Trần Nữ Yên Khê hẹn Phụ nữ Chủ nhật tại khu vực cà phê ở một khách sạn 5 sao, quận 1, TPHCM. Đây cũng là nơi lưu trú của vợ chồng chị nhân dịp về TPHCM quảng bá phim The Pot-au-Feu (The Taste of Things hay Muôn vị nhân gian).
Hôm ấy, Yên Khê chọn ly tonic với vị mặn, chua và đắng. Khi được mời uống cùng tách trà bạc hà, chị khen ngon một cách hồn nhiên - sự hồn nhiên của việc trực nhận, trân trọng những điều nhỏ bé. Yên Khê cho biết chị thường không võ đoán, không giả định, không nghĩ trước. Ngay cả việc chuẩn bị cho phim của chồng - đạo diễn Trần Anh Hùng, Yên Khê cũng chỉ đọc kịch bản khoảng 1 tuần trước khi khởi đầu dự án. Lý do: “Thường lúc anh Hùng có ý tưởng đầu tiên cho đến khi làm có khi mất đến 4, 5 năm. Tôi không muốn mang vác gánh nặng này và bị kiệt sức quá lâu. Tôi muốn giữ sự tươi mới khi làm, như vậy năng lượng sẽ tốt hơn”.
|
Trần Nữ Yên Khê thường đảm nhiệm những vị trí quan trọng về nghệ thuật trong các dự án phim của Trần Anh Hùng - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ra mắt tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng Năm, Muôn vị nhân gian mang về cho Trần Anh Hùng giải Đạo diễn xuất sắc nhất, đồng thời mang về cho Yên Khê đề cử César ở hạng mục Phục trang xuất sắc nhất.
Có thể nói từ lúc làm xong phim đến nay, Yên Khê “chưa có một phút nghỉ”. Lúc nào chị cũng đang làm một cái gì đó. Phim vừa quảng bá xong ở Mỹ cũng là lúc chị đáp chuyến bay về Việt Nam cho triển lãm cá nhân White Blank ở galerie Quynh. Cùng lúc đó, chị chuẩn bị cho những dự án khác và một triển lãm ở Hàn Quốc.
Yên Khê là vậy, dù bận rộn nhưng luôn đầy ắp ý tưởng. Chị cầu toàn và thích mang đến những điều xúc động cho bạn bè, khán giả. Đi quảng bá phim ở nhiều thành phố, hầu như lần nào Yên Khê cũng ngồi lại xem cùng mọi người. “Lắng nghe phản ứng của mọi người thật sự thú vị. Khán giả ở mỗi nước, mỗi thành phố có những văn hóa và phản ứng khác nhau. Đặc biệt là ở Mỹ, trải nghiệm này thật sự tuyệt vời” - Yên Khê hào hứng.
Lịch trình quảng bá dày, đi nhiều, Yên Khê mất sức nhưng rồi về tới Sài Gòn, gặp bạn bè, năng lượng trong chị đã đầy trở lại.
|
Tại triển lãm cá nhân của chị ở Việt Nam - Nguồn ảnh: Galerie Quynh |
“Làm thiết kế phục trang nhưng tôi muốn trang phục ẩn đi”
Phóng viên: Nếu trang phục của phim Éternité (Vĩnh cửu) có nhiều gam màu và họa tiết tươi sáng thì trong Muôn vị nhân gian, chị chọn tông màu trầm ngà nhu nhã hơn. Đó là do độ tuổi, cá tính của nhân vật hay vì chị muốn tôn lên màu sắc, hương vị của món ăn?
Trần Nữ Yên Khê: Khi chuẩn bị cho phim này, tôi nói với ê kíp rằng mình sẽ làm một phim trắng đen, để lại màu cho rau, cho hoa quả.
Trong phim này, nhân vật lớn tuổi hơn so với Éternité nhưng đó không phải lý do đầu tiên tôi hình dung về màu sắc. Trong nhiều phim lấy bối cảnh là giai đoạn lịch sử xác định, phục trang thường quá rõ ràng và lộ liễu, nhấn mạnh tính thời điểm nhiều quá.
Bên cạnh phục trang, tôi còn chịu trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật, tất cả hình ảnh phim đều được thông qua tôi. Tôi muốn tạo cho phim một diện mạo tồn tại được lâu. Có nhiều phim làm năm 1990, cách đây không xa lắm nhưng giờ xem lại sẽ thấy phim rất xưa. Dù phim có thể hay nhưng sau tầm nửa tiếng, mình không muốn xem nữa vì thấy quá xa cách. Vì vậy, lúc làm phim, tôi rất để ý đến tính vĩnh cửu của hình ảnh. Có nhiều phim như 2001: a Space Odyssey (tạm dịch: Chuyến du hành không gian), Kubrick làm năm 1968 nhưng rất hiện đại. Tôi muốn xây dựng hình ảnh phim thế nào để thế hệ sau vẫn xúc động như mình xúc động hôm nay.
