Sinh ra và lớn lên trên xứ sở đất trồng khoai mì, từ nhỏ chị Ngô Thị Thùy Trang đã được thưởng thức các món ăn chế biến từ mì như bột mì khuấy chấm nước mắm chanh ớt, các loại bánh tai vạt, bánh chuối hấp, bánh da lợn… và đặc biệt sợi bánh canh mang hương vị đặc trưng của vùng đất Bình Định.
Khi lên TP. Hồ Chí Minh để học tập và làm việc, chị vẫn nhớ hương vị ấy và thường dùng bánh canh vào bữa sáng hay bữa tối, đôi khi còn "nghiền" bánh canh thay cơm.
Sau khi lập gia đình, chị Thùy Trang cùng chồng trở về quê Tây Sơn sinh sống. Sau 10 năm làm việc ở đất Sài thành, ngày trở về chị vừa là một bà mẹ bỉm sữa, vừa là một công dân "thất nghiệp". Chuyên ngành kế toán mà chị học dần dần bị lãng quên bởi mải miết "bầu bì" và sinh hai con nhỏ. Lúc này, chị Trang có cảm giác như bản thân bị mất phương hướng, đôi khi thấy hoang mang khi quanh quẩn cả ngày với "bỉm" và "sữa" một cách đúng nghĩa.
Thương vợ, chồng chị bàn bạc tìm kiếm một công việc, một hướng đi mới để chị vừa có thể làm kinh tế, vừa chăm sóc con cái. Và bắt đầu từ đam mê từ thời còn sinh viên, hai vợ chồng chị quyết định đến với ngành thực phẩm chế biến, cụ thể là món bánh canh Bình Định.
Thế nhưng cái khó ở đây chính là phải làm mới món ăn vùng miền này chứ không thể chỉ làm bánh canh đơn thuần. Trong nhiều ngày nghiên cứu, chị Trang đã thử kết hợp bột mì tinh luyện với hàm lượng rau củ nhất định để cho ra sợi bánh canh vừa dễ ăn, vừa bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng từ rau củ, mà lại không làm mất đi hương vị cổ truyền.
"Rau củ thì vô số loại, nhưng mình quyết định chọn 5 dòng rau củ đó là củ dền, mè đen, rau chùm ngây và hoa đậu biếc. Để cho đa dạng sản phẩm, mình đã nghiên cứu làm sao cho màu sắc của từng loại thật bắt mắt, mang đúng màu sắc của rau củ nguyên bản. Ví dụ như bánh canh củ dền sẽ có màu hồng đỏ, bánh canh rau chùm ngây sẽ có màu xanh,… Mình muốn tích hợp các yếu tố dinh dưỡng trong một sản phẩm theo xu hướng sống tự nhiên - sống xanh - sống khỏe", chị Trang chia sẻ.
Cơ duyên đã đưa chị gặp được người truyền nghề và công thức làm bánh canh truyền thống, từ đó, chị nghiên cứu làm bánh canh rau củ. Do chưa có một công thức chuẩn trước đó để học hỏi nên chị đã phải mày mò làm đi làm lại, thay đổi và thử rất nhiều cách để đi đến thành công.
Cùng với công thức làm bánh, quy trình sản xuất cũng là một vấn đề lớn cần đầu tư bài bản. Theo chị Trang, cần phải máy móc hóa quy trình sản xuất và quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, các tiêu chí sản xuất… Chị Trang đã đầu tư hơn 300 triệu đồng vào máy móc và phát triển thương hiệu bánh canh Vidata.
Sản phẩm Bánh canh rau củ sấy khô Vidata là một trong những sản phẩm tiên phong trong thị trường ngách mà Vidata hướng đến. Với tiêu chí xanh, sạch, 100% làm từ tự nhiên, không chất tạo màu, không bảo quản, không chất phụ gia, không cholesterol đã mang lại những bữa ăn ngon miệng, đẹp mắt cho người tiêu dùng. Bánh canh rau củ Vidata cũng đáp ứng nhu cầu thay thế các món ăn khác như bún, mì, phở, giúp thực dưỡng, giảm cân.
Có sản phẩm tốt, nhưng câu hỏi đặt ra đối với chị Trang là làm sao tiếp cận ra thị trường? Làm sao để bán được hàng tốt nhất? Làm sao để phục vụ khách hàng tốt nhất? Làm sao dể cho ra sản phẩm hoàn thiện nhất?
Với vô vàn vấn đề khó khăn như vậy, vợ chồng chị đã đồng sức, đồng lòng kiên nhẫn đi đến cùng và luôn lắng nghe phản hồi từ khách hàng trong suốt quá trình sản xuất và cung cấp sản phẩm, đúc kết kinh nghiệm và cố gắng hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí "chỉ cần tốt hơn 1% mỗi ngày".
Để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng, chị Trang đã tận dụng mọi cơ hội để tham gia quảng bá sản phẩm trên nền tảng công nghệ số. Do mẫu mã đẹp, bắt mắt nên số lượng khách hàng đặt qua mạng cũng tương đối nhiều, đó cũng là động lực lớn để Vidata hoàn thiện sản phẩm hơn nữa.
Ngoài bán trực tiếp và online, chị Trang còn xây dựng hệ thống đại lý, nhà phân phối ở các tỉnh thành để lan tỏa sản phẩm. Chị cũng miệt mài đưa thương hiệu bánh canh Vidata đến các hội chợ triển lãm sản phẩm và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Năm 2021, Vidata đã đạt giải Nhì trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định tổ chức.
Nhận xét về thị trường cùng loại hiện nay, chị Trang cho biết, ngày nay khách hàng ưa thích chọn thực phẩm an toàn, lành tính, tự nhiên và giàu dinh dưỡng. Vì vậy thị trường bánh canh vẫn còn nhiều dư địa, nhưng cũng khiến cho các doanh nghiệp ngành này phải cạnh tranh khốc liệt. Điều đó đòi hỏi sự sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nếu muốn làm chủ sản phẩm, đứng vững trên thị trường.
Sắp tới đây, Vidata sẽ cho ra mắt dòng Bánh canh rau củ từ bột gạo để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường ba miền.
An Khê