Bà Lê Thị Lan Xuân là con gái út của Phụ Thiên đại vương và công chúa Thụy Thánh, là cháu 5 đời của vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê.
Năm 1134 đời vua Lý Thần Tông, sau khi được chọn vào cung, thấy bà là người đủ cả công dung ngôn hạnh nên vua cho lập làm phi. Bà luôn giữ đúng đạo làm vợ, từ ăn mặc trang điểm đến nói năng cư xử rất lễ nghi khuôn phép khiến nhà vua rất hài lòng.
Nhập cung được 2 năm, bà được tiến phong là Phụng thánh Phu nhân. Từ đó bà càng giữ bền tâm hạnh, luôn tự sửa mình theo giáo hóa Nho gia, giữ trọn bổn phận nàng dâu hiền, phụng thờ tổ tiên chu đáo không một chút thiếu sót.
Năm 1138, vua Lý Thần Tông ốm nặng, để giữ dòng đích, tránh xảy ra tranh chấp rối loạn trong triều, bà đã cùng Cảm thánh Phu nhân khéo léo tìm cách để Lê Anh Tông được nối ngôi. Sau khi vua Lý Thần Tông băng hà, bà xin ở lại trông coi lăng tẩm, hương khói lễ nghi không hề biếng trễ cho đến mãn tang.
Khi vua Lý Anh Tông lên ngôi, vì có công phò tá, bà được vua và Cảm thánh hoàng hậu đặc ban cho đến dự các phiên chầu vào các ngày sóc vọng (rằm, mồng một). Đức vua một lòng kính mến bà, thường hỏi ý kiến riêng.
|
Chùa Diên Linh Phúc Thánh của Phụng thánh Phu nhân Lê Thị Lan Xuân |
Tuy cương vị của bà sánh ngang với các bậc vương công nhưng không bao giờ bà cư xử khinh suất mà thường khiêm tốn thận trọng, giữ đúng vị trí của mình khiến mọi người đều rất yêu quý, kính trọng. Bà luôn gìn giữ nếp nhà, đối xử với trên dưới rất mực cung thuận, luôn nhân từ bác ái, ân huệ thấm xuống tận gia nhân. Trong tư thất của bà, mọi việc đều được cắt đặt nền nếp. Thái hậu và đức vua thường thích đến chơi và luôn khen ngợi đức độ, khuôn phép của bà.
Năm 1145, bà xin phép nhà vua cho dựng chùa Diên Linh Phúc Thánh trên núi Ngọc Phác (nay thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) vừa để hoằng dương Phật pháp vừa để thờ phụng tổ tiên. Chùa xây xong uy nghiêm tráng lệ, trở thành nơi lui tới của phật tử một vùng. Từ đó bà về sống tại đây.
Dân gian truyền rằng, thời kỳ này bà đã bỏ công bỏ của khuyến khích và phát triển các phường hát Xoan ở nơi đây. Lúc này, ở các làng Kim Đơi, Thét, Phù Đức (nay thuộc xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) và làng An Thái (nay thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) có các phường múa hát Xuân đi biểu diễn ở các hội làng. Tương truyền, điệu múa hát Xuân có từ thời vua Hùng và chỉ tổ chức hát trong mùa Xuân.
Bà Lê Thị Lan Xuân hiểu giá trị văn hóa nghệ thuật tuyệt vời của điệu múa hát này thường cho triệu phường Xuân đến Hương Nộn biểu diễn. Rồi bà giúp đỡ các phường hát này thành tổ chức quy mô, bài bản. Một mặt bà tạo điều kiện cho họ đến múa hát ở các đình đền thờ vua Hùng. Mặt khác, bà cho sưu tầm các câu hát truyền miệng ghi vào sách vở gồm tất cả gần 2.000 câu.
Bà bàn bạc với những người am hiểu trong các phường chia ra từng tiết mục rành mạch gồm có 5 đoạn lề lối, 14 đoạn quả cách, 9 giọng vặt là. Đó là bài bản hát Xuân.
Để tỏ lòng biết ơn bà, các phường hát Xuân kiêng tên bà gọi chệch đi là hát Xoan.
|
Bà Lan Xuân là người đã cho sưu tầm các câu hát truyền miệng của điệu hát Xoan ghi vào sách vở gồm tất cả gần 2.000 câu để lưu giữ cho đời sau. |
Năm 1171, bà lâm bệnh rồi tạ thế, thọ 63 tuổi. Bà được đặc ban cho cử hành tang lễ theo nghi thức tang lễ của Hoàng hậu.
Năm 1173, lại được ân chỉ cho đưa về táng tại quê hương, trên núi Phác Sơn, phía tây chùa Diên Linh Phúc Thánh. Đạo đức tốt đẹp của bà được nhà vua đặc sai quan Quốc sử thuật lại ghi vào bia mộ. Hiện nay, tại chùa này vẫn còn bức tượng của phu nhân, nhân dân quen gọi là tượng Thánh mẫu.
Ngày nay, người ta vẫn giữ lệ, hàng năm, vào đầu mùa hát Xoan, phường Xoan lại kéo đến Hương Nộn làm lễ cúng bà và múa hát hầu thánh, truyền tụng như một ân nhân.
Phụ nữ Việt Nam