Có một chuyện hay, diễn viên Juliette (vai Eugénie) lúc đầu muốn thêm nữ trang cho nhân vật. Tuy nhiên, Eugénie là người bình thường. Sự gợi cảm của Eugénie không cần thể hiện qua nữ trang, không cần nhấn mạnh cái bên ngoài. Người làm thiết kế trang phục thường muốn cho nó thể hiện ra. Trong khi đó, tôi hay nói với ê kíp là phải làm thế nào để trang phục ẩn đi.
|
Cảnh trong phim Muôn vị nhân gian - Nguồn ảnh: CJ ENM |
* Chị có để ý nhiều đến sự hòa hợp giữa các nhân vật qua trang phục không?
- Sự hòa hợp không phải là quan trọng nhất. Tôi không cần cái này bắt qua cái kia. Thật ra, hòa hợp rất hay mà tương phản cũng thú vị. Quan trọng là nhân vật nào thật với nhân vật đó. Tôi không cần xem nhân vật này có hợp với nhân vật kia hay không vì trong đời sống, mình cũng không bao giờ làm như vậy. Mình mặc để thể hiện ra bản thân, biểu đạt bản thân nhiều nhất.
* Chị quan niệm thế nào về cái thật trong điện ảnh?
- Nhắc đến cái thật đối với điện ảnh thì khá buồn cười và vô lý. Vì lúc mình làm phim, không có gì thật cả! Ánh sáng cũng giả. Tuy nhiên, mình phải làm như thế nào để nó thật hơn cả thật lúc khán giả xem. Mình phải cho nó một ý vị nào đó để khán giả thấy rằng nó thật.
Nói về vẻ đẹp trong phim, ai cũng khen. Nhưng cái đẹp không phải đích của tôi. Cái đích của Yên Khê là làm thế nào cho hình ảnh nuôi được nội dung đạo diễn muốn truyền tải một cách đúng, một cách cụ thể. Nếu mình làm hình ảnh chỉ để cho đẹp thì đó là trang hoàng, là trang trí, là giả. Như vậy khán giả sẽ nhận biết ngay. Quan trọng là hình ảnh đủ chất để khán giả cảm nhận và có cảm xúc.
Việc của Yên Khê là làm hình cho đúng, còn để làm nhanh thì dựa vào trực giác. Trực giác đó không phải khả năng có sẵn. Phải luyện hai ba chục năm cho mắt, cho đầu của mình. Mình phải ra quyết định nhanh. Nhờ kỹ năng đó mà mình thoát được khỏi những vấn đề khó khăn.
Phim này không có nhạc. Vì nhịp di chuyển, thao tác của nhân vật cũng như nhịp dựng, tự nó có nhạc rồi. Phim anh Hùng không khó hiểu, chỉ cần mở lòng ra đón. Nó không thiên về suy tư trí não, chỉ là cảm xúc. Khi làm việc, tôi cũng nuôi dưỡng cảm xúc này. Điện ảnh là hình. Làm thế nào cho nó đủ mạnh để in vào mắt, vào ruột, vào tim khán giả. Nếu không, nó chỉ là chuyện, không là điện ảnh nữa.
Tôi chú ý cách xây một hình ảnh như thế nào để có đủ vị, để khán giả có thể cảm giác và mang về nhà mình. Như vậy phim sẽ sống lâu.
|
Vợ chồng Trần Nữ Yên Khê - Trần Anh Hùng tại buổi ra mắt phim Muôn vị nhân gian ở Việt Nam - Nguồn ảnh: CJ ENM |
“Nếu có thể mang niềm vui đến cho 1, 2, 3, 4 người thì quá tuyệt vời”
* Lát nữa sẽ trở lại chuyện phim nhé. Tôi tò mò một chút về triển lãm của chị ở Hàn Quốc vào tháng Năm. Đó là triển lãm cá nhân hay triển lãm nhóm?
- Đó là triển lãm nhóm. Có 7 người, trong đó có tôi. Chúng tôi mang đến 27 tác phẩm. Tôi có 5 tác phẩm.
* Từng có tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Pháp. Cộng đồng nghệ thuật ở đó cũng biết chị hoạt động với tư cách nghệ sĩ thị giác. Với White Blank, sao chị không triển lãm ở Pháp trước mà chọn Việt Nam cho triển lãm cá nhân đầu tiên về hội họa và điêu khắc?
- Tôi muốn triển lãm ở Việt Nam trước vì muốn tặng những khoảnh khắc đầu tiên đó cho Việt Nam. Quyết định này thiên về tình cảm nhiều hơn là chiến lược.
