leftcenterrightdel
 Chị Phạm Minh Nguyệt (bên trái) đang lấy số đo để may áo bà ba cho khách hàng.

Đến xã Trường Thành, huyện Thới Lai, nhắc tên “Kiều áo dài, áo bà ba” ai cũng nức lời khen ngợi. Nằm sâu trong ấp Trường Ðông, tiệm may Kiều hơn 27 năm tuổi thường xuyên có khách đến may đo. Vừa tất bật may chiếc áo bà ba cho khách, chủ nhân tiệm may Kiều - chị Phạm Minh Nguyệt, chia sẻ: “Ngày nay, chị em lại thích mặc áo bà ba nên khách hàng tìm đến tôi khá nhiều. So với những loại trang phục khác, áo bà ba khó may hơn. Người may phải so từng đường kim mối chỉ, tỉ mỉ trong nhiều công đoạn. Do nhiều năm thạo nghề nên chỉ cần ra công hơn 3 giờ đồng hồ, tôi đã may xong một chiếc áo bà ba hoàn chỉnh. Một ngày tranh thủ có thể may 3 chiếc áo bà ba”.

Theo chị Nguyệt, từ năm 17 tuổi, chị đã học nghề may. Tuy đã học hết tất cả các sản phẩm, nhưng với niềm đam mê áo truyền thống, chị lại chọn áo bà ba và áo dài làm sản phẩm chủ lực của tiệm. Ðể may chiếc áo bà ba đẹp, theo chị Nguyệt, quan trọng là khâu chọn chất liệu, màu sắc vải phù hợp vóc dáng từng người. Sau khi đo ni thật kỹ, người thợ phải cắt sao cho phù hợp, tôn lên vẻ đẹp của chiếc áo. Chị Nguyệt kỹ tính nên luôn dùng kéo bầu khi cắt áo để “bóp eo” cho thật mướt, đảm bảo khách hàng mặc chiếc áo bà ba vừa vặn, không chùn, không nhăn.

Chị Nguyệt kể, khách hàng của chị chủ yếu là cô giáo, chị em nội trợ ở các độ tuổi khác nhau. Ðặc biệt, giới trẻ ngày nay cũng rất thích mặc áo bà ba nên khách hàng tìm đến chị quanh năm. Tuy là “thợ miệt vườn” nhưng khách hàng ở các ấp, xã lân cận và cả những khách hàng việt kiều về thăm quê luôn tìm đến chị, mỗi khi muốn sở hữu chiếc áo bà ba đẹp. Có khách ở xa, tìm đến chị để may một lần tận 18 bộ áo bà ba đủ màu sắc khác nhau. Là một trong những khách hàng thường xuyên của chị Nguyệt, chị Huỳnh Thị Quỳnh Dao, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, cho biết, so với các loại trang phục khác, áo bà ba vẫn luôn làm nên nét duyên dáng, nền nã của người phụ nữ Nam Bộ. “Nhìn đã thấy thương” nên trong các sự kiện quan trọng của Hội cũng như những dịp hội nghị, lễ Tết, chị Dao và các chị em hội viên vẫn mặc áo bà ba và tìm đến chị Nguyệt để có chiếc áo như ý.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chị Nguyệt cho biết, mỗi thời mỗi khác, chiếc áo bà ba đã thay đổi, cách tân cho phù hợp với sự thay đổi về tư duy thời trang. Áo bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa mà được cách tân theo kiểu bóp eo, bỏ túi. Kiểu nút bấm truyền thống giờ cũng được sáng tạo thêm nhiều mẫu mã làm tôn thêm điểm nhấn cho áo. Hiện tại, chị Nguyệt chỉ nhận tiền công 100.000 đồng/một chiếc áo bà ba, 150.000 đồng/bộ áo quần bà ba. Tiền công rẻ cộng với đôi bàn tay khéo léo, khiếu thẩm mỹ tinh tế, chịu khó đầu tư cho nghề nên tiệm may của chị Nguyệt luôn đông khách. Chị Nguyệt nhẩm tính, trung bình mỗi tháng tiệm may của chị may thành phẩm khoảng 50 bộ đồ; trong đó, có hơn 30 bộ áo bà ba. Nhờ nghề này, chị có thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng, giúp kinh tế gia đình ổn định.

Khẳng định “đam mê nghề là sống được”, tuy nhiên, chị Nguyệt lại “nặng lòng” khi nghề này đang thiếu hụt đội ngũ kế cận. Chị Nguyệt kể: “Tôi nhận dạy nghề nhiều năm nay nhưng muốn tìm người trẻ tâm huyết theo nghề rất khó. Nhiều bạn, thà đi làm công nhân may xí nghiệp chứ không chịu khó theo nghề may tại nhà”. Tuy nhiên, chị Nguyệt tin tưởng, sẽ có những bạn trẻ yêu nghề và phát triển nghề rất tốt khi hiện nay, giữa nhịp sống của phố thị, chiếc áo bà ba vẫn tiện dụng và ngày càng được yêu chuộng trở lại. 

Theo baocantho