leftcenterrightdel
Chị Quỳnh Nga trong đêm nhạc Trở về diễn ra tối 25/7 tại Hà Nội. 

Hầu như năm nào cũng về nước vừa để thăm nom, chăm sóc mẹ già vừa như cơ hội để nhà báo Phạm Quỳnh Nga tổ chức một đêm nhạc mà ở đó hội tụ anh chị em ca sỹ một thời của Hà Nội. Tại đây, khán thính giả có cơ hội nghe lại những ca khúc nổi tiếng và trữ tình một thời và được nghe những câu chuyện về cộng đồng người Việt cư trú, lao động ở Berlin và nhiều thành phố ở CHLB Đức. Từ những đêm diễn này, rất nhiều cuộc gặp gỡ, kết nối giữa bà con nghệ sỹ, doanh nghiệp, học sinh hai quốc gia Việt Nam-CHLB Đức.

Trở về 23 - Tiếp tục vai trò kết nối

Đến thời điểm này, đã có hàng chục đêm nhạc với chủ đề “Trở về” do chị Quỳnh Nga đứng lên tổ chức. Các con số như 17,18,19...23 được lấy từ hai số cuối của năm diễn ra đêm nhạc. “Trở về 23” diễn ra vào tối 25/7 năm 2023, tiếp nối sau những năm dài gián đoạn vì dịch bệnh. Cư dân Hà Nội giai đoạn những năm 1980 hẳn chưa quên nhóm nhạc “Bông cúc vàng” với sự góp mặt của các ca sỹ Thanh Tâm, Tuyết Tuyết, Minh Châu, Lan Hương và Quỳnh Nga.

Từng có những năm tháng được đào tạo từ trường Nghệ thuật Quân đội, nôi đào tạo các ca sỹ nổi tiếng của cả nước, ca sỹ Quỳnh Nga cùng nhóm nhạc của mình đã từng khuấy đảo và trở thành “hiện tượng” âm nhạc của Thủ đô. Chương trình “Trở về” lần nào cũng làm sống lại không khí cũng như những ca khúc làm nên “Bông cúc vàng” một thuở.

“Trở về 23” diễn ra tại phòng trà Unicorn Kim Mã, Ba Đình mở màn bằng ca khúc “Hà Nội mùa thu” của tam ca Tuyết Tuyết, Quỳnh Nga, NSUT Thanh Tâm. Đan xen giữa các ca khúc, dưới sự dẫn dắt uyển chuyển, linh hoạt của nhà báo, nhà phê bình âm nhạc, MC Nguyễn Quang Long, Quỳnh Nga chia sẻ câu chuyện về cộng đồng người Việt ở CHLB Đức với sợi dây tình đồng hương gắn kết bền chặt, tương trợ lẫn nhau trong nhiều hoàn cảnh để hòa nhập với cuộc sống, văn hóa của cư dân sở tại. Và nhiều người trong số đó có của ăn của để, gửi về quê hương.

Cũng có những khúc đoạn, khán thính giả như chùng xuống với những nhọc nhằn, khó khăn mà kiều bào phải vượt qua để trụ vững ở xứ người. Những dịp đón tết của cộng đồng người Việt ở Berlin và nhiều thành phố ở Đức tập trung đông kiều bào đều được tổ chức với đầy đủ phong tục, tập quán truyền thống, nỗ lực duy trì tập tục gói bánh chưng ở chùa Phổ Đà, Berlin dù Tết ta diễn ra vào ngày lao động bình thường ở những nước Châu Âu như CHLB Đức.

Tiết mục đơn ca “ Mái đình làng Việt” cho thấy nội lực cũng như hừng hực đam mê từ nữ ca sỹ ở tuổi U70 Phạm Quỳnh Nga. Các khách mời như NSND Thái Bảo, ca sỹ Hoàng Chiến Pinko đem đến “Trở về 23” những ca khúc trữ tình sâu lắng, đưa khán thính giả trở về giai đoạn âm nhạc đầy hoài niệm.

