Anh Vang cùng sản phẩm do xưởng mình sản xuất - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Ngày tốt nghiệp PTTH cũng là lúc anh Vang quyết định khăn gói ra Bát Tràng (Hà Nội) học nghề làm gốm. Anh theo quốc lộ 1 ngược lên Bắc Giang, xin làm thuê cho một xưởng gốm để học thêm kinh nghiệm, kỹ thuật vẽ các họa tiết tranh cổ.
Cũng tại đây anh quen và cưới chị nghệ nhân Hoàng Thị Huyền Trang (33 tuổi, quê Bắc Giang).
Học 3 năm, công đoạn tìm hiểu thị trường cho đứa "con cưng" cũng ngốn của anh 3 năm nữa. Từ những lò nung thủ công nhỏ lẻ, qua nhiều năm, hiện anh Vang đã mở xưởng sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cổ truyền, rộng hơn 2.000m2.
Tiếng đất được nhào nặn, đẽo gọt bằng tay xen lẫn những lần thở mạnh của người thợ vẽ và hơn 20 công nhân đang làm việc tại xưởng là niềm vui mỗi ngày của anh Vang.
Xưởng vừa là nơi sản xuất, vừa trưng bày và tiếp đón những đoàn khách muốn tìm hiểu về gốm Bồ Bát. Một phần nhỏ không gian trong xưởng là nơi ăn ở, sinh hoạt và học tập của gia đình năm người, gồm vợ chồng anh Vang và ba người con.
"Dù biết các con cần không gian học tập riêng, nhưng chắc vì cái duyên, cái nợ, nên cũng đành phải chịu" - chị Trang chia sẻ.
Hiện xưởng của anh Vang đang sản xuất các mặt hàng gốm sứ như bình lọ, bát đĩa, chén ấm, tượng... với nhiều mẫu mã, kiểu dáng. Nhiều sản phẩm tại đây có giá hàng chục triệu đồng.
Để tạo ra một món hàng đặc trưng của gốm Bồ Bát, có sản phẩm phải mất nhiều tuần, thậm chí hàng tháng trời, nhưng vẫn có thể thất bại. Mỗi sản phẩm gốm nơi đây đều phải trải qua cả chục công đoạn, từ sơ chế đất cho đến thếp vàng.
Ngoài ra, để được gọi là gốm Bồ Bát, sản phẩm phải trải qua hai lần nung ở hai mức độ nhiệt lần lượt là 400 - 800 độ C và 1.28 - 1.300 độ C, cùng một số kỹ thuật mà chị Trang gọi là "bí quyết".
Không chỉ trong nước, gốm Bồ Bát còn chiếm được rất cảm tình từ các thương lái và thị trường một số nước như Nga, Ðức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản...
"Rất nhiều người kinh doanh ở nước ngoài muốn hợp tác, nhưng xưởng chỉ thế này, mà người ta yêu cầu mỗi tháng phải xuất vài container thì đâu được. Muốn lắm, thèm lắm nhưng đành chịu" - anh Vang trăn trở.
Năm 2012, anh Vang được tỉnh Ninh Bình công nhận là nghệ nhân cấp tỉnh, và một năm sau là chị Trang. Đến năm 2016, anh Vang được Nhà nước công nhận là nghệ nhân cấp quốc gia.
Làng gốm Bồ Bát đã có một thời kỳ vàng son "trên bến dưới thuyền", khi có mặt ở hầu hết công trình tại khu vực đền vua Đinh - vua Lê thuộc khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Tạo nên sự đặc biệt riêng có của gốm Bồ Bát có lẽ là phần nguyên liệu, nguồn đất sét trắng quý mang trên mình hồn cốt riêng của vùng đất nơi đây. Ông Trần Đình Chiến, chủ tịch UBND xã Yên Thành, cho biết mục tiêu của xã vẫn là phát triển, nhân rộng để toàn xã có nhiều hơn nữa các cơ sở sản xuất, để nơi đây trở thành một làng nghề rộng lớn. |
Theo Tuổi Trẻ