Tại buổi phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021", sáng 18/6, ông Tâm cho rằng: Việt Nam hiện có nhiều bài toán trong phát triển, đặc biệt là các bài toán về chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang có các lợi thế, như am hiểu thị trường nội địa, am hiểu nhu cầu khách hàng, văn hoá bản địa, sẵn sàng phục vụ khi có nhu cầu, chủ động sáng tạo, thiết kế, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp theo yêu cầu riêng biệt.

Từ những lợi thế này, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng các doanh nghiệp số Việt Nam có khả năng giải quyết tối ưu các bài toán của Việt Nam, qua đó chiếm lĩnh được thị trường chuyển đổi số trong nước. Từ việc ứng dụng các công nghệ mới, Việt Nam sẽ tiến đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó đóng góp công nghệ cho thế giới.

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại buổi phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021".

Để làm được điều này, ông Tâm cho rằng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như AI, phân tích dữ liệu lớn, IoT, tự động quy trình robotic. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng sử dụng công nghệ mở, nguồn mở, dữ liệu mở. "Với công nghệ mở, Việt Nam không chỉ trở thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại mà còn đóng góp công nghệ cho nhân loại", đại diện Bộ TT&TT nói.

Theo ông Tâm, việc phát triển các sản phẩm Make in Viet Nam là con đường để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ cả công nghệ và sản phẩm. Từ đó, đi cùng nhịp với các cường quốc trên thế giới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm công nghệ số Việt Nam đã trực tiếp giúp các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, người dân thực hiện chuyển đổi số. Các giải pháp như Akabot, VNPT Edu, Vinbrain DrAid, Vỏ sò... đã góp phần vào công cuộc chuyển đổi số, cũng như hỗ trợ về giáo dục, khám chữa bệnh từ xa, trong giai đoạn dịch bệnh. Đây đều là những sản phẩm đạt giải cao tại Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020.

Để khuyến khích, động viên các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ số mới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" mùa thứ 2.

Giải thưởng có 5 hạng mục gồm: Nền tảng số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Giải pháp số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số; Sản phẩm số tiềm năng. Thời gian nhận hồ sơ tham dự từ 20/6 đến 20/9/2021.

Theo đại diện đơn vị tổ chức, tiêu chí quan trọng của giải thưởng năm nay nằm ở giá trị thực tế của sản phẩm, được đánh giá bằng doanh thu, số lượng người dùng, và sẽ chiếm khoảng 70% số điểm. Ngoài ra, một trọng số khác là các sản phẩm được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam. Đơn vị tham gia phải chứng minh được các công đoạn cốt lõi của sản phẩm được thực hiện tại Việt Nam, do người Việt làm chủ.

Giải thường "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021" sẽ có các giải Vàng, Bạc, Đồng và Top 10 cho các sản phẩm công nghệ số xuất sắc. Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ cùng đồng hành cùng các doanh nghiệp đoạt giải để đưa các sản phẩm công nghệ số này ra thị trường rộng lớn hơn, đi xa hơn.

Năm ngoái, giải thưởng này thu hút 239 sản phẩm tham dự. 5 sản phẩm đạt giải cao nhất gồm: akaBot - Sản phẩm số xuất sắc; OneATS - Giải pháp số xuất sắc; Base.vn - Nền tảng số xuất sắc; vnEdu 4.0 - Thu hẹp khoảng cách số; AI Smart Warning - Sản phẩm số tiềm năng.

Theo vnexpress