Từ cội nguồn ẩm thực xứ Quảng
Tuyết Phạm sinh năm 1987 ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau 1 năm theo học tại trường Đại học sân khấu điện ảnh TP.HCM, cô chuyển sang học du lịch và có nhiều năm làm quản lý và hướng dẫn viên du lịch. Sau khi đoạt Á quân cuộc thi "Vua đầu bếp Việt Nam" vào năm 2015, Tuyết Phạm trở về thành phố Đà Nẵng. Từ đây, giấc mơ khởi nghiệp của cô bắt đầu...
"Sau khi đạt Á quân cuộc thi Vua đầu bếp Việt Nam, tôi ấp ủ được làm gì đó cho ẩm thực quê hương. Khi đó, tôi nghĩ rằng mình chưa có kinh nghiệm quản lý cửa hàng, nếu mở sẽ vô cùng mạo hiểm. Được bạn bè khuyên hãy bắt đầu khởi nghiệp bằng chính câu chuyện của mình, hãy khoan làm nhà hàng mà bắt đầu bằng một mô hình sân vườn với căn bếp gia đình, tôi thấy hợp lý. Vậy là nhờ sự giúp sức của gia đình, tôi bắt tay xây dựng Nu Đồ", Tuyết Phạm chia sẻ.
Con đường vượt qua những giới hạn
Tuyết Phạm cho biết, thời gian đầu khi Nu Đồ ra đời, thương hiệu luôn phải chật vật với những khái niệm mới - cũ trong văn hóa mì Quảng. Mì Quảng thông dụng trong bữa ăn của người Quảng nhưng để chạm vào giới hạn của người Quảng không đơn giản. Thay vì chỉ tiếp cận về hình thức, Nu Đồ tiếp cận về mặt nội dung, nghĩa là bản thân chủ thương hiệu cũng phải thay đổi chính mình. Tư duy Nu Đồ từ đó không cố định mà đổi mới, chắt lọc và sáng tạo hơn mỗi ngày. Nu Đồ bắt đầu chạm vào những tập khách khó tính, thậm chí là những người chưa từng thử mì Quảng hoặc có định kiến về mì Quảng.
Những ngày đầu khởi nghiệp, Tuyết Phạm gặp không ít khó khăn về vốn, kinh nghiệm mở nhà hàng, nhân lực. Cùng với đó là áp lực về thời tiết khi Đà Nẵng có hai mùa nắng-mưa rõ rệt, mô hình sân vườn rất dễ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Nu Đồ vừa mở được 4 tháng thì đại dịch Covid-19 ập đến.
"Khó khăn rất nhiều nhưng tôi chỉ có một suy nghĩ là không bỏ cuộc. Thứ nhất, thương hiệu Nu Đồ là giấc mơ của cả gia đình phục dựng gánh mì ngày xưa của ba. Thứ hai, Nu Đồ là một sự tri ân của tôi với hành trình thi Vua đầu bếp. Ngày trước, ba mẹ tôi mở quán vì không có điều kiện nên bỏ dở rất nhiều lần thì bây giờ tôi không thể bỏ dở", Á quân Masterchef Việt Nam 2015 chia sẻ.
Không có kinh nghiệm tổ chức nhà hàng, không có kiến thức về marketing nên cách mà Tuyết Phạm chọn để vượt qua khó khăn chính là học. Ban ngày học từ chính công việc mình làm, còn ban đêm thì học thêm trên mạng và đọc sách. Và để tiết kiệm thời gian, Tuyết Phạm vừa học vừa làm.
Trong khó khăn bật sáng tạo, "nhà hàng ảo" là mô hình kinh doanh online mà Nu Đồ áp dụng trong suốt thời gian Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng. Thuật ngữ này không xa lạ trong ngành ẩm thực, tuy nhiên để ứng dụng một cách hiệu quả thì không dễ. Nu Đồ không thể đón khách trực tiếp thì trải nghiệm "nhà hàng ảo" là lựa chọn duy nhất. Vì thế, Tuyết Phạm đã tổ chức làm việc "3 tại chỗ" cho nhân viên, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tối ưu quy trình chăm sóc khách hàng, mở rộng nhận diện thương hiệu trên các kênh truyền thông.
Hiện nay, Nu Đồ đã cho ra đời sản phẩm lọ sốt mang hương vị riêng của Nu Đồ. Sản phẩm sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt để vị Nu Đồ có thể kết nối rộng hơn tới những bếp ăn gia đình Việt, người Việt ở nước ngoài và cả người nước ngoài yêu ẩm thực Việt. Mục tiêu xa hơn của Tuyết Phạm là kết nối đến các trang trại, kêu gọi nhà đầu tư mở rộng qui mô Nu Đồ.
Năm 2022, Tuyết Phạm dự định ra mắt một cuốn sách nói về hành trình phát triển thương hiệu "Nu Đồ", tiếp tục những dự án mới tăng nhận diện thương hiệu của mình trong lúc chờ kinh tế hồi phục sau Covid-19.
Bạn đọc có nhu cầu mua sản phẩm có thể liên hệ Tuyết Phạm, chủ thương hiệu mỳ Quảng Nu Đồ theo địa chỉ fanpage: https://www.facebook.com/NuDoKitchenVN; https://www.facebook.com/nhatkymasterchef; điện thoại: 0932594771; địa chỉ: 11/1 Lưu Quang Thuận, TP.Đà Nẵng. |
An Khê