Tiếp tục phiên làm việc chiều 27/9, Ủy ban Xã hội thẩm tra Báo cáo đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021.
Thảo luận nội dung này, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, cho rằng: Thời gian qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sức khoẻ, tính mạng người dân. Chính phủ, Quốc hội rất kịp thời ban hành các Nghị quyết hỗ trợ người dân, trong đó đặc biệt quan tâm tới phụ nữ, lao động nữ mang thai, người chăm sóc trẻ dưới 6 tuổi...
Đồng thời, nhiều địa phương đã có hoạt động hỗ trợ rất thiết thực, như chủ động đón người lao động từ các tâm dịch trở về. Theo thống kê, các tỉnh đã đón hơn 2.000 phụ nữ mang thai và có con nhỏ trở về địa phương. Có hơn 1.500 trẻ em từ các vùng tâm dịch trở về địa phương để cách ly tập trung.
Về phía tổ chức Hội, Chủ tịch Hà Thị Nga cho biết, các cấp Hội theo sát tình hình dịch ở các địa phương, tổ chức kịp thời các hoạt động như tổ chức các nhóm, tổ công tác của phụ nữ các địa phương phòng chống dịch; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội khác ở các địa phương triển khai các nhóm nữ hộ sinh, giáo viên mầm non tham gia các tổ tình nguyện chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị mắc Covid-19…
Về công tác cán bộ nữ, theo Chủ tịch Hà Thị Nga, thực tế cho thấy, ở địa phương nào cấp ủy, chính quyền có quan tâm thật sự thì tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ĐBQH và HĐND các cấp đều đạt tỷ lệ cao.
Theo rà soát, có 9 tỉnh thành phố có tỷ lệ nữ ĐBQH, HĐND ở cả 3 cấp đạt trên 30% trở lên. Tuy nhiên, nhiệm kỳ này vẫn có địa phương không có đại biểu Quốc hội là nữ; hay tỷ lệ nữ đại biểu chưa đạt so với yêu cầu. Đây là vấn đề cần có sự quan tâm thúc đẩy trong thời gian tới. Cơ quan tham mưu của Chương trình cần có tham mưu để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, và có giải pháp cứng rắn với các địa phương chưa đạt tỷ lệ này theo yêu cầu.
Với các chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, theo đại biểu Hà Thị Nga, với chỉ tiêu số 1, đặt ra đến 2025 đạt 60% và đến 2030 đạt 70% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đây là chỉ tiêu cần có sự nỗ lực phấn đấu rất lớn và cần giải pháp mạnh mẽ để thực hiện.
Đề xuất mở rộng chức năng của Tổng đài 111
Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, Tổng đài hỗ trợ của Hội LHPN Việt Nam có số cuộc gọi của phụ nữ tăng nhanh; số phụ nữ đến Nhà bình yên cũng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, TƯ Hội LHPN Việt Nam cũng nhận được các đơn thư liên quan tới vụ việc xâm hại nghiêm trọng phụ nữ, trẻ em đều tăng trên 200% số lượng đơn thư.
Qua đó, Chủ tịch Hà Thị Nga đề xuất Bộ LĐ-TB&XH mở rộng chức năng của Tổng đài 111 để hỗ trợ, tư vấn kết nối cho nạn nhân bị bạo lực, phụ nữ và trẻ em. Đồng thời nghiên cứu thành lập các trung tâm 1 cửa để cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại trên cơ sở phối hợp liên ngành. "Mô hình này sẽ cung cấp dịch vụ cấp cứu, giám định y khoa thuận lợi, kịp thời và cách ly các đối tượng, hỗ trợ tư vấn tâm sinh lý, lấy lời khai đảm bảo thân thiện, bảo mật thông tin cho nạn nhân…", đại biểu Hà Thị Nga chia sẻ.
TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương" nhằm tiếp sức cho phụ nữ và trẻ em miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19.
Tính đến ngày 16/9/2021, các cấp Hội từ TƯ đến cơ sở đã huy động được nguồn lực (gồm tiền mặt và hiện vật) đạt 88,05 tỷ đồng tương đương với 293.500 suất quà. |
H.H