leftcenterrightdel
 

Cũng trong lần trở lại này, ca sỹ Quỳnh Nga trình làng ca khúc “Chơi vơi”, sáng tác đầu tay kể về chính cuộc đời mình. Nhưng ở đó, người nghe như thấy đâu đó phảng phất bóng dáng của những người phụ nữ Việt Nam tảo tần, khát khao hạnh phúc, luôn cố gắng hi sinh với niềm mong kiếm tìm và gìn giữ tấm chân tình từ người đàn ông, một nửa của đời mình. Dòng ca khúc cuối cùng vút lên, tan vào không gian, đôi mắt ca sỹ dâng đầy nước cũng là lúc những tràng pháo tay vang lên. Những rung cảm từ âm thanh, ca từ ngấm lâu và sâu trong lòng khán thính giả nhắc nhớ câu chuyện về người phụ nữ đa tài Phạm Quỳnh Nga

Viet-bao.de ghi dấu về cộng đồng người Việt xa xứ

Món quà từ phòng trà Unicorn Kim Mã gồm bánh và rượu mừng sinh nhật 10 tuổi của Vietbao.de như một cơ hội để ca sỹ Quỳnh Nga kể lại hành trình một mình xây dựng và duy trì trang báo của cộng đồng người Việt ở CHLB Đức. Những năm tháng mưu sinh xứ người, Quỳnh Nga được trực tiếp trải nghiệm những nhọc nhằn, vất vả, thậm chí cả những hiểm nguy của người Việt nhập cư. Chị nuôi ước muốn làm được điều gì đó cho cộng đồng người Việt ở Đức nói riêng, Châu Âu nói chung, đơn giản có khi chỉ là sự gắn kết.

Ấp ủ, mong muốn làm một trang báo điện tử có từ rất lâu nhưng mãi đến tận 2013 chị mới tạm gác được công việc đề dành thời gian gây dựng tòa soạn từ việc xin giấy phép của chính quyền sở tại, lên ý tưởng cũng như xây dựng các chuyên mục. Không có tiền để thuê thêm người cho tòa soạn, một mình Quỳnh Nga đảm nhiệm tất cả các phần việc từ lấy tin bài, chụp ảnh, xuất bản và duy trì hoạt động của trang Viet-bao.de. Từ tháng 8/2014, trang báo chính thức phát hành công khai.

leftcenterrightdel
Chị Quỳnh Nga cùng bà con kiều bào Việt Nam ở Đức cổ vũ ĐT nữ Việt Nam thi đấu giao hữu tại Berlin. 

“Tôi vẫn kể với mọi người về Viet-bao.de là trang báo do một người đảm nhận các vai trò từ A đến Z. Tôi không được đào tạo ngày nào về báo chí, chỉ đơn giản mình thấy yêu thích và thấy cần phải làm công việc này nên cứ tự mày mò. Dù ngày xưa rất chăm đọc sách và cũng học khá môn Văn nhưng 20 năm lao động ở xứ người, có những từ tiếng Việt mình quên hoặc dùng chưa đúng. Rất may con gái Quỳnh Nga giúp mẹ hình dung lại để khi viết lên cộng đồng đọc không bị hiểu sai lệch”, chị Quỳnh Nga tâm sự trong đêm nhạc “Trở về 23”.

Từ vai trò như một kênh thông tin liên lạc giữa cộng đồng người Việt ở Berlin, Viet-bao.de lan sang các thành phố khác của nước Đức và một số nước trong cộng đồng chung Châu Âu. Hiện nay, cả người ở Việt Nam cũng tìm đọc nhằm cập nhật thông tin về con em, người thân đang học tập, lao động tại quốc gia này.

Có mặt trong đêm nhạc, nhà báo Thái Hà, nguyên Phó trưởng ban báo Nhân Dân hàng tháng chia sẻ về chương trình kết nối, hỗ trợ giữa Viet-bao.de với báo chí trong nước nhiều năm qua trong việc cung cấp thông tin cũng như hình ảnh đời sống Kiều bào ở CHLB Đức. Giai đoạn sắp tới, Viet-bao.de có chuyên mục “Dấu ấn Việt Nam” nhằm giới thiệu hình ảnh về một nước Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, mến khách tới bà con Việt Kiều cũng như cư dân nước Đức và Châu Âu.

Phiên bản tiếng Đức và tiếng Anh mở ra cơ hội tiếp cận tới đông đảo độc giả trở thành kì vọng lớn để Viet-bao.de thành cầu nối Việt Nam với thế giới. Riêng với Quỳnh Nga, được bà con Kiều bào gọi bằng tên “Nhà báo Quỳnh Nga” có thể xem như điều khiến chị hạnh phúc nhất và thêm những động lực để cống hiến cho cộng đồng.

Theo thoidai