Hiếm có người nào nhớ kỹ về lịch sử phát triển của bánh mì trên đất Mỹ như bà Andrea Nguyen, tác giả cuốn sách “The Banh Mi Handbook: Recipes for Crazy-Delicious Vietnamese Sandwiches” (lược dịch “Cẩm nang Bánh mì: Công thức nấu món bánh mì kẹp ngon tuyệt vời của Việt Nam”, xuất bản năm 2014). Bà Andrea Nguyen, tác giả sách ẩm thực người Mỹ gốc Việt, cho hay vào những năm 1970 - 1980, bánh mì hầu như chỉ tồn tại trong các cộng đồng gốc Việt. Đây là món ăn giá rẻ nhưng rất tiện lợi, có thể mang đến mọi nơi và ngon miệng không kém những món ăn đắt tiền hơn.
Thế nhưng, giờ đây món bánh mì trở nên phổ biến và vừa qua từ điển Merriam-Webster của Mỹ đã bổ sung món bánh mì trứ danh của Việt Nam vào danh sách những từ mới, bên cạnh hơn 370 từ khác.
|
Với nhiều du khách quốc tế, bánh mì là món ăn phải thử khi đến đây
|
“Không còn là món ngoại lai ở Mỹ nữa”
Theo định nghĩa của từ điển Merriam-Webster, “banh mi” là một danh từ. “Là món bánh mì kẹp vị cay của ẩm thực Việt, bao gồm một bánh mì được xẻ đôi và được nhồi thịt (như thịt gà, thịt heo) vào giữa, kèm theo rau cải chua (như cà rốt và củ cải ngâm chua) và được trang trí với ngò cùng dưa leo”.
Mỗi năm, từ điển Merriam-Webster lại cập nhật kho từ vựng mới trên toàn thế giới. Bà Nguyen lưu ý, các từ điển phản ánh mức độ phổ biến của những món ăn cụ thể, cũng như trào lưu trong giới ẩm thực. “Mục tiêu của tôi là thúc đẩy ẩm thực châu Á vượt qua những giới hạn và (việc bánh mì được bổ sung vào từ điển Mỹ) chẳng khác nào là sự công nhận tại Mỹ. Giống như thể “Không, giờ đây món ăn này không còn bị xem là ngoại lai nữa”, bà chia sẻ với Đài NBC News.
Giống như nhận định của bà Andrea Nguyen, “ngày nay mỗi thành phố lớn của Mỹ lại có tiệm bánh mì và mối quan tâm tìm kiếm về món ăn này tăng vọt tại Mỹ trong 2 thập niên qua, theo ghi nhận của Google Trends”, từ điển Merriam-Webster ghi chú.
“Những đặc điểm trên đáp ứng các tiêu chí đầu vào của chúng tôi về những từ mà một người nói tiếng Anh nhiều khả năng có thể gặp được”, Đài NBC News dẫn lời nhà báo Peter Sokolowski, cộng tác viên biên tập của Merriam-Webster. Ông Sokolowski cho rằng từ “banh mi” phổ biến rộng rãi và lâu dài, vì thế đến nay có thể chính thức được xem là từ tiếng Anh.
Trước đó, Merriam-Webster cũng đưa từ ‘phở’ vào danh sách từ mới vào năm 2014.
Thế nhưng, giờ đây món bánh mì trở nên phổ biến đến nỗi tuần qua từ điển Merriam-Webster của Mỹ đã bổ sung món bánh mì trứ danh của Việt Nam vào danh sách những từ mới, bên cạnh hơn 370 từ khác.
|
Du khách nước ngoài thưởng thức bánh mì ở TP.HCM
|
Làn sóng châu Á hóa trong ẩm thực Mỹ
Bà Andrea Nguyen cho hay đã chứng kiến món ăn đơn giản và quen thuộc của người Mỹ ngày càng phổ biến hơn trong những thập niên qua. Trong bối cảnh người Việt mở rộng khỏi phạm vi cộng đồng truyền thống và định cư ở những nơi khác, họ mang theo món ăn yêu thích của mình. Đến thập niên 2010, “bánh mì” gần như lan tỏa khắp nước Mỹ.
Khi ẩm thực châu Á ngày càng phổ biến và được yêu thích, giới chuyên gia ẩm thực cho rằng việc bổ sung những từ có liên quan đến văn hóa ẩm thực vào các từ điển là điều hiển nhiên.
“Tương lai của nền ẩm thực Mỹ sẽ được châu Á hóa mạnh mẽ”, giáo sư Krishnendu Ray của Đại học New York nhận định. Một khi ngôn ngữ tiếng Anh không thể mô tả đầy đủ một thứ gì đó, đã đến lúc phải bổ sung từ mới vào từ điển.
|
Bánh mì xuất hiện trong nhiều tấm ảnh kỷ niệm của người nước ngoài khi đidu lịch Việt Nam
|
Bà Andrea Nguyen nêu ra một điểm bất cập trong phần định nghĩa của Merriam-Webster. Ở phần mô tả, từ điển Mỹ gọi bánh mì là “dạng bánh mì kẹp thường có vị cay”.
“Bánh mì không nhất thiết phải cay. Bạn có thể không cần phải thêm ớt, chỉ muối tiêu là đủ”, bà giải thích.
Bà Nguyen nhớ lại khi còn nhỏ, bà được cha mẹ dẫn đến những cửa hàng bán thực phẩm, rau quả và cả nhà quay về với giỏ đồ ăn chứa đầy bánh mì.
Bà chia sẻ người Việt ở Mỹ rất nhớ những món ăn ở quê hương. So với những món khác, bánh mì vô cùng dễ làm và rất tiện lợi. Đó cũng là đặc điểm khiến món bánh mì ngày càng phổ biến hơn.
Trong cuốn sách “The Banh Mi Handbook”, bà Nguyen mô tả công thức của hơn 50 loại bánh mì khác nhau. Sách hướng dẫn làm bánh mì Việt của bà đã được nhà xuất bản Ten Speed Press (Mỹ) đưa vào danh sách top 10 cuốn sách dạy nấu ăn hay nhất năm 2014.
Andrea Nguyen và nguồn cảm hứng từ “món ăn mẹ nấu”
Andrea Nguyen (tên đầy đủ là Andrea Quỳnh Dao Nguyễn), 53 tuổi, hiện sống tại TP.San Francisco (bang California), là tác giả, biên tập viên, cố vấn, giảng viên ẩm thực Việt và đầu bếp tại Mỹ. Trong 2 thập niên qua, bà Andrea Nguyen là người đi đầu trong nỗ lực giới thiệu, diễn giải và thậm chí đổi mới ẩm thực Việt theo hướng dễ tiếp cận hơn cho các độc giả ở Mỹ. Trả lời Thanh Niên năm 2020, bà Nguyen kể lại cuộc hành trình thực hiện sứ mệnh quảng bá ẩm thực quê hương đã bắt nguồn từ sự đam mê “món ăn mẹ nấu”. Dù tốt nghiệp chuyên ngành kinh doanh và quản lý truyền thông và sau đó làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, bà vẫn không ngừng nghiên cứu văn hóa ẩm thực thế giới và ngày càng say mê ẩm thực Việt. Bà cộng tác viết về ẩm thực Việt cho nhiều tờ báo như The New York Times, Los Angeles Times, Wall Street Journal, Sunset, Bon Appetit, EatingWell, Cooking Light, Saveur... Hiện bà là tác giả của 6 quyển sách nấu ăn, trong đó quyển thứ tư là "The Banh Mi Handbook".
|
Theo Thanh niên