Chị Phùng Thanh An (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) ly hôn với người chồng Đài Loan và mang theo 2 con trở về Việt Nam. Đã vài năm trôi qua, con lớn đã học lớp 9 và hết tuổi được "nợ" giấy khai sinh khi đến trường, qua tìm hiểu chị mới biết 2 con của mình đã mang quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc). Theo quy định, 2 con của chị giống như người nước ngoài sống trên lãnh thổ Việt Nam, mọi thủ tục giấy tờ khi cần được giải quyết qua Văn phòng Đài Bắc tại Việt Nam. Nhưng do dịch bệnh, gia đình khó khăn, chị chưa có điều kiện để làm các thủ tục cho các con theo hướng dẫn.

Chị Đặng Thị Thúy Hạnh (An Dương) kết hôn với người Hàn Quốc nhưng bị bạo lực, bệnh tật. Chị trở về được nhà nhưng cũng từ đó không có cách nào để liên lạc được với con. Nhớ con lại thêm bệnh trầm cảm khiến chị lúc tỉnh lúc mê, cuộc sống vô cùng khó khăn cùng bố mẹ già ốm đau.

Đó là hai trong nhiều trường hợp phụ nữ di cư hồi hương được Văn phòng Osso (Văn phòng Dịch vụ Một điểm đến hỗ trợ Phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ) tại Hải Phòng tiếp cận, hỗ trợ. Từ thực tiễn tiếp cận với phụ nữ di cư không an toàn trở về, có thể thấy được những mặt trái của các gia đình đa văn hóa (trong đó chủ yếu là phụ nữ Việt với người chồng nước ngoài) được tạo dựng một cách vội vàng.

Những hậu quả thường gặp: Phụ nữ Việt bị bạo hành, bị bóc lột sức lao động, bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, bị ngăn cản liên lạc với con; hôn nhân không thành công, phụ nữ phải trở về mang theo con lai gặp rất nhiều vướng mắc về pháp lý như khai sinh, hạn visa… ảnh hưởng đến việc tiếp cận cách dịch vụ công cơ bản (giáo dục, y tế…). Có nhiều trường hợp phụ nữ trước khi đi rất khỏe mạnh, đến lúc phải trở về trong tình trạng mất kiểm soát về tâm lý, sức khỏe sa sút, không thể tự chủ cuộc sống.

Nguyên nhân: Không tìm hiểu kỹ về gia đình người chồng trước khi kết hôn, tìm hiểu vội vàng qua người khác giới thiệu hoặc thông qua môi giới, không có kiến thức pháp luật, kỹ năng tối thiểu về hôn nhân nước ngoài, ngoại ngữ để giao tiếp kém, chưa được tìm hiểu kỹ về văn hóa, phong tục (hầu hết các cô dâu có trình độ học vấn cao, tìm hiểu và yêu người nước ngoài thực sự do làm chung công ty hay đi du học… thì hôn nhân sẽ bền vững hoặc nếu có đổ vỡ thì cô dâu đó cũng không gặp nhiều rủi ro, có thể tự chủ cho bản thân).

Giải pháp: Để hướng đến gia đình đa văn hóa hướng đến các giá trị "an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng, bình đẳng":

- Các cô dâu Việt cần "5 biết" đó là: biết văn hoá lịch sử, luật pháp của nước sở tại mà mình sẽ đến làm dâu; biết pháp luật của Việt Nam và nghĩa vụ của bản thân với đất nước; biết những điển hình những người thành công nhất và thất bại nhất của những người cùng địa phương đã lấy chồng nước ngoài; biết rõ người chồng tương lai của mình; biết rõ hoàn cảnh gia đình của nhà chồng trước khi chính thức ra nước ngoài.

- Nâng cao nhận thức cho phụ nữ nói riêng, cộng đồng nói chung về hôn nhân có yếu tố nước ngoài: cần dựa trên tình cảm thực sự với mục đích hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững chứ không lợi dụng hôn nhân vì mục đích khác.

- Hỗ trợ phụ nữ có nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp và ý thức tự lập, tự chủ về kinh tế;

- Kết nối để tư vấn, hỗ trợ giải quyết các khó khăn của người di cư hồi hương;

- Đề xuất xây dựng chính sách liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo tính chặt chẽ để xây dựng các gia đình đa văn hóa hạnh phúc bền vững; các chính sách hỗ trợ gia đình đa văn hóa.

- Đề xuất tăng cường sự kết nối với Đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao của các nước có tỷ lệ kết hôn với người Việt lớn để thuận tiện trong hỗ trợ công dân và các gia đình đa văn hóa có người Việt Nam.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Lệ Thủy