Gạch được công nhân xếp vào lò nung
“Vương quốc gốm đỏ”Từ cầu Mỹ Thuận, chúng tôi men theo quốc lộ 53 bên sông Cổ Chiên để tìm về những lò gạch gốm của Vĩnh Long. Từ phía xa, các lò nung màu đỏ au dần hiện rõ.
Với lợi thế nguyên liệu sẵn có là những mỏ đất sét bên bờ sông Cổ Chiên, từ hơn thế kỷ trước người dân Vĩnh Long đã biết khai thác nguồn tài nguyên này để sản xuất gạch ngói. Thương hiệu gạch ngói Vĩnh Long một thời vang tiếng khắp vùng. Sau khi thị trường gạch ngói Vĩnh Long bị mai một, khoảng những năm 80, người dân bắt đầu tìm đến với sản phẩm gốm và sau này khá phát triển với những sản phẩm gốm rất đặc trưng.
Lò gốm Vĩnh Long – nét đặc trưng của vùng đất này |
Do các lò gốm nằm cạnh bờ sông nên việc vận chuyển đất sét thường bằng ghe thuyền, một loại phương tiện rất phổ biến ở vùng sông nước Vĩnh Long. Tùy theo mặt hàng mà người ta pha đất theo kỹ thuật riêng.
Vào thăm làng gốm, du khách sẽ có dịp nhìn thấy tận mắt những công đoạn làm nên sản phẩm gốm đỏ. Đất sét nguyên liệu chuyển từ ghe lên xưởng bằng băng chuyền và được phân loại. Tùy theo mặt hàng mà người ta pha đất theo kỹ thuật riêng. Công đoạn này rất quan trọng, quyết định sự thành công của mẻ gốm. Pha đất xong phải nhào nặn nhiều lần cho đất thật mịn, chạm tay vào đất pha không dính thì mới đạt. Sau đó tới công đoạn in, “xu”, cuối cùng là nung.
Kỹ thuật tài hoa của người thợ Cổ Chiên
Riêng việc tạo mẫu phải có bàn tay của những họa sĩ, nhà điêu khắc. Các mẫu gốm được họ tạo bằng thạch cao sao y, dựa theo nguyên mẫu. Có mẫu rồi đổ khuôn thạch cao, tiếp đến là in. Ở công đoạn in, thợ dùng đất ép vào khuôn. Khuôn có thể có nhiều mảnh ghép lại. Người thợ phải ép đất vào từng mảnh, cuối cùng ráp nối dính lại thành một sản phẩm thô (mộc). Sản phẩm thô sau khi in, ép để cho ráo mới dỡ khuôn ra và cho thợ “xu”. Xu là làm “bóng” sản phẩm bằng cách nhúng nước mướp lau bảng chà, vuốt lên sản phẩm. Khâu này làm cho các hoa văn, họa tiết của vật nung được tỉ mỉ, tinh xảo hơn và làm tăng thêm giá trị của sản phẩm.
Các sản phẩm gốm đỏ đặc trưng được hình thành qua bàn tay người thợ Cổ Chiên |
Cuối cùng quyết định sự thành bại của mẻ gốm là “lửa” cùng với kỹ thuật nung. Người thợ lửa thường có rất nhiều năm kinh nghiệm. Sắp lò cũng là kỹ thuật, người thợ sắp lò biết chỗ nào “lửa áp”, chỗ nào lửa yếu, chỗ nào lửa ổn định mà sắp xếp từng loại sản phẩm có kích cỡ khác nhau.
Gốm được nung đốt trong lò 7 ngày. Bốn ngày đầu đốt lò từ từ, hun hơi nóng làm khô sản phẩm mộc, với nhiệt độ từ 100 - 2000C. Ngày thứ năm tăng lửa, ngày thứ sáu “siết lửa” để đến ngày cuối cùng đạt được nhiệt độ 9000C. Sản phẩm mộc sẽ kết khối khi đã được nung đến độ chín cần thiết, người thợ lửa sẽ ngưng đốt, trám kín lò bằng đất sét và để cho lò nguội dần, rồi ra lò, tuyển chọn sản phẩm.
Một điều đặc biệt thú vị là chỉ duy nhất gốm Cổ Chiên mới có những sản phẩm gốm thô không men màu, nhưng vẫn ánh lên sắc đỏ pha mốc trắng rất đặc trưng. Chính điều này đã tạo cho gốm Cổ Chiên một vẻ đẹp rất riêng, và ấn tượng mà không sản phẩm gốm nào có được. Có lẽ vì thế mà tên gọi “Vương quốc gốm đỏ” đã được hình thành.
Nghề sản xuất gốm đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động có thu nhập ổn định và là chiếc nôi đào tạo nên những người thợ có tay nghề cao, tâm huyết với nghề. Sản phẩm của làng nghề đã có mặt tại các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và một số nước châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản… sản lượng ngày càng tăng. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, làng nghề gốm đỏ Cổ Chiên sẽ sánh vai với các làng gốm trong cả nước sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế, mang nét tài hoa của người thợ Cổ Chiên, mang tâm hồn Việt, mang nét văn hóa phương Đông đến với bạn bè trên thế giới.
Theo Quê Hương