Làng gốm Bát Tràng là một trong số ít những làng nghề truyền thống càng ngày càng phát triển, bên cạnh việc gìn giữ được những dấu tích xưa cũ. (Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, làng gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía đông nam. Ngay từ cái tên Bát Tràng, cũng hàm chứa ý nghĩa sâu xa. Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát là bát ăn của nhà sư, chữ Tràng (còn đọc là Trường) nghĩa là "cái sân lớn", là mảnh đất dành riêng cho chuyên môn. Theo các cụ già trong làng kể lại, trong chữ Hán, chữ Bát bên trái là bộ "Kim" ví với sự giàu có, "bản" có nghĩa là cội nguồn, nguồn gốc. Dùng chữ Bát như vậy để khuyên răn con cháu "có nghề có nghiệp thì cũng không được quên gốc". Có lẽ vì vậy mà bao lâu nay, làng gốm cổ này vẫn luôn là điểm tham quan, khám phá nhất định phải đến với du khách thập phương và nước ngoài.

Tồn tại ở ven đô Thăng Long hơn 1000 năm nay, làng gốm Bát Tràng là một trong số ít những làng nghề truyền thống càng ngày càng phát triển, bên cạnh việc gìn giữ được những dấu tích xưa cũ.  Đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, nổi tiếng khắp Việt Nam về chất lượng và mẫu mã mang tính sáng tạo cao. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện... và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, châu Âu.

Điểm ấn tượng đầu tiên khi đến với Bát Tràng là đình làng Bát Tràng - nơi thờ Thành hoàng và cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội quanh năm. Nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn nét kiến trúc độc đáo và cổ kính. Đi đến cuối làng, là nhà cổ Vạn Vân - ngôi nhà gỗ với mái phủ kín cây xanh. Trong nhà trưng bày hơn 400 món đồ gốm sứ cổ từ thế kỷ 15 đến 19. Nhà Vạn Vân do anh Trần Ngọc Lâm, hội viên Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, xây dựng vào năm 2002.

Đình làng Bát Tràng.

Nhà cổ Vạn Vân - nơi lưu giữ nhiều đồ gốm sứ cổ.

Các gia đình ở làng gốm Bát Tràng ngoài sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gốm sứ, còn cung cấp một dịch vụ rất thú vị, cho những ai muốn trải nghiệm cảm giác nhào nặn và tạo ra những thành phẩm từ đất sét. Bạn sẽ được cung cấp một cục đất sét ẩm và một bàn xoay, đặt cục đất giữa bàn xoay và tạo hình cho nó. Có thể là cốc, bát, những vật dụng đơn giản. Nếu khéo tay, có thể nặn hình thù các con vật. Sau khi nặn xong, chuyển sang công đoạn hong khô sản phẩm, mất khoảng 30 phút. Kế tiếp tới công đoạn tô vẽ, trang trí cho sản phẩm. Cuối cùng, người thợ sẽ sơn phủ bóng bên ngoài để giữ cho sản phầm được bền đẹp hơn.


Ngoài ra, tham quan quy trình làm gốm, khám phá lịch sử hình thành của gốm Bát Tràng cũng là hoạt động thu hút sự chú ý của nhiều người. Để làm ra đồ gốm người thợ gốm phải qua các khâu chọn, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men, và cuối cùng là nung sản phẩm. Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò". Người thợ gốm quan niệm hiện vật gốm không khác nào một cơ thể sống, một vũ trụ thu nhỏ trong đó có sự kết hợp hài hòa của Ngũ hành.

Một trong những địa điểm đông đúc, nhộn nhịp nơi đây là chợ gốm. Chợ bán đa dạng nhiều loại mặt hàng làm từ gốm sứ, chia thành các gian hàng nhỏ, từ đồ lưu niệm, bát đĩa, cốc chén bình dân đến đồ trang trí mỹ nghệ cao cấp, đồ thờ cúng, tiểu cảnh non bộ. Có thể mua hay không mua mà chỉ đi dạo, ngắm cảnh cũng là một trải nghiệm khó quên trong đời.

Nếu để tìm một làng nghề vừa truyền thống cổ kính nhưng cũng mang hơi thở nhộn nhịp của đời sống hiện tại, thì chắc chắn làng gốm Bát Tràng là một lựa chọn rất đáng để thử.

Mời bạn ngắm thêm những hình ảnh từ làng gốm Bát Tràng - làng gốm cổ nổi tiếng nhất Việt Nam

(Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

 (Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

(Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

 (Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

 (Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

(Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

 (Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

 (Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

(Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

(Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

(Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

(Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

 (Ảnh: Tâm Tình Nguyễn)

Theo thoidai