Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, khoảng 300.000 tấn thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang... cần tìm thị trường tiêu thụ trong quý I năm nay, sau khi Trung Quốc đóng biên khiến hàng trăm nghìn tấn hàng này gặp khó.
Ấn Độ là thị trường không mới khi đã có những doanh nghiệp xuất mặt hàng này sang trong những năm qua. Nhưng theo nhận định của Bộ Công Thương, tỷ trọng xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ vẫn dưới tiềm năng.
"Ấn Độ là thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp xuất khẩu trái thanh long", ông Nguyễn Quốc Duẩn, Tổng giám đốc Công ty Song Nam nhận xét tại hội nghị trực tuyến xúc tiến xuất khẩu thanh long vừa được Bộ Công Thương tổ chức.
Những "điểm cộng" của thị trường xuất khẩu Ấn Độ, như dung lượng thị trường lớn với số dân gần 1,4 tỷ người, số đông người dân Ấn Độ có thói quen ăn uống với trái cây và họ thích trái thanh long Việt Nam vì hương vị thơm, có lợi cho sức khoẻ...
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thị phần xuất khẩu thanh long Việt Nam vào nước này chiếm khoảng 52% năm 2018-2019 và tăng lên gần 90% trong 7 tháng gần đây. Lượng xuất khẩu sang Ấn Độ tăng nhưng chỉ bằng khoảng 1% lượng xuất loại trái cây này sang thị trường Trung Quốc. Dư địa để trái thanh long mở rộng thị trường tại quốc gia 1,4 tỷ dân này còn rất lớn.
Ngược lại, cũng có những rủi ro từ thị trường tiềm năng này. Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) nêu một trong số rào cản là khoảng cách địa lý nên việc tiếp cận thông tin thị trường, chính sách xuất khẩu, phòng dịch của Ấn Độ... còn hạn chế. Đây cũng là thị trường thường xuyên đưa ra các chính sách mới, đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu như không được cập nhật kịp thời.
Ngoài ra, gần đây, Ấn Độ đã bắt đầu trồng thanh long tại một số bang, với diện tích 3.000-4.000 ha, cho sản lượng khoảng 12.000 tấn một năm, nhằm đảm bảo tiêu dùng nội địa.
Từ kinh nghiệm đưa thanh long vào Ấn Độ, Tổng giám đốc Song Nam lưu ý, việc mua bán phải đảm bảo thanh toán trước và doanh nghiệp xuất khẩu không nên để các thương gia nước ngoài quyết định thương hiệu hàng hoá của mình cũng như để họ tự làm giá ngay từ trong nước, như với Trung Quốc.
Ông Duẩn đề nghị thành lập Chi hội các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long vào Ấn Độ để chia sẻ thông tin và giúp đỡ nhau khi xuất khẩu vào thị trường này.
Ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng đồng thuận, cho rằng nên lập Chi hội xuất khẩu thanh long tại Ấn Độ để có chiến lược marketing bài bản, bền vững vào thị trường này, tránh cách làm đơn lẻ theo kiểu "ăn xổi ở thì".
Ông ước tính, mỗi người dân Ấn Độ chỉ cần chi 1 USD để ăn trái cây thì đây là thị trường quá lớn cho thanh long Việt Nam. Vì thế, các địa phương, doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài, bền vững khi xuất thanh long vào thị trường Ấn Độ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đúng mức tới thị trường Ấn Độ, để đầu tư thời gian, công sức và tài chính trong xúc tiến, quảng bá... để trái thanh long tới được với đông đảo người dân Ấn Độ.
Ngoài ra, các hiệp hội, doanh nghiệp nên xây dựng mức giá hợp lý tại thị trường này, không cạnh tranh lẫn nhau...
"Làm sao để khi nói đến thanh long Việt Nam ở Ấn Độ thì người dân nước này nghĩ ngay đến đó là tinh hoa của Việt Nam và sản vật quý giá này phải bán được giá cao", ông Hải khuyến cáo.
Theo vnexpress