leftcenterrightdel
 Phụ nữ Sơn La thu hoạch cây gai xanh để cung cấp nguyên liệu sản xuất vải sợi gai, ổn định kinh tế

Sống tại Thụy Sĩ và có nhiều cơ hội tham gia các "sân chơi" thời trang quốc tế, nhà thiết kế La Phạm (Phạm Ngọc Anh, thương hiệu thời trang La Pham) nhận xét: Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tại nhiều quốc gia, thời trang bền vững, thời trang xanh đã trở thành mối quan tâm của người tiêu dùng. Thay vì chỉ chọn sản phẩm thời trang dựa trên màu sắc hay kiểu dáng, người tiêu dùng ngày càng hướng đến các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường, có thể tự phân hủy".

"Thời trang xanh" dần thay thế "thời trang nhanh"

Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều công ty dệt may, thương hiệu và các nhà thiết kế thời trang đã sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường như vải sợi gai, sợi tre, bã cà phê, vải tái chế, chai nhựa làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thời trang mang tính ứng dụng. Có thể kể đến những thương hiệu được người tiêu dùng biết đến như Uniqlo, Muji, hay một số thương hiệu thời trang lớn của Việt Nam như An Phước, may Thành Công, thời trang Boo, Owen… đã giới thiệu nhiều bộ sưu tập thời trang "xanh" đến với người tiêu dùng.

Chị Đặng Quỳnh Chi, sáng lập thương hiệu thời trang Ther Design (Hà Nội), chia sẻ: Chị thường xuyên tìm kiếm các loại vải có chất liệu thiên nhiên như tơ lụa, vải sợi gai… để sử dụng cho các bộ sưu tập thời trang dành cho phái đẹp. Với đặc trưng thoáng khí, bền, mềm, nhẹ và khá linh hoạt, những sản phẩm thời trang có chất liệu thiên nhiên đang là xu hướng lựa chọn của giới trẻ, đặc biệt là những người yêu môi trường.

"Trước đây, mình thường lựa chọn những sản phẩm thời trang nhanh (fast fashion) vì sản phẩm đa dạng mẫu mã, đẹp và chất lượng hợp lý. Nhưng sau thời gian trải nghiệm và tìm hiểu, mình nhận ra, nhiều thời trang nhanh có chất lượng không tốt và không mang lại cảm giác thoải mái như các sản phẩm được may bằng chất liệu thiên nhiên. Đặc biệt, những người trẻ như mình hiện nay cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường nên các sản phẩm có chất liệu thân thiện hay thời trang tái chế, gọi chung là thời trang bền vững - thời trang xanh được ưu tiên lựa chọn hơn", chị Nguyễn Thanh Hoài (Hải Dương) tâm sự.

Chị Vũ Thị Liễu, sáng lập và điều hành đơn vị sản xuất sợi từ lá dứa, chia sẻ thêm: "Xanh hóa" ngành dệt may là yêu cầu cấp bách để đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị về biến đổi khí hậu COP 26.

Tạo sinh kế cho lao động địa phương

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều chất liệu bền vững đã được nghiên cứu và ứng dụng, tạo ra các loại vải thân thiện với môi trường, phục vụ cho ngành "thời trang xanh". Có thể kể đến dự án ECOSOI nghiên cứu, sản xuất sản phẩm vải từ sợi lá dứa, sợi lá chuối, tạo sinh kế cho bà con nông dân và những người yếu thế ở vùng Thạch Thành, Thanh Hóa. Không chỉ cung cấp nguyên liệu bền vững cho ngành may mặc và thời trang, dự án còn giúp người nông dân có thêm việc làm ngay tại địa phương, có thêm thu nhập từ phụ phẩm nông nghiệp.

Hội LHPN các tỉnh Lào Cai, Sơn La cũng đã mạnh dạn đưa cây gai xanh - một loại cây được sử dụng để làm nguyên liệu tạo ra loại sợi tự nhiên bền chắc - về trồng tại địa phương. Chị Vi Thị Loan (Hội LHPN huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) thông tin: Với vùng nguyên liệu rộng khoảng 350ha, có sự tham gia của 10 tổ nhóm sản xuất của phụ nữ địa phương, trong đó chủ yếu là phụ nữ các dân tộc Tày, Dao, Mông, chuỗi giá trị sản xuất cây gai xanh của Hội LHPN huyện đã được thành lập, mang lại thu nhập tăng gấp 3-4 lần so với trồng ngô, trồng sắn.

Bên cạnh dòng sản phẩm thời trang từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, trên thị trường hiện nay ngày càng xuất hiện thêm nhiều dòng thời trang tái chế, với các sản phẩm may mặc, túi xách được làm mới từ những món đồ thời trang đã qua sử dụng như đồ jeans, quần áo lỗi mốt… giúp sản phẩm có thêm một vòng đời mới, hữu ích hơn và hạn chế rác thải từ thời trang ra môi trường.

"Sự đón nhận của người tiêu dùng, niềm hạnh phúc của người lao động khi có được công việc ở địa phương và có thu nhập là động lực để chúng tôi nghiên cứu, sản xuất các nguyên liệu bền vững cung cấp cho thời trang và may mặc, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải hàng trăm nghìn tấn CO mỗi năm", chị Vũ Thị Liễu nhấn mạnh.

Anh Quân