leftcenterrightdel
 Cô Nguyễn Thị Tuấn

Năm 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc với tinh thần muốn góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, cô thôn nữ Nguyễn Thị Tuấn đã đi thanh niên xung phong. Mảnh đất Lâm Đồng là nơi cô có nhiều kỷ niệm đẹp tuổi thanh xuân của mình. Sau khi hoàn thành trách nhiệm được giao, cô trở về quê hương và làm nghề nuôi dạy trẻ. Cuộc sống cứ trôi qua êm đềm như thế.

"Động lực khởi nghiệp đến với tôi cũng khá bất ngờ", cô Tuấn nhớ lại. "Xã Chàng Sơn (Hà Nội), nơi tôi sinh sống, có nghề làm quạt giấy truyền thống nhưng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm quạt lưu niệm nhập khẩu. Không đành lòng nhìn sản phẩm gắn bó với mình từ tấm bé bị mai một, tôi luôn nung nấu ý tưởng đưa quạt giấy quê hương đến với nhiều du khách quốc tế bởi tôi tin mình và những nghệ nhân trong làng có thể sáng tạo ra các sản phẩm đẹp. Sau khi các con lập gia đình riêng, dù đã bước vào độ tuổi 50, tôi vẫn quyết tâm khởi nghiệp để được làm điều mình thích, lại có thể tự chủ kinh tế".

leftcenterrightdel
Từ sản phẩm quạt giấy truyền thống, với công dụng chính là làm mát, cô Nguyễn Thị Tuấn đã nghiên cứu, đầu tư cải tiến sản phẩm. 

Cải tiến và nâng tầm sản phẩm truyền thống

Từ sản phẩm quạt giấy truyền thống, với công dụng chính là làm mát, cô Nguyễn Thị Tuấn đã nghiên cứu, đầu tư cải tiến sản phẩm. Cô dành thời gian tìm hiểu và thử nghiệm từng công đoạn từ chặt, chẻ nan tre, đến nghiên cứu cách xử lý mùi, mốc và màu sắc cho nan tre, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất mới, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại. Qua bàn tay chăm chút và ý tưởng sáng tạo của người thanh niên xung phong năm nào, những chiếc quạt đơn sơ đã trở thành sản phẩm trang trí, tờ rơi giới thiệu sản phẩm, phụ kiện thời trang…

Với số vốn khởi nghiệp vài triệu đồng cùng một trang web do con lập cho, cô Nguyễn Thị Tuấn đã phát triển thương thiệu quạt Chàng Sơn, được trưng bày và giới thiệu ở những sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng của Hà Nội và đất nước. Những chiếc quạt nhỏ cũng theo chân du khách đến với nhiều quốc gia. "Khó khăn lớn nhất trên hành trình khởi nghiệp của tôi chính là mình đã lớn tuổi, nên cập nhật công nghệ thông tin không nhanh nhạy, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh không thành thạo. Tôi phải nhờ các con, các cháu hỗ trợ. Nhưng không vì thế mà mình nản chí, bởi tôi không ngại khó, không ngại khổ dù phải đối diện với hoàn cảnh nào. Cũng chính tinh thần đó đã giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua thời gian dịch Covid-19 vừa qua", cô Tuấn nhấn mạnh.

Dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ

Khởi nghiệp với mục tiêu hàng đầu là giữ nghề, tiếp đó là tạo công ăn việc làm cho những phụ nữ khác ở địa phương, rồi cuối cùng mới quan tâm đến thu nhập, cô Nguyễn Thị Tuấn là người "tiếp lửa" cho nhiều hoạt động tại địa phương. Từ mô hình khởi nghiệp quạt giấy của mình, cô đã dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ trong xã. Đồng thời, cô Tuấn tích cực tham gia các hoạt động địa phương, đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong xã Chàng Sơn và Phó Trưởng ban nữ công xã Chàng Sơn.

"Trong cuộc sống không có gì đáng quý bằng việc đồng đội giúp nhau. Với những đồng đội khó khăn, tôi hỗ trợ họ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Còn với những đồng đội ốm đau, bệnh tật, ngoài sự ủng hộ giúp đỡ của cá nhân mình, tôi còn kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội để cộng đồng chung tay ủng hộ", cô Tuấn chia sẻ. Dịp 27/7 hằng năm cũng là thời điểm cô Tuấn cùng những người đồng đội của mình tri ân người đã khuất và tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho đồng đội. Trò chuyện với cô Nguyễn Thị Tuấn, chúng tôi có thể cảm nhận rõ tinh thần, nghị lực, sự chân thành, hồn hậu của người lính vẫn vẹn nguyên trong cô. Ở độ tuổi xế chiều, cô vẫn miệt mài, không ngừng cố gắng trong công việc, trong những hoạt động cộng đồng của mình.

Trần Lê