Phụ nữ, hòa bình và phát triển có mối liên hệ mật thiết với nhau. Phụ nữ tham gia kiến tạo, xây đắp hòa bình; và hòa bình là môi trường để mỗi quốc gia và mỗi người dân trong đó có phụ nữ phát triển. Đồng thời, sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới cũng là mục tiêu phát triển của hầu hết các quốc gia. Vì thế, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và bảo đảm quyền phụ nữ là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030.

 

Phụ nữ có vai trò ngày càng được khẳng định và đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Phụ nữ tích cực tham gia kiến tạo, gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột và tái thiết sau chiến tranh và xây dựng nền văn hóa vì hòa bình. Chính việc trao quyền cho phụ nữ sẽ mang lại sự phát triển bền vững ở các quốc gia.

 

Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, ở cấp độ toàn cầu đã có những tiến bộ nhất định về bình đẳng giới: xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong luật pháp; nhiều luật được thông qua nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; tỷ lệ em gái nhập học ở trình độ giáo dục tiểu học và trung học tăng đáng kể; tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở một số vùng đã tăng lên; tỷ lệ tử vong mẹ giảm 45% so với năm 1990; tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội tăng gấp đôi so với năm 1995; tiến bộ đáng kể trong tiêu chuẩn quốc tế về luật pháp trong chương trình nghị sự toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

 

Tuy nhiên, hiện phụ nữ còn gặp nhiều thách thức trong phát triển do các yếu tố mang tính hệ thống, các yếu tố văn hóa-xã hội và cá nhân, làm cản trở sự tham gia và đóng góp hiệu quả của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh tế. Ở nhiều nước, luật pháp và chính sách còn thiếu nhạy cảm giới và còn phân biệt đối xử với phụ nữ, đặc biệt là luật về gia đình. Trình độ học vấn và sự tham gia tích cực vào thị trường lao động chưa đi đôi với điều kiện làm việc tốt hơn và việc trả lương bình đẳng. Gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công làm hạn chế việc thụ hưởng quyền của phụ nữ. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Sự tham gia của phụ nữ trong việc ra quyết định ở mọi cấp độ ở cả khu vực công và tư vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó còn có các thách thức đối với phụ nữ liên quan tới hòa bình, an ninh, bao gồm các thách thức về an ninh truyền thống như căng thẳng, xung đột, nội chiến và tranh chấp khu vực lẫn các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh hàng hải, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia v.v.

 

Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan:

 

1. Tăng cường chia sẻ thông tin, sáng kiến, kinh nghiệm, thực tiễn tốt, củng cố sự hiểu biết, tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa phụ nữ và nhân dân các nước vì hòa bình, an ninh, vì bình đẳng giới thực chất và phát triển bền vững cho phụ nữ nói riêng và các quốc gia nói chung, góp phần thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững;

 

2. Lồng ghép vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới vào các chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch của các quốc gia đảm bảo sự tham gia, đóng góp và thụ hưởng của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh tế ở mọi cấp độ; Tăng cường hiệu quả việc thực thi, theo dõi và giám sát việc thực thi các luật, chính sách và chiến lược liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; Tuyên truyền vận động để đảm bảo ưu tiên cho việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDG 5) và các chỉ tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; Xóa bỏ các định kiến giới; Xây dựng và sử dụng hiệu quả hơn dữ liệu thống kê giới tạo cơ sở, bằng chứng cho việc nội hóa các Mục tiêu phát triển bền vững; Tăng cường tiếng nói, sự tham gia và đóng góp của các tổ chức phụ nữ, tổ chức nhