Những chiếc bình vôi bằng gốm Quảng Đức - Ảnh: ĐỨC TÀI
Trong đó phải kể đến nhiều cổ vật thuộc gốm Quảng Đức thuộc hàng hiếm khiến ông mê mẩn và với ông Phát, sưu tầm gốm Việt, ông như được nghe những câu chuyện về tâm hồn Việt thông qua những bình, bát, đĩa gốm tưởng chừng vô tri ấy.
Gốm Quảng Đức - "gia tài" của nhà sưu tầm
Gian phòng khách nhà ông Phát ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam rộng tầm 30m2 được bài trí các loại cổ vật nhưng với người đàn ông trung niên này, đó như là cả kho báu. Ông đã bỏ hơn mười năm ngược xuôi từ Bắc vào Nam để lội tìm, chắt chiu nên bộ sưu tập đồ cổ đặc sắc này. Nhiều món đã thất truyền hàng trăm năm nhưng được ông kỳ công tìm về, tạo một không gian riêng mang nét cổ xưa.
Trong căn phòng ấy, những cổ vật thuộc gốm Quảng Đức luôn khiến ông tâm đắc vì ông đã đầu tư, dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất. Đam mê gốm Quảng Đức nên qua việc sưu tầm những cổ vật thuộc loại gốm này, ông đã có thời gian dài tìm hiểu nét thú vị của nó.
Ông Phát kể, gốm Quảng Đức có lịch sử hơn 300 năm. Gốm này ra đời ở làng Quảng Đức, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên khoảng cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17. Khai sinh ra dòng gốm này là một dòng họ Nguyễn ở tỉnh Bình Định mang nghề vào Phú Yên.
Ông kể gốm Quảng Đức là sự nối tiếp gốm Gò Sành Bình Định nổi tiếng từ khoảng thế kỷ 12-13 đến thế kỷ 15, dưới triều Viaya nước Champa và Đại Việt sau này.
Ông Phát cho hay từ xa xưa, gốm Quảng Đức được bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người dân Phú Yên tạo ra, ông thích nhất là loại bình vôi người xưa dùng ăn trầu được làm bằng loại gốm này. Đến nay ông đã sưu tầm được hàng chục chiếc bình vôi, mỗi loại có một nét đẹp, điểm độc đáo riêng.
Để làm nên sự độc đáo cho loại bình vôi hay những cổ vật gốm Quảng Đức này phải kể đến nguyên liệu và cách thức nung của người xưa. Nguyên liệu để làm gốm Quảng Đức là đất sét lấy ở khu vực sông Cái. Nhiên liệu để đốt lò là củi từ gỗ mằng lăng, rất nóng, cháy lâu tàn. Tuy vậy, yếu tố quyết định làm nên đặc sắc gốm Quảng Đức là vỏ sò.
"Vỏ sò huyết dùng để tăng nhiệt độ lò đã xuất hiện khá sớm, song việc dùng sò huyết ở đầm Ô Loan chèn vào bao gốm, tạo nên hiện tượng hỏa biến trong quá trình nung là điểm rất đặc biệt của dòng gốm này" - ông Phát kể rành rọt.
Vỏ sò huyết gặp nhiệt độ cao tan chảy, quyện vào đất sét tạo ra thứ men độc đáo, làm cho sản phẩm vô tình có nhiều hoa văn tự nhiên, nhiều màu sắc mê hoặc không sản phẩm nào giống sản phẩm nào và không dòng gốm nào có được.
Sau ba ngày đêm nung bằng củi mằng lăng, quá trình "hỏa biến" vỏ sò nóng chảy bám vào bề mặt xương gốm tạo thành một lớp men và hoa văn độc đáo mà không loại đồ gốm nào có được.
Theo ông tìm hiểu thì kỹ thuật làm gốm men sò huyết độc đáo này đã thất truyền từ lâu, vì vậy người sở hữu những cổ vật được làm theo kỹ thuật này từ hàng trăm năm trước thì rất quý.
Ông Phát cùng một chiếc ấm bằng gốm - Ảnh: ĐỨC TÀI
Nghe gốm kể chuyện
Ông Phát tâm sự, điều làm ông mê mẩn với những đồ cổ bằng gốm là ẩn đằng sau vẻ đẹp tuyệt mỹ của những chiếc bình, đĩa, bát, lư hương, bình vôi... là một nét văn hóa riêng biệt của từng triều đại của đất nước như Lý, Trần, Lê, Nguyễn, văn hóa Đông Sơn, Óc Eo, Sa Huỳnh hay Champa...
