leftcenterrightdel
 Lá và quả ổi rừng được dùng để sản xuất sản phẩm trà ổi rừng

Năm 2021, chị Vy Thị Lụa, Giám đốc Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy vinh dự được trao tặng giải Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP - giải thưởng cao nhất tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Năm đó, chị ghi dấu ấn với sản phẩm trà diếp cá Lụa Vy, giúp bà con trên địa bàn xã tiêu thụ được loại cây vốn được trồng rất nhiều trong vườn nhà. 

Giải thưởng đã trở thành động lực để chị tiếp tục nghiên cứu và phát triển nguồn dược liệu dồi dào trong vùng, tạo thành sản phẩm có giá trị. Qua đó, không chỉ tăng thu nhập cho Hợp tác xã mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

leftcenterrightdel
 Chị Vy Thị Lụa được trao giải Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021

Từ tháng 9/2023 đến nay, chị Vy Thị Lụa đã nghiên cứu, sản xuất sản phẩm trà ổi rừng Lụa Vy. Chia sẻ về ý tưởng phát triển sản phẩm này, chị Lụa cho biết: Thảo nguyên Khau Slao, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng có diện tích khoảng 144ha, nơi đây có nhiều cây ổi rừng hay bà con còn gọi là cây ổi dại. Loài cây này có lá nhỏ, vị chát hơn ổi mọc trong vườn nhà. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, biết ổi là loại quả giàu vitamin và chất xơ, tốt cho sức khỏe; lá ổi; búp non, lá non, vỏ rễ, vỏ thân... đều có công dụng tốt cho sức khỏe, chị đã nghiên cứu kết hợp lá và quả ổi rừng với một số loại thảo dược để sản xuất sản phẩm trà ổi rừng.

Hợp tác xã nông sản Lụa Vy đã cùng bà con lên rừng, hái lá ổi, quả ổi để làm trà, đưa loại cây rừng vốn không được ai để ý đến, cũng không đem lại giá trị kinh tế thành món đồ uống tốt cho sức khỏe. Để có nguồn nguyên liệu sản xuất trà, từ tháng 9/2023 đến nay, HTX đã thu mua trên 20 tấn lá ổi và quả ổi tươi từ người dân trên địa bàn xã Hữu Kiên. 

Để đưa sản phẩm trà ổi rừng Lụa Vy ra thị trường, chị Vy Thị Lụa cho biết, Hợp tác xã kết hợp với một số thảo dược quý miền núi phía Bắc, áp dụng sản xuất theo công nghệ sấy đạt chất lượng xuất khẩu và kĩ thuật hạ thổ để tạo hương vị đặc trưng riêng cho trà. Sản phẩm cũng có đầy đủ giấy tờ pháp lý để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phân phối và đang hoàn thiện quá trình xét duyệt sản phẩm OCOP. Hiện, sản phẩm trà ổi rừng là trà dạng túi lọc được đóng với quy cách 30 túi lọc/hộp được bán với giá 80.000/hộp.

leftcenterrightdel
Chị Vy Thị Lụa kiểm tra nguyên liệu lá ổi rừng để sản xuất trà 

 

Bí quyết đưa sản phẩm chinh phục thị trường

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe, người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, để tạo chỗ đứng cho các sản phẩm do Hợp tác xã sản xuất ra, nữ giám đốc Hợp tác xã cho biết, các sản phẩm khi đưa ra thị trường đều có đầy đủ nhãn mác, bao bì và tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin về sản phẩm, quy trình chăm sóc, sản xuất sản phẩm.

Thông tin liên hệ:

HTX chế biến nông sản Lụa Vy

Địa chỉ: xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

Điện thoại: 0397622816

Vì vậy, khi đưa ra thị trường, các sản phẩm của Hợp tác xã Chế biến nông sản Lụa Vy luôn nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, được tiêu thụ rộng khắp ở các tỉnh từ Bắc vào Nam.

Đáp ứng nhu cầu thời tiêu dùng công nghệ số, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình, Hợp tác xã, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi để quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… Chị Vy Thị Lụa chia sẻ: Để đạt được hiệu quả cao, Hợp tác xã đã chủ động tìm tòi, học hỏi để xây dựng tài khoản riêng, tạo dựng các nội dung quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội đa dạng, sinh động, thu hút người xem. Đến nay, tài khoản của Hợp tác xã trên các nền tảng mạng xã hội có hàng chục nghìn lượt người theo dõi. Từ việc quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội giúp Hợp tác thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ước tính, có đến 80% sản phẩm được người tiêu dùng biết đến và mua thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Linh hoạt, nhanh chóng thích nghi và không ngừng sáng tạo, chị Vy Thị Lụa đang từng ngày nâng tầm giá trị nguồn tài nguyên bản địa của quê hương.

Vân Anh