Từ hỗ trợ vốn đến kỹ năng kinh doanh cho nữ chủ doanh nghiệp
Cập nhật lúc 21:10, Thứ ba, 27/07/2021 (GMT+7)
Theo chuyên gia tư vấn khởi nghiệp Vũ Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Thái Hưng, Chính phủ cần có những gói cho vay không lãi suất dành cho phụ nữ khởi nghiệp để họ có thể vực dậy doanh nghiệp sau đại dịch.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) - HTX 3T nông sản Cao Phong
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên cả nước đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống và nâng cao địa vị kinh tế của người phụ nữ trong gia đình. Cụ thể, với đối tượng phụ nữ yếu thế, phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số, các cấp Hội tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, góp phần nâng cao vị thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM); hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tín dụng thông qua các chương trình ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chương trình cho vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Với phụ nữ làm kinh doanh, phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, đàm phán, giới thiệu sản phẩm trên facebook, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Là một trường hợp được hỗ trợ, chị Vũ Thị Lệ Thủy (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) cho biết, dự án của chị đã được chọn vào vòng thi cấp vùng Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 - năm 2021 của Hội LHPN Việt Nam. Chị đã được tham gia một số lớp tập huấn do Hội LHPN các cấp tổ chức như hướng dẫn kinh doanh online; được hỗ trợ tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội... "Nhờ có sự hỗ trợ về kiến thức, vốn, kỹ năng quản lý và canh tác của các cấp Hội, tôi đã chuyển hướng sang đầu tư làm sản phẩm chế biến từ trái cây có múi, tạo giá trị gia tăng khi đưa sản phẩm đến khách hàng", chị Vũ Thị Lệ Thủy chia sẻ.
Tại Hà Nội, để hỗ trợ hội viên, nữ doanh nhân vượt qua khó khăn mùa dịch, Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã triển khai chương trình livestream "Mỗi ngày một sản phẩm tốt", hỗ trợ đào tạo kỹ năng livestream miễn phí, tạo cơ hội cho các thành viên giới thiệu và bán sản phẩm.
Theo chuyên gia tư vấn khởi nghiệp Vũ Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Thái Hưng, Chính phủ cần có những gói cho vay không lãi suất dành cho phụ nữ khởi nghiệp để họ có thể vực dậy doanh nghiệp sau đại dịch. Bên cạnh đó, cần có những chương trình hỗ trợ đào tạo từ xa, tập huấn kỹ năng bán hàng, chuẩn hóa sản phẩm, quy trình đóng gói, chế biến, tiếp thị, quảng bá... giúp phụ nữ biến khó khăn thành cơ hội vươn lên trong mùa dịch.
* "Lúc mới khởi nghiệp, tôi gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, khách hàng chưa ổn định, máy móc còn hạn chế... Nhờ có những hoạt động tập huấn khởi nghiệp, kỹ năng bán hàng do Hội LHPN địa phương tổ chức, tôi đã tiếp cận được nhiều khách hàng và đối tác hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tôi đã chuyển qua bán hàng online, dù doanh số bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì được. Tôi mong muốn, thời gian tới có nhiều lớp tập huấn cho nữ chủ doanh nghiệp để chị em có thêm kiến thức. Những buổi tư vấn của các chuyên gia sẽ tạo thêm ý tưởng, giúp doanh nghiệp có cái nhìn xa hơn trong kinh doanh", chị Nguyễn Huỳnh Anh, chủ thương hiệu Cà phê muối Leo (Đà Nẵng) * "Công ty TNHH Green & Book Ambassadors do tôi sáng lập và điều hành kinh doanh các sản phẩm nông sản địa phương. Với một công ty có vốn điều lệ, doanh thu nhỏ, tôi gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh và tiếp cận thông tin. Để vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19, tôi có đề xuất sau. Thứ nhất, cần có chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay hoặc cơ chế trả góp lãi suất tốt dành cho hộ gia đình, doanh nghiệp quy mô nhỏ để mua sắm máy móc thiết bị, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Thứ hai, cần xóa bỏ khoảng cách vùng miền trong tiếp cận thông tin, tạo cơ hội cho phụ nữ từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị tới nông thôn đều có thể nắm bắt được đầy đủ thông tin, chính sách và cơ hội nhận được hỗ trợ phục vụ sản xuất, kinh doanh", chị Bùi Thị Thủy, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định |
Nâng cao quyền năng kinh tế có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đang đặt ra, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 7/2021. Mọi ý kiến xin gửi về tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com |
Nhóm PV