"Những món đồ cổ bằng gốm không chỉ mang trong mình vẻ đẹp riêng biệt mà còn ẩn giấu bên trong những câu chuyện mang nhiều sắc thái về cuộc sống, văn hóa, tập tục của người xưa còn để lại qua họa tiết sắc sảo, châm biếm hoặc những câu thơ độc đáo được khắc họa với nội dung hay và ý nghĩa từ văn hóa, giáo dục, những lời dạy của cha ông đi trước" - ông Phát chia sẻ.
Đó là những câu chuyện đời thường từ cuộc sống sinh hoạt, lao động của người xưa. Chuyện về gia đình đến các vị vua chúa, đạo lý làm người, đạo lý sống, cách đối nhân xử thế, các thăng trầm của lịch sử... đều được nghệ nhân làm gốm xưa khắc họa đầy đủ lên các sản phẩm của mình.
Từ đó làm cho những món đồ cổ không chỉ đẹp về họa tiết bên ngoài mà bên trong còn ẩn chứa một điều huyền bí mà người tiếp cận luôn muốn tìm hiểu, khám phá.
Thời gian rảnh, ông Phát thường dành để tìm hiểu và nghiên cứu những bí ẩn, giải mã cho mình về những hình vẽ, câu thơ từ các món đồ cổ mà mình đang sở hữu.
Qua một thời gian ông đã phiên dịch được một số câu thơ, hình ảnh trên một số món đồ gốm như ấm trà, bát, đĩa của một số triều đại, hình ảnh độc đáo trên lư hương tứ linh thời Lê Mạc, các bình gốm tứ dân (ngư - tiều - canh - mục)...
Hiện tại, ông đang xây dựng riêng cho mình một cuốn sách phiên dịch ý nghĩa về hình ảnh, chữ viết, họa tiết của các món đồ cổ mà mình đang có, và xem đây là một cuốn sách về văn hóa, lịch sử của cha ông để lại.
Với nhiều câu chuyện hay những lời dạy về lập thân xử thế, khuyến khích cần kiệm trị gia, chú trọng luân thường trong cuộc sống, ông Phát cho rằng nếu tạo ra được một cuốn sách để lưu giữ cho con cháu, lớp trẻ sau này sẽ có cơ hội biết thêm về văn hóa, lịch sử, những đạo lý sống của ông cha để học tập theo.
Tạo sân chơi cho người mê cổ vật Ông Phát kể năm 2019 ông đã cùng với 15 người có chung sở thích sưu tầm đồ cổ lập ra một CLB có tên Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO do ông làm chủ nhiệm. CLB ra đời với mong muốn tạo sân chơi cho những người yêu thích đồ cổ ở xứ Quảng tìm về để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Vừa qua, các thành viên CLB này đã tặng hàng chục cổ vật cho Bảo tàng Quảng Nam. Ông tâm sự rằng người có thú sưu tầm cổ vật tại tỉnh khá nhiều, nhưng lâu nay họ thường hoạt động riêng lẻ, ít cơ hội gặp gỡ, cũng như nhiều người chưa hiểu biết về Luật di sản, các cơ sở pháp lý khi sưu tầm hiện vật. CLB ra đời sẽ tạo sự đoàn kết, gắn bó, là nơi có thể kết nối những người đam mê cổ vật trong tỉnh, thậm chí mở rộng đến các địa phương khác. Ông Phát được những người trong giới chơi đồ cổ ở xứ Quảng coi như một trong những người thắp lửa cho sự đam mê sưu tầm, nghiên cứu cổ vật. Ông Phan Ngọc Bích - phó giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - cho biết CLB Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Quảng Nam do ông Phát làm chủ nhiệm thời gian qua đã tặng nhiều cổ vật cho bảo tàng tỉnh. Đối với CLB này là một tổ chức tuy tự phát, không thuộc sự quản lý của cơ quan chức năng của tỉnh, tuy nhiên việc có sân chơi thì cũng rất hay, lành mạnh, gắn kết sự đam mê của những người thích sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, nhất là gốm. |
Theo tuoitre