Gìn giữ nghề xưa
Nghề đan lát bằng mây tre của người Vân Kiều ở xã Trường Sơn đã có từ lâu đời. Từ nguyên liệu mây tre trong rừng, với đôi bàn tay khéo léo của mình, người Vân Kiều đã tạo nên những sản phẩm đan lát đặc sắc, tinh tế và bền chắc, phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày, như: pa điền xang (mâm mây đựng cơm), a chói (gùi), a dăng (gùi đeo nhỏ), ưk khău (đồ dùng bỏ cơm nếp), a đư (dụng cụ để đựng dao đi rừng), tà ving (mẹt sàng sảy), a điền (típ đựng cơm đi rừng)…
Ông Lê Hồng Na luôn nỗ lực tìm kiếm truyền nhân cho nghề đan lát truyền thống của người Vân Kiều
Ông Lê Hồng Na (62 tuổi), trú ở bản Cây Cà, một người nổi tiếng đan lát giỏi trong cộng đồng người Vân Kiều cho biết: “Trước đây, cuộc sống của người Vân Kiều còn rất hoang sơ, trong nếp nhà sàn, những vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày tất thảy đều do chính tay họ tự làm lấy. Những chàng trai Vân Kiều ngày xưa khi cái chân biết đi rừng, cái tay biết cầm rựa phát rẫy thì hầu như ai cũng đã biết đan lát”.
Hơn 40 năm trước, với bản tính thông minh, siêng năng và chịu khó quan sát những “nghệ nhân” đan lát giỏi trong bản, sau một vài lần mày mò, chàng thanh niên Vân Kiều Lê Hồng Na đã có thể nắm vững các kỹ thuật đan lát và tự đan cho mình những vật dụng phục vụ cho cuộc sống.
Với ông Na, nghề đan lát là truyền thống tốt đẹp của người Vân Kiều, giữ lại nghề là giữ lại mỹ tục, văn hóa, cội nguồn tổ tiên. Vậy nên, suốt 40 năm qua, dù nghề đan lát không đủ nuôi sống gia đình; trong các bản làng số người làm nghề này cũng thưa dần thì ông Na vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ, vẫn miệt mài gìn giữ nghề xưa của tổ tiên.
Theo ông Na, nghề đan lát khó nhất là tạo hoa văn. Hoa văn không chỉ làm đẹp mà còn giúp cho sản phẩm chắc chắn, dùng lâu hơn các sản phẩm không có hoa văn. Một cụm hoa văn được trình bày, trang trí hợp lý, vừa có ý nghĩa thẩm mỹ, thực dụng, vừa mang dấu ấn tín ngưỡng nguyên sơ trong nghề đan lát của người Vân Kiều.
Đó là thờ vạn vật hiển linh theo dạng tín ngưỡng Tô tem giáo, thờ thần linh và mong muốn các vị thần giúp cho con người yên ổn làm ăn, sinh sống, cho vạn vật sinh sôi, nảy nở, mùa màng tươi tốt, sự sống con người cũng được bảo vệ…
Vắng bóng truyền nhân
Như mạch nước ngầm, nghề đan lát truyền thống vẫn âm thầm “chảy” trong cộng đồng người Vân Kiều ở xã Trường Sơn từ bao đời nay. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Sơn, hiện khắp các bản làng của người Vân Kiều ở xã Trường Sơn cũng chỉ còn lại 2 người thường xuyên làm nghề đan lát. Ngoài ông Na, người còn lại là già làng Hồ Thư (75 tuổi) ở bản Dốc Mây, sát biên giới Việt-Lào.
Chiếc pa điền xang (mâm mây đựng cơm) tinh tế, tiện dụng của người Vân Kiều ở xã Trường Sơn
Nhờ tâm huyết muốn gìn giữ nghề xưa của tổ tiên, ông Namay mắn được Dự án Mê Kông về bảo tồn, phát triển văn hóa, bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số đặt hàng làm các sản phẩm. Còn đối với già làng Hồ Thư, do bản Dốc Mây nằm biệt lập sát biên giới Việt-Lào, cách trung tâm xã 2 ngày đường đi bộ, người dân chưa tiếp cận nhiều các vật dụng tiện lợi từ miền xuôi, nên nghề đan lát vẫn còn “đất” sống.
“Miềng làm vì niềm đam mê, chứ nghề này không đủ sống. Dân bản đi làm thuê một ngày công gần 300.000 đồng, miềng ngồi đan phải mất mấy ngày mới ra một sản phẩm, bán cho dự án 500.000 đồng, tính ra một ngày chỉ được 85.000 đồng.
Trước đây, khi chưa có đặt hàng của dự án, cứ 6 tháng làm, miềng lại mang sản phẩm đi bán một lần ở Quảng Trị, hoặc vùng Vân Kiều ở miền Tây huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), có khi sang cả Lào. Mỗi chuyến như vậy được không quá 5 triệu đồng, chia cho 6 tháng thì rất ít”, ông Na chia sẻ.
Do thu nhập quá thấp nên nghề đan lát của người Vân Kiều ở xã Trường Sơn hiện đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Ông Na cho biết, ông đã nhiều lần tìm những người có năng khiếu đan lát ở bản Cây Cà và nhiều bản khác ở Trường Sơn nhưng đều rất khó.
“Miềng đã tìm mấy người, dạy họ học, nhưng có 1 người học 1 tuần rồi bỏ, 1 người từ chối ngay ban đầu. Một số thanh niên khác thì nói, bữa nay mấy ai dùng cái đồ đan lát thủ công thô sơ nữa. Vậy nên, giờ không ai theo miềng giữ gìn nghề đan lát truyền thống của người Vân Kiều nữa rồi!”, ông Na buồn rầu nói.
Cuộc sống hiện đại đã len lỏi đến các bản làng, nồi cơm điện ủ cơm cả ngày, cái mâm nhôm, cái rá nhựa tiện dụng đã chiếm lĩnh chỗ của “pa điền xang”, nên những thứ ông Na làm ra, bây giờ chính ngay người Vân Kiều còn ít dùng. Thành ra, nghề đan lát cứ thế mai một dần.
“Miềng có 4 người con gái, cũng muốn truyền dạy cho chúng khi trai bản không ai muốn học nghề đan lát nữa, nhưng rồi con gái miềng cũng nói đi làm thuê kiến tiền nhiều hơn việc này. Tìm người thực sự đam mê để truyền nghề đan lát hiện nay thiệt là khó khăn!”, ông Na thở dài...
Theo
Quê Hương