Đỏ lửa làm tượng Táo quân
Theo quan niệm, hàng năm cứ vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, nhiều người dân đều cúng tiễn Táo Quân - vị thần trông coi bếp núc về trời để báo lại mọi việc xảy ra trong năm qua ở trần thế. Cùng với đó tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đầy đủ, chính vì thế nhu cầu sử dụng tượng Táo quân tăng cao.
Ông Chín bên những tượng đất Táo quân chưa nung
Đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, cơ sở của gia đình ông Chín lại tất bật công việc làm tượng Táo quân cho kịp những đơn hàng khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, gia đình ông Chín sản xuất khoảng 30.000 - 60.000 tượng để cung ứng ra thị trường. Cơ sở làm gốm Nguyễn Văn Chín là nơi duy nhất ở làng gốm Thanh Hà còn giữ làm tượng đất Táo quân vào dịp cuối năm.
Năm nay, mặc dù mới bước qua tháng 11 âm lịch nhưng cơ sở của ông đã nhận được đơn đặt hàng khoảng 30.000 tượng đất Táo quân. Tận dụng khu vực sân trước của khu đền gần nhà, ông Chín thuê thêm một số người dân địa phương tiến hành nhồi đất và làm tượng đất Táo quân. Mỗi ngày cơ sở của ông Chín có thể làm được khoảng 3.000 tượng. Những ngày này, lò nung ở cơ sở làm gốm của ông Chín đỏ lửa suốt đêm. Cơ sở làm gốm của ông Chín cũng đông vui hẳn lên vì mỗi ngày đều có du khách đến tham quan tìm hiểu nghề làm tượng Táo quân vào dịp cuối năm, tiếng nhồi đất vang cả một góc sân nhà.
Ông Chín cho biết, để làm ra một tượng Táo quân đẹp mắt và chất lượng, người thợ phải thật tỉ mỉ trong từng khâu như việc nhồi đất; cho đất vào khuôn phải đều tay; phơi khô phải đủ nắng hoặc sấy; nung tượng phải đủ lửa. Sau khi tượng Táo quân nung xong và để ít nhất 2 ngày mới có thể quét lên tượng lớp màu. “Tượng đất Táo quân ai cũng làm được, nhưng để làm ra sản phẩm đẹp và có tượng có hồn thì người làm phải đam mê và tỉ mỉ. Có những người mới học làm do khi đưa đất vào khuôn không đều, khi in ra không đầy đủ các chi tiết nên phải tháo đi làm lại mấy lần mới ra một sản phẩm hoàn chỉnh” - ông Chín nói.
Mong giữ nghề
Nhắc lại câu chuyện làm tượng Táo quân từ gia đình của mình, ông Chín nói với vẻ đầy tự hào xen lẫn một chút hoài niệm về nỗi lo mai một cái nghề một thời làm “cần câu cơm” của gia đình ông. Gia đình ông đã có 3 thế hệ làm gốm và theo những thăng trầm cùng với làng gốm Thanh Hà. Theo ông Chín, trước đây vào dịp cuối năm nhà nào cũng đỏ lửa làm tượng đất Táo quân, thậm chí những người nhỏ tuổi cũng đã được truyền dạy nghề, bản thân ông cũng được gia đình truyền nghề làm tượng ông Táo khi còn nhỏ.
Ông Chín năm nay đã có thâm niên gần 40 năm trong nghề làm gốm, cũng ngần ấy thời gian năm nào ông cũng làm tượng Táo quân. Hơn nửa đời người làm “bạn với đất sét” điều ông luôn trăn trở là vẫn chưa có người nối nghiệp giữ nghề làm tượng đất Táo quân. “Trước đây, ở làng gốm Thanh Hà có nhiều nhà khác cũng làm tượng đất Táo quân bán ra thị trường, nhưng vì một số lý do như giá cả thấp; sự xâm nhập của các loại tượng đất Táo quân ở nơi khác vào, lượng đặt hàng ít… nên nhiều người không giữ nghề” - ông Chín nói.
Hai năm nay ông Chín cũng đã chuyển qua làm gốm mỹ nghệ và phục vụ du lịch ở làng nghề, công việc nhẹ nhàng, nguồn thu nhập ổn định hơn song ông vẫn không bỏ nghề làm gốm thủ công và làm tượng Táo quân vào dịp cuối năm. Ông Chín chia sẻ: “Gia đình tôi đã trải qua 3 thế hệ làm nghề gốm và đặc biệt là làm tượng Táo quân mỗi khi tết đến xuân về, dù công việc có vất vả nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng giữ nghề và truyền đạt lại cho thế hệ mai sau. Nhưng việc tìm người nối nghề giờ chưa có nên tôi cũng trăn trở”.
Ông Nguyễn Văn Tú - Chủ tịch UBND phường Thanh Hà cho biết, làng gốm Thanh Hà có truyền thống đã 500 năm, hiện nay tại làng có 38 hộ dân làm gốm và dịch vụ trải nghiệm. Nghề làm Táo quân đã tạo ra một trong những sản phẩm tại làng gốm Thanh Hà nhưng hiện nay chỉ còn mình ông Nguyễn Văn Chín giữ nghề này.
“Sản phẩm Táo quân đặc thù theo mùa và chỉ gần Tết Nguyên đán người ta mới đặt hàng. Trước đây ở làng gốm Thanh Hà có rất nhiều người làm tượng Táo quân, nhưng hiện nay do nhu cầu thị trường người ta ít sử dụng tượng Táo quân cho nên người dân chuyển qua hướng khác. Ông Nguyễn Văn Chín giữ nghề làm Táo quân đã góp phần làm phong phú sản phẩm của làng nghề. Hướng của địa phương là một mặt duy trì sản phẩm truyền thống, thứ hai là phát triển gốm mỹ nghệ để phục vụ du lịch” - ông Tú nói.
Theo Quê Hương