Tăng cường đầu tư cho các sản phẩm sợi dệt
Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn
Năm 2015, tổng kim ngạch XK dệt may cả nước đạt 27,2 tỷ USD. Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - tổng kim ngạch XK tuy hơi thấp so với mục tiêu ban đầu dự kiến 27,5 tỷ USD, nhưng nếu nhìn vào bối cảnh năm 2015, mặt bằng giá toàn thế giới xuống thấp, nhất là giá nguyên liệu đầu vào như dầu thô, xơ sợi, bông đều thấp, dẫn đến đơn giá thấp, thì việc tăng kim ngạch XK 10% là một nỗ lực lớn của ngành dệt may.
Đặc biệt, năm 2015, sự cạnh tranh từ các quốc gia XK dệt may khác đối với dệt may Việt Nam vô cùng căng thẳng. Các quốc gia XK dệt may lớn như Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan… đều phá giá đồng nội tệ, nên giá hàng dệt may XK rẻ hơn hàng Việt Nam. Trong khi đó, những thị trường nhập khẩu, hàng dệt may không tăng kim ngạch nhập khẩu. Thị trường Mỹ nhu cầu chỉ tăng 4%, EU, Nhật Bản giảm nhập khẩu hàng dệt may đến -8%, nhưng XK dệt may của Việt Nam vẫn tăng cao, XK vào Mỹ tăng gần 13%, XK vào EU và Nhật Bản lần lượt tăng 6% và 8%.
“Việc giữ được tốc độ tăng trưởng năm 2015 đạt 10% và vượt qua được những thách thức của thị trường, giữ vững vị trí top 5 quốc gia có kim ngạch XK dệt may hàng đầu thế giới, là cả sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may Việt Nam” - ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Chủ động đón nhận cơ hội hội nhập
Năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất quá trình đàm phán. Được coi là một trong nhóm ngành được hưởng lợi nhất từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là TPP, nhưng trên thực tế, dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức. Bởi các hiệp định hầu hết đều đưa ra quy định về xuất xứ từ nước XK hoặc cộng gộp trong nội khối, FTA Việt Nam- EU từ vải, Hiệp định TPP từ sợi trở đi. Trong khi, đây lại là khâu yếu nhất của dệt may Việt Nam. Các nước hiện đang cung cấp nguyên, phụ liệu cho dệt may Việt Nam phần lớn cũng nằm ngoài TPP. Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào dệt, nhuộm cũng đồng nghĩa với việc các DN trong nước sẽ phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các DN FDI.
Ông Lê Tiến Trường cho biết, điều đáng mừng là không phải bây giờ, khi mà các hiệp định thương mại được ký kết, DN dệt may mới lo đến câu chuyện hội nhập, mà đó là câu chuyện của 5 năm trở lại đây. Ngay từ năm 2011, Vinatex đã đồng hành cùng đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do và nhận thức được quy tắc xuất xứ của các hiệp định này từ sợi và vải. Chính vì thế, các DN Việt Nam và cả các DN FDI đều nỗ lực chuẩn bị đầu tư cho khâu vải và sợi.
Riêng năm 2014 đã có 11 dự án sợi, 14 dự án dệt của DN FDI được các địa phương chấp thuận. Năm 2015, ngành dệt may thu hút trên 50 dự án FDI với 1,12 tỷ USD. Cụ thể: Dự án của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai 660 triệu USD đầu tư sản xuất và chế biến sợi tại Đồng Nai; Dự án nhà máy sợi, vải màu Luthai 160 triệu USD tại Tây Ninh của nhà đầu tư Hồng Kông…
Về phía các DN Việt Nam, đã có nhiều dự án mở rộng, nâng cấp cũng như đầu tư mới theo chủ trương tạo ra các cụm công nghiệp sợi-dệt-nhuộm ở các miền, tăng khả năng cung ứng nguyên phụ liệu trong nước. Có thêm một số khu công nghiệp (KCN) mới đi vào hoạt động như: KCN Bảo Minh, Rạng Đông (Nam Định)… Đặc biệt, Vinatex từ năm 2013 đã đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may... với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2016, các dự án có khả năng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu vải các loại của toàn tập đoàn.
Năm 2016, phấn đấu 30 tỷ USD xuất khẩu
Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2016 vẫn là năm có nhiều biến động về thị trường tài chính, tiền tệ và cả yếu tố tăng trưởng. Tổng cầu về dệt may của thế giới năm 2016 vẫn tương đương với năm 2015. Ngoài ra, dự báo về giá dầu tiếp tục ở mức thấp trong năm 2016, nguồn nguyên liệu ảnh hưởng đến ngành dệt may như giá các loại xơ sợi từ sản phẩm hóa dầu tổng hợp thấp, sẽ kéo theo giá bông xuống thấp. Vì thế, đơn giá sản phẩm dệt may có thể thấp hơn cả năm 2015 nếu giá dầu xuống thấp hơn 30 USD. Hơn nữa, với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ xuất hiện sự cạnh tranh khốc liệt hơn về lao động do có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng đổ vốn vào thị trường Việt Nam. DN dệt may sẽ phải tìm cách để chủ động đương đầu với khó khăn này. Ngoài ra, năm 2016, DN cũng phải đối mặt với việc tăng lương, cùng với đó là tăng các khoản thu về bảo hiểm xã hội, phí công đoàn.
Ông Lê Tiến Trường nhìn nhận, trong bối cảnh đó, tăng trưởng kim ngạch XK dệt may chỉ có thể đạt 8-10%, bởi các TPP và FTA Việt Nam-EU chưa có hiệu lực, cùng với đó là cầu thấp và đơn giá thấp. Nhưng với cơ hội mở rộng thị trường XK vào các nước thành viên của các hiệp định này, dệt may Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 11-12% về sản lượng so với năm 2015. Như vậy, năm 2016, kim ngạch XK dệt may Việt Nam có thể đạt 30 tỷ USD.
Theo Công thương online