Tôi rất vui vì nhiều người trẻ đến xem. Ban đầu, tôi nghĩ nghệ thuật trừu tượng sẽ khó tiếp cận nhưng cuối cùng lại rất thành công. Nhiều người đến xem và phòng tranh phải nới dài thời gian triển lãm.
*Trong các chất liệu từng sử dụng như sơn mài, giấy, thép, đồng, thạch cao, sợi tổng hợp…, chị thấy chất liệu nào là thế mạnh hơn cả?
- Tôi thấy giấy rất hay. Nó có chất mỏng manh, có sức hút. Sức hút của giấy rất hay. Nó cũng thay đổi theo môi trường. Giấy có liên hệ với chất Á châu của tôi.
* Nếu để kể về một câu chuyện mang đậm chất Á châu mà chị ảnh hưởng từ thế hệ trước, chị nhớ đến câu chuyện nào?
- Có một chuyện tôi nhớ hoài khi nhắc về mẹ. Đó là lúc tôi 5 tuổi, ở nhà chưa có xe nên 3 mẹ con phải đi chợ bằng xe điện ngầm. Hồi đó, chợ Việt Nam xa lắm. Mẹ tôi tay xách nách mang và xe đẩy lỉnh kỉnh đồ, trên tay còn vác mấy thùng nho. Ngay cả tôi cũng phải kéo cái này cái kia phụ mẹ. Đang đi bỗng mẹ dừng lại bỏ hết hàng hóa xuống, 2 tay bịt mắt chị em tôi và nói “Con đi qua đi”. Dắt chị em tôi qua đường xong, mẹ mới quay lại xách đồ đi tiếp. Tôi ngoái nhìn theo mới biết xe điện ngầm có một poster quảng cáo phim, trên đó là hình ảnh một cô gái đang hôn chàng trai Tây. Tôi vừa thấy buồn cười vừa xúc động lắm. Có lẽ đó chính là một trong những nét tính cách mang đậm bản sắc Việt Nam.
|
Gia đình Trần Nữ Yên Khê - Trần Anh Hùng tại Liên hoan phim Cannes - Nguồn ảnh: Internet |
* Sống ở Pháp nhưng lại mang trong mình bản sắc Việt Nam, chị thấy đó là thuận lợi hay bất lợi?
- Đối với tôi, tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Trong khi đó, tôi lại có cá tính của người Việt. Đôi khi trong bản thân tôi có sự soi chiếu, mâu thuẫn. Dù vậy, tôi không thấy điều này là bất lợi mà trái lại, không được ngồi trong một vị trí êm đềm cũng là thuận lợi. Vị trí không thoải mái đó mang lại nhiều cái hay. Chính sự không bằng phẳng, không ổn định lắm làm cho tôi không ngồi yên mà luôn tiếp tục suy nghĩ, tiếp tục đặt câu hỏi. Có thể đó là những câu hỏi không có câu trả lời nhưng nó dẫn dắt tôi bước vào một con đường hấp dẫn. Điều đó cũng giúp nhiều cho tôi trong quá trình sáng tác và tiến lên một bậc thang nào đó.
Ngoài việc hay đặt câu hỏi và không ngừng suy nghĩ, vị trí không êm đềm của mình giúp tôi luôn nỗ lực và đòi hỏi cao ở bản thân.
* Thực hành nghệ thuật từ rất lâu nhưng đến thời điểm này chị mới khẳng định mình qua một triển lãm độc lập. Chị có nghĩ mình đã bỏ lỡ thời điểm vàng nào đó khi không chào sân sớm hơn?
- Nếu nó đến vào thời điểm này thì nó phải đến vào thời điểm này. Nếu nó đến cách đây 20 hay 30 năm thì chắc chắn không có những tác phẩm như vậy. Ngày ấy, Yên Khê còn rụt rè và chưa đủ chín muồi. Tôi là người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Lúc đó, tôi thấy mình chưa đủ để chia sẻ với mọi người.
Còn ngay thời điểm này, tôi thấy nó đúng nhịp. Con cái đã lớn rồi. Lúc đầu, tôi rất ưu tiên cho Lãng Khê và Cao Phi vì thời thơ ấu chỉ có giai đoạn đó, qua rồi là qua. Nếu bỏ qua thời khắc ấy là bỏ qua luôn.
* Trong đợt triển lãm White Blank có một tác phẩm lớn mà chị đặt tên là Impermanence - Vô thường. Chị suy nghĩ về vô thường từ lúc nào?
- Cách đây 10 năm, nó cứ hiện lên, biến đi rồi trở lại. Tuy nhiên, lúc COVID-19, nó hiện lên rồi ở lại. Sau đó, tôi đọc nhiều về thầy Thích Nhất Hạnh, về thiền. Thời điểm bị phong tỏa ở Paris, chỉ có giấy trắng và thạch cao nhưng vậy là đủ để tôi thoát ra được.
