Ngày cuối tuần, trên các diễn đàn người Huế ở Sài Gòn, người Huế ở Bình Dương, người Huế ở Hà Nội... đều đầy ắp những lời rao "hôm nay em có nuốc tươi mới cập bến, mua tặng kèm rau thơm và vả nhé". Nhiều người bán hơn và giá bán cũng "chát" hơn mọi năm. Giá một ký nuốc mọi năm chưa tới 100.000 đồng, nay hơn gấp đôi, lên 200.000 đồng/kg.

Một số người buôn nuốc tại Huế cho hay, mọi năm, giá mua nuốc tại các đầm phá chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, mang lên chợ bán với giá 60.000 đồng/kg là cao nhất. Năm nay, nuốc mua tại đầm đã tăng gấp đôi, từ 70.000 đồng/kg. Thế nên, giá bán đi các tỉnh cũng đắt gấp đôi, gấp 3 lần. Đáng nói, với tình hình mua gom liên tục như năm nay, mùa nuốc Huế có thể kết thúc sớm hơn mọi năm do bị quây bắt số lượng lớn.

leftcenterrightdel
 Nuốc được ăn kèm với rau thơm, vả, dưa gang (hoặc dưa leo)... chấm ruốc được dầm với ớt xanh, ớt đỏ, chanh...

"Nuốc Huế đang đóng cho khách hàng phía bắc gồm Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình... phía nam có TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Đắk Nông... Hàng mua đóng đi không xuể, khách đặt mua với số lượng rất lớn. Cơn sốt nuốc Huế có lẽ đến từ mạng xã hội, khi những YouTuber, Facebooker, TikTok... giới thiệu mà nên...", anh Lợi - chuyên thu mua nuốc tại khu vực đầm Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) - cho biết.

leftcenterrightdel
 Nuốc đóng thành bịch nửa ký bán tại các chợ dân sinh ở Huế

Tại TP.HCM, giá bán nuốc từ Huế vào phân làm 3 loại. Đắt nhất là nuốc chân 200.000 đồng/kg, nuốc nguyên con 150.000 đồng/kg và thân nuốc 100.000 đồng/kg. Các đơn hàng đều được tặng kèm ít rau thơm, ớt xanh và trái vả mang từ Huế vào. Nếu so với năm ngoái, giá nuốc đang đắt gấp đôi năm ngoái. Giá đắt nhưng đóng hàng vào tuần nào hết tuần đó. Chị Mỹ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, nuốc đóng vào 40 kg, bán hết trong buổi sáng. Đa số khách hàng mua nuốc của chị Mỹ là người Huế, người Quảng Trị và cả người... "mua ăn vì tò mò" tại Sài Gòn.

leftcenterrightdel
 Con nuốc lớn hơn quả chanh, loại nguyên con này có giá 150.000 đồng/kg, bán tại TP.HCM, chưa bao gồm phí giao hàng

Con nuốc là loài nhuyễn thể, trông gần giống với con sứa nhưng có kích thước nhỏ hơn, sống vùng đầm nước lợ và thường "rộ" lên vào dịp cuối xuân, đầu hè ở Huế. Màu trong suốt có ánh xanh và ánh hồng nhạt. Các loại nuốc được bán trên thị trường đa số là loại có ánh xanh rất đẹp mắt. Đáng nói, không phải người Huế xa quê nào cũng "mê" món "sashimi Huế" này. Nhiều người cho biết khó ăn vì... sợ tanh hoặc đơn giản không thích. Một số ăn rồi nhận xét thích món sứa hơn vì giòn hơn và phổ biến hơn. Tuy vậy, nuốc vẫn là đặc sản của vùng đất cố đô.  

leftcenterrightdel
 Nuốc Huế là đặc sản riêng của vùng đất cố đô, còn được mệnh danh là "sashimi Huế", thường được ăn sống kèm rau thơm có vị cay the nhẹ, vị chát bùi của trái vả, cay the của ớt xanh và được chấm với ruốc Huế mằn mặn đượm vị.

Ngoài ăn sống, nuốc Huế còn được chế biến thành món bún giấm nuốc. Nước lèo của món bún giấm nuốc được làm từ tôm bóc vỏ, gạch tôm, ruốc và cà chua. Món này ăn kèm với rau sống, đặc biệt bông chuối sứ trắng, thêm trên đậu phộng rang, bánh tráng nướng...

Đến Huế vào mùa này, nếu đi đến các khu làng chài ven phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, vào các chợ quê luôn có bán món nuốc này. Ngay tại trung tâm thành phố, hầu như chợ nào cũng có bán và với ngư dân, đây là "lộc trời", chỉ có vài tháng đầu hè.

Theo Thanh niên