảng Nam). Ảnh: Thông Thiện

CHUYỆN TỪ NHỮNG LÀNG TƠ LỤA CỔ

Trong ngôi nhà rường tuyệt đẹp nằm cạnh một khu vườn dâu cổ thụ xanh mướt ở phố cổ Hội An, Lê Thái Vũ - ông chủ của Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam, một doanh nhân giàu có và thành đạt vào hạng nhất nhì của giới kinh doanh tơ lụa Việt Nam - đang tiếp chuyện một đoàn thương gia hàng đầu trong giới tơ lụa thế giới đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Ý…

Như lệ thường, làm việc với các đối tác, ông Vũ không chỉ bàn về các thương vụ làm ăn mà còn dành nhiều thời gian để giới thiệu về lịch sử, tiềm năng và thế mạnh của ngành tơ lụa Việt Nam. Bởi theo ông, lụa là một sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của quốc gia, vì vậy những thông tin ấy rất có giá trị trong việc đánh giá phẩm cấp và thứ hạng tơ lụa của một nước.

Trải qua gần 5 thế kỷ người xứ Quảng hiện vẫn còn giữ kĩ thuật ươm tơ kéo sợi theo phương pháp truyền thống của người xưa. Ảnh: Thanh Hòa

Lại nói về ngành tơ lụa Việt Nam, theo thần tích của làng Cổ Đô, huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng như nhiều tài liệu, thư tịch cổ cho biết, người Việt biết đến nghề trồng dâu nuôi tằm từ rất sớm, vào khoảng thời Hùng Vương, tức cách đây khoảng 4000 năm về trước.

Từ tơ tằm, người Việt xưa đã biết dệt nên nhiều thứ lụa thượng hạng bền đẹp, mịn màng, óng mượt không thua gì lụa của Trung Hoa, Nhật Bản. Ví như ở miền Bắc, lụa Cổ Đô xưa được mệnh danh là “lụa cống”, tức là loại lụa thượng hạng dùng để cống nạp cho triều đình. Còn lụa Vạn Phúc thời thuộc Pháp được xem là mặt hàng tinh xảo nhất xứ Đông Dương nên từng được chọn đưa đi tham dự các cuộc đấu xảo lớn ở Marseille và Paris (Pháp).

Ở miền Trung, thuở xưa nghề tơ lụa cũng phát triển rất mạnh, nhất là vùng Quảng Nam, vì nơi đây có thương cảng cổ Hội An, điểm dừng chân quan trọng trong hành trình giao thương của con đường tơ lụa trên biển.

Quy trình se tơ tại làng lụa Cổ Chất (Nam Định). Ảnh: Trịnh Bộ

Như vậy có thể thấy, từ xa xưa, nghề tằm tang ở Việt Nam rất phát triển và sản phẩm tơ lụa của người Việt cũng đã được thế giới công nhận và đánh giá cao.

Trải qua bao cuộc bể dâu, nghề ươm tơ dệt lụa của người Việt cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Tuy nhiên, điều đáng mừng là nghề xưa vang bóng một thời nay vẫn còn được gìn giữ và phát triển ở nhiều làng quê trên đất nước Việt Nam.

Ngày nay, nếu có dịp đến thăm những làng nghề tơ lụa truyền thống nổi tiếng như Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)… du khách sẽ có cơ hội được cảm nhận, khám phá những không gian sản xuất tơ lụa truyền thống tuyệt đẹp với hình ảnh ruộng lúa, nương dâu cùng với tiếng lách cách thoi đưa đầy hoài niệm… Và đặc biệt là sẽ được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân trình diễn những kĩ thuật độc đáo làm nên những tấm lụa thượng hạng từng nổi danh một thời.

Làng lụa Nha Xá nằm ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã có từ lâu đời. Lụa Nha Xá mềm mịn, bền đẹp nổi tiếng. Ảnh: Việt Cường

ĐỂ ĐẾN VỚI CON ĐƯỜNG TƠ LỤA THẾ GIỚI

Xã ĐamB’ri là vùng đất nổi tiếng về nghề trồng dâu nuôi tằm ở thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Giữa cánh đồng dâu xanh rì bát ngát mênh mông trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, chị Lê Thị Thơ đang nhanh tay hái mấy bao lá dâu non để đem về cho tằm ăn.

Chị Thơ là cán bộ của bộ môn Dâu Tằm thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng. Là người có kiến thức, kinh nghiệm, lại sống ngay giữa vùng chuyên canh dâu tằm lớn của Bảo Lộc nên ngoài công việc nghiên cứu ở cơ quan, chị còn đầu tư trồng thêm 750.000 m2 dâu, mở lò nuôi tằm giống để cung cấp cho thị trường. Công việc tuy hơi vất vả nhưng thuận lợi và được đánh giá là hướng đi đầy triển vọng, bởi việc phát triển các giống tằm đang được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển nghề dâu tằm ở Bảo Lộc.

So với các làng tơ lụa truyền thống, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc ra đời muộn - vào khoảng những năm 70 của thế kỉ trước, nhưng phát triển rất mạnh, chiếm tới 70% giá trị sản lượng tơ tằm của cả nước, được ví là “thủ phủ” tơ tằm của Việt Nam. Bảo Lộc có ngành sản xuất tơ lụa quy mô, đồng bộ với đầy đủ tất cả các công đoạn từ trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ, dệt lụa, nhuộm cho đến sản xuất ra các loại sản phẩm hoàn chỉnh, và có cả có trung tâm kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Công nhân phân xưởng tơ sợi của Công ty Cổ phần Tơ tằm Á Châu ở Tp. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Giang

Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc rất đa dạng với hơn 20 chủng loại khác nhau, ngoài tơ thô, tơ sống, có thể kể đến những dòng sản phẩm vải lụa cao cấp, thượng hạng như lụa satin dùng may trang phục kimono truyền thống Nhật Bản; lụa yozu dùng may khăn đội đầu ở các nước khối Ả Rập, Ấn Độ; vải lụa habuta, crepe de chine (CDC) dùng may Âu phục cao cấp… Nhờ đó mà tơ lụa Bảo Lộc được nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới tin dùng và được xuất khẩu đến những cường quốc về tơ lụa như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ý, Braxin…

Tuy là nước có nguồn sản xuất tơ lụa thượng hạng hàng đầu thế giới, nhưng lâu nay Việt Nam lại quá chú trọng về xuất khẩu tơ sợi, tức chỉ dừng lại ở mức gia công với giá trị lợi nhuận thấp, trong khi chỉ có sản phẩm lụa hoàn chỉnh đạt phẩm cấp cao mới có thể giúp định danh được thương hiệu lụa của một quốc gia. Theo Tổng thư kí Hiệp hội Tơ Lụa Thế giới Fei Jianming, “Việt Nam là quốc gia có truyền thống dệt lụa lâu đời, vùng nguyên liệu mênh mông, lượng tơ tằm chất lượng cao hiếm có. Vì thế các bạn nên gìn giữ để sản xuất lụa ngay trong nước. Đó mới chính là hướng đi đúng để đến với con đường tơ lụa thế giới”.

Như vậy có thể thấy, song song với những giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài như xây dựng vùng nguyên liệu, tạo chuỗi liên kết sản xuất, đầu tư ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh đầu tư xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu… mà ngành tơ lụa Việt Nam đang tích cực triển khai thì những gợi ý của ông Fei Jianming có thể sẽ góp thêm một mắt xích quan trọng trên con đường khai mở đưa Việt Nam trở thành một thế lực mới trên thị trường tơ lụa đầy tiềm năng của thế giới.

 

Hiện toàn quốc có 5.000 ha dâu tằm, trong đó riêng Bảo Lộc có khoảng 500 ha với sản lượng lá dâu trung bình đạt khoảng 5.000 tấn/năm. Ngoài ra, Bảo Lộc còn có 23 doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh, sản xuất tơ và dệt lụa xuất khẩu. Thành phố Bảo Lộc mỗi năm sản xuất được khoảng 1.000 tấn tơ tằm, 3,5 triệu m2 lụa; kim ngạch xuất khẩu khoảng 16 – 18 triệu USD/năm, chiếm 80% tổng sản lượng xuất khẩu tơ lụa của cả nước. 

 

Theo Quê Hương