leftcenterrightdel
 Chị Phạm Thị Hảo với các sản phẩm của HTX nông nghiệp Hảo Anh

Chị Phạm Thị Hảo, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hảo Anh, cho biết, sinh ra và lớn lên tại xã Mường Vi (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), chị hiểu được giá trị của gạo Séng Cù nơi đây cùng với sự vất vả của bà con để trồng ra được hạt lúa. 

Lúa Séng Cù thường được trồng dọc thung lũng Mường Vi. Phương thức canh tác đã tạo nên hương vị đặc trưng của gạo Séng Cù nơi đây. Trong quá trình nghiên cứu về các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh Lào Cai, chị Hảo nhận thấy, những năm qua, nhu cầu về nông sản bản địa tăng cao, mở ra một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. 

Gạo Séng Cù là sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao. Người nông dân trải qua bao vất vả làm ra hạt gạo Séng Cù thơm ngon nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Phương thức canh tác còn manh mún, nhỏ lẻ do địa hình miền núi bị chia cắt. 

Mặc dù tiềm năng vùng nguyên liệu gạo Séng Cù lớn nhưng đầu ra khó khăn. Người nông dân thường bị thương lái ép giá; giá trị thương hiệu chưa cao nên hiệu quả kinh tế đem lại cho bà con còn hạn chế.

Mong muốn đưa gạo đặc sản quê hương vươn xa, chị Phạm Thị Hảo đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hảo Anh vào tháng 5/2019 với sứ mệnh "đánh thức những mùa vàng", xây dựng hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển đặc sản gạo Séng Cù Mường Vi. 

Trong hành trình khởi nghiệp của mình, chị Phạm Thị Hảo xác định hướng đi riêng cho HTX. Theo đó, HTX nông nghiệp Hảo Anh trực tiếp tổ chức cho xã viên sản xuất, canh tác theo quy trình sản xuất hướng tới hữu cơ. 

leftcenterrightdel
Chị Phạm Thị Hảo, Giám đốc HTX nông nghiệp Hảo Anh, trên đồng ruộng Mường Vi 

Đồng thời, HTX tổ chức phân phối lợi nhuận bình đẳng, công khai theo sự đóng góp của từng xã viên. Xã viên tham gia sản xuất theo sự phân công và được hưởng thù lao theo công sức đóng góp. Đây là yếu tổ để HTX phát triển bền vững, từ đó phát huy được sức mạnh tập thể.

Hiện nay, HTX đang liên kết với 63 hộ cấy lúa Séng Cù tại xã Mường Vi. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua hơn 200 tấn thóc Séng Cù theo giá thị trường. Người trồng yên tâm sản xuất, gắn bó với đồng ruộng.

Lựa chọn loại hình HTX, chị Hảo chia sẻ, khác với hộ gia đình tự túc sản xuất theo quy mô nhỏ, chủ yếu hướng đến đáp ứng nhu cầu cơ bản của gia đình, HTX là mô hình phát triển kinh tế mang tính tập thể. 

Để thành lập HTX cần ít nhất 5 thành viên chính thức tự nguyện tham gia, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững. Để đi đến thành công, chị Hảo xác định phải luôn nỗ lực, trau dồi, học hỏi cách thức quản trị HTX ổn định, hiệu quả. 

Đặc biệt là yếu tố đoàn kết, chia sẻ, đảm bảo hài hoà lợi ích chính là mấu chốt để đời sống của từng xã viên được nâng lên. 

"Tính tập thể cũng như số lượng lao động lớn có thể dẫn đến một số khó khăn trong công tác quản lý, điều hành bộ máy. Làm sao để tránh mâu thuẫn giữa các thành viên cũng là vấn đề mà người lãnh đạo HTX phải giải quyết. Điều này đặt ra yêu cầu đối với hệ thống quản lý phải có sự phân cấp, có liên kết chặt chẽ để tránh xung đột", chị Hảo cho biết.

PV