Đối với tôi, màu trắng rất mạnh. Nó hút mình. Nhà văn, nghệ sĩ bắt đầu với trang giấy hoặc không gian trắng. Đồng thời, trắng là cái mọi người sợ, như học sinh sợ giấy trắng. Dù rất nguy hiểm nhưng phải nhảy vào. Cũng như khi vẽ, dù sợ cũng phải nhảy vào. Tác phẩm là cái mình đưa ra ở phút đó. Còn phút sau, nó biến thành câu chuyện khác. Khi khán giả xem, nó là chuyện khác nữa.
Thời điểm ấy, tôi nghĩ nhiều về vô thường. Trong đời, không bao giờ có gì chắc chắn. Nó là sự thay đổi. Cao Phi và Lãng Khê là 2 người tôi rất yêu nhưng cái người sáu bảy tuổi ngày ấy không còn nữa, bây giờ cả hai đã hai mấy tuổi.
Vô thường cũng vậy, nó là tác phẩm điêu khắc rất to và nặng. Mình tưởng nó luôn ở đó. Nhưng không. Với ánh sáng ban ngày, ban đêm, nó đều khác. Nó có đời sống riêng. Nếu mình muốn giữ thứ gì trước sau như một thì rất khổ.
|
Tại triển lãm cá nhân của chị ở Việt Nam - Nguồn ảnh: Galerie Quynh |
* Sự vô thường này vô tình được lặp lại trong Muôn vị nhân gian. Thú thật, tôi nhuốm buồn trước dự báo về sự bất toàn của đời người từ lúc nhân vật Eugénie bị choáng lần đầu. Còn chị thì sao, chị thích điều gì trong phim này?
- Phim nói về tình yêu, một tình yêu không ích kỷ. Rất nhiều người nhầm về tình yêu. Họ nghĩ yêu là chiếm hữu. Họ muốn người khác sống như họ muốn. Khi nó không như vậy nữa, họ bỏ nhau.
Trong phim, yêu là chấp nhận người đó như vậy; là nhìn thấy giá trị của người mình yêu và tôn trọng họ. Thường lúc mới bắt đầu quen, người ta tôn trọng nhau nhưng sau một thời gian, người ta dễ coi thường. 2 nhân vật chính trong phim này có sự tôn trọng và chiều nhau, không phải kiểu làm nũng mà chiều kiểu hiểu và chấp nhận.
Thế giới bây giờ nhanh quá, ồn ào quá. Vòng xoay của truyền thông, của TikTok… dễ làm người ta loạn nhịp. Hôm qua, tôi đi bộ về khách sạn thì thấy đường phố Sài Gòn rất ồn ào, dễ gây ô nhiễm cho mắt và tai. Buổi tối, tại nơi công cộng, đáng ra mọi người có thể thư giãn nhưng nơi đó lại trở thành chỗ quảng cáo. Người ta đi qua đi lại trong sự ồn ào. Nếu một đứa trẻ sống trong môi trường ấy và quen với điều đó là không hay vì nó không cho mình lối thoát, không cho phép mình có chỗ để lắng lại.
Nên chậm nhịp để trở lại với đời sống thật hơn, đúng hơn với mình và trân trọng người khác...
* Đúng là để sống thật với bản thân không phải là điều đơn giản...
- Đúng rồi, thông thường, ta hay tự dối để tìm điều dễ dàng. Nếu gặp điều khó, ta dễ có xu hướng tránh né. Phải thật can đảm để sống thật, sống cả với điều mình không thích.
Tôi thích sự tôn trọng lựa chọn của mỗi người. Để nghĩ được như nhân vật Eugénie là không đơn giản. Nhiều người đi qua đời sống mà không biết mình là ai. Thông thường, mình là câu trả lời cho những gì xã hội muốn. Có thể chúng ta tưởng mình là như thế nhưng thật ra không phải.
Theo tôi, những người đặt câu hỏi mình là ai là những người sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi trong xã hội, gia đình và cộng đồng. Nếu những sự thay đổi đó có thể mang đến niềm vui cho 1, 2, 3, 4 người thì quá tuyệt vời.
* Nhân vật Eugénie thấy mình đang ở giữa mùa hè tươi đẹp. Còn chị thì sao? Chị thấy mình đang ở mùa nào?
- Tôi thấy mình đang ở mùa xuân. Tôi sinh vào mùa xuân. Đó là mùa dưỡng. Mùa đông xong rồi. Mùa hè chưa tới. Vào mùa xuân, những gam màu mới ra cũng thật nõn, thật tươi.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Theo phụ nữ TPHCM