Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII diễn ra hôm nay (14/12), Hội LHPN Việt Nam đã đóng góp tham luận về công tác hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng, quán triệt phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả", hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội LHPN Việt Nam luôn được quan tâm đầu tư với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội LHPN Việt Nam thời gian qua, TƯ Hội đã tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ các cấp Hội phụ nữ địa phương triển khai các hoạt động đối ngoại; quan tâm hướng dẫn, tư vấn Hội LHPN các tỉnh, thành về các hoạt động đối ngoại lớn.

leftcenterrightdel
 Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga tiếp lãnh đạo UN Women tại Việt Nam tháng 7/2021. Ảnh: Ngự Bình

Hội LHPN Việt Nam đã chủ động phát huy, có nhiều sáng kiến mở rộng quan hệ với đối tác mới, làm sâu sắc hơn quan hệ với đối tác đã có, giúp hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng thực chất, hiệu quả. Cụ thể: Phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác cả song phương và đa phương; Công tác thông tin đối ngoại hai chiều và đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; Công tác vận động và quản lý nguồn lực quốc tế; Công tác phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài và hỗ trợ phụ nữ trong các giao dịch có yếu tố nước ngoài…

Trong thời gian tới, vấn đề phụ nữ, giới và phát triển bền vững vẫn là sự quan tâm chung của quốc tế. Trong môi trường hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, Hội nhận thấy sẽ tiếp tục gặp những khó khăn trong việc hỗ trợ phụ nữ trong những vấn đề mới, phức tạp có yếu tố nước ngoài như di cư lao động, kết hôn quốc tế. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, hoạt động đối ngoại của Hội phần nào bị gián đoạn, ảnh hưởng và chuyển sang các hình thức phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, xu hướng cắt giảm tài trợ quốc tế, nhất là trong bối cảnh Covid-19, cũng tác động đến công tác đối ngoại của Hội.

Trước tình hình đó, Hội LHPN Việt Nam xác định sẽ tập trung thực hiện các phương hướng chính như sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy các bài học, kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua, phát huy thế mạnh của đối ngoại nhân dân và triển khai đồng thời các trụ cột ngoại giao văn hóa, kinh tế, chính trị.

Thứ hai, tăng cường công tác phối kết hợp với các cơ quan liên quan. Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, ủy viên Ban Chấp hành TƯ Hội là đại diện các bộ, ngành, cơ quan. Nghiên cứu hướng tới ký kết Biên bản ghi nhớ với các cơ quan chuyên trách về đối ngoại.

Thứ ba, tiếp tục chú trọng mở rộng nội hàm của công tác đối ngoại. Tăng tính chủ động, nâng tầm quan hệ đối tác hiện có (VD: UNWomen, EU, Cơ quan Hợp tác phát triển của một số nước như KOICA, JICA...). Tìm kiếm, mở rộng hợp tác với các đối tác mới.

Thứ tư, mở rộng lĩnh vực hợp tác, nhất là các vấn đề được quan tâm như Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, áp dụng công nghệ số trong hoạt động đối ngoại, thích ứng an toàn, linh hoạt trong thế giới có Covid-19...

Thứ năm, triển khai hiệu quả Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế như một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược. Hướng dẫn Hội LHPN các cấp xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả hỗ trợ phụ nữ hội nhập trên các lĩnh vực.