Đẩy lùi dịch bệnh
Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, Việt Nam là một trong các nước có số người mắc bệnh viêm não Nhật Bản cao, với tỷ lệ 10 ca/100.000 dân, trong đó khoảng 20% ca mắc tử vong. Những trường hợp bị bệnh dù điều trị khỏi cũng dễ để lại di chứng nặng nề. Trước tình hình ấy, tập thể các nhà khoa học nữ Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản và đã thành công. Đến nay, mỗi trẻ ở nước ta được tiêm 2-3 mũi vaccine viêm não (đạt 99%), giảm tỷ lệ mắc ở một số vùng có nguy cơ cao. Ngoài ra, tập thể nữ các nhà khoa học của Viện còn nghiên cứu, sản xuất vaccine viêm gan B, vaccine tả. Mặc dù dây chuyền công nghệ của 3 vaccine trên được chuyển giao từ Nhật Bản, song để có một dây chuyền khép kín, hoàn thiện, các nhà khoa học của Viện đã nỗ lực tối đa để có quy trình công nghệ mang dấu ấn Việt Nam. Nhờ đó, tập thể nữ các nhà khoa học của Viện đã được tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 1999. Đến năm 2005, công trình vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ.
Cố GS.TS Lê Thị Luân, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế. Bà được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013, với công trình nghiên cứu, sản xuất vaccine Rotavin-M1, phòng tiêu chảy ở trẻ em.
Cũng trong lĩnh vực y tế dự phòng, công trình vaccine phòng bệnh rotavirus của cố GS.TS Lê Thị Luân, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), có ý nghĩa đặc biệt. Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2012, vaccine Rotavin-M1 phòng bệnh tiêu chảy do virus rota đã được Bộ Y tế cấp phép và năm 2014 được sản xuất hàng loạt với với giá 250.000 - 300.000 đồng/liều, bằng 1/3 so với vaccine nhập ngoại. Với kết quả này, mỗi năm Việt Nam giảm từ 5.300 đến 6.800 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 122.000 đến 140.000 lượt trẻ phải nhập viện do virus Rota. Việt Nam cũng trở thành nước thứ tư trên thế giới và thứ hai ở châu Á có thể sản xuất vaccine Rota. GS.TS Lê Thị Luân đã được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013. Với công trình này, năm 2014, bà cùng các nhà khoa học nữ của Trung tâm tiếp tục được trao Giải thưởng Bảo Sơn. Đây là giải thưởng vinh danh các công trình khoa học xuất sắc có giá trị khoa học và thực tiễn, đã được ứng dụng trong thực tế, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Mang hạnh phúc đến với người hiếm muộn
Những năm gần đây, tỷ lệ vô sinh cả nam và nữ ngày càng gia tăng. Bộ Y tế ước tính, có tới 7,7% số người trưởng thành ở Việt Nam vô sinh. Nhiều cặp vợ chồng vô sinh phải thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để có con. Trước tình hình này, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Từ Dũ TPHCM đã nghiên cứu và thực hiện thành công kỹ thuật IVF. Năm 1998, 3 em bé ra đời bằng phương pháp IVF tại BV là Mai Quốc Bảo, Phạm Tường Lan Thi và Lưu Tuyết Chân đã gây chấn động trong giới y học Việt Nam lúc đó. Sự kiện này đánh dấu thành công của các nhà khoa học nữ của BV trong việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất để điều trị vô sinh. Công trình này gắn với tên tuổi GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ và tập thể các nhà khoa học nữ của BV.
GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và tập thể cán bộ nữ của BV Từ Dũ TPHCM đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 1997. Bà đang tư vấn cho một người hiếm muộn.
Sau đó, các thế hệ y, bác sĩ của BV tiếp tục phát triển và chuyển giao kỹ thuật trên cho các BV tại nhiều tỉnh/thành trong cả nước. Đến nay, cả nước đã có 20 trung tâm hỗ trợ sinh sản thực hiện phương pháp IVF, hơn 15.000 em bé ra đời nhờ kỹ thuật này, mang lại hạnh phúc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn với chi phí hợp lý. Tập thể cán bộ nữ của BV đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 1997.
“Người giữ năng lượng mặt trời”
Hiện nhu cầu năng lượng trong các hoạt động sinh hoạt, sản xuất rất lớn. Ngoài thủy điện và nhiệt điện, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển năng lượng mặt trời. TS Lê Hoàng Thị Tố, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, được mệnh danh là “người giữ năng lượng mặt trời”.
Khi làm việc tại phòng thí nghiệm công nghệ điện mặt trời, bà luôn trăn trở làm sao để nghiên cứu, tìm cách sử dụng nguồn năng lượng ấy. Quan niệm của bà là nghiên cứu thì phải ứng dụng được, tránh tình trạng công trình để trong ngăn tủ. Hàng chục công trình nghiên cứu ngay sau đó được bà ứng dụng vào thực tiễn như chế tạo pin chạy năng lượng mặt trời; chế tạo mô-đun điện mặt trời; xây dựng những trạm thu nhận năng lượng mặt trời tạo thành điện năng phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân ở những buôn, làng vùng sâu, xa. Pin hệ mặt trời gia đình của bà có thể cung cấp điện năng cho 2 ngọn đèn neon, 1 tivi, 1 radio. Hệ pin công cộng có thể cung ứng đủ điện cho một nhà văn hóa vùng sâu. TS Lê Hoàng Thị Tố được trao Giải Kovalevskaia năm 1997.
Còn nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nữ đã được ứng dụng rộng rãi trong đời sống như: Nghiên cứu, lai tạo ra các loại giống lúa của các nhà khoa học nữ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long; lai tạo các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao của tập thể nữ các nhà khoa học Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)... Để có được những kết quả ấy, không phải ý tưởng nào các chị đưa ra cũng được đồng thuận ngay; không phải thực nghiệm nào cũng thành công nhưng họ vẫn quyết tâm thuyết phục và thực hiện. Khi được hỏi, ai cũng cho rằng, phần thưởng xứng đáng nhất không phải là giải thưởng mà sản phẩm từ những nghiên cứu được người dân đón nhận, tin yêu và trân trọng. Đó là động lực để các nhà khoa học nữ tiếp tục làm việc, nghiên cứu để phục vụ nhu cầu người dân, góp phần đưa đất nước phát triển.
Báo Phụ nữ Việt Nam
Sophia Kovalevskaia (1850 - 1891) là nhà nữ toán học lỗi lạc của Nga thế kỷ XIX. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong kỷ nguyên cận đại được nhận bằng tiến sĩ Toán học, được phong hàm Giáo sư Đại học và bầu làm Viện sĩ thông tấn, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Quỹ Sophia Kovalevskaia được thành lập và sự đóng góp tài chính của bà Ann Hibner Koblitz và chồng là GS.TS Neal Koblitz (người Mỹ), với mục đích khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học nữ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên ở các nước đang phát triển. Từ năm 1985, các nhà khoa học nữ Việt Nam đã được chọn làm đối tượng để xét và trao Giải thưởng Kovalevskaia. 17 tập thể và 42 nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Kovalevskaia, từ năm 1985 đến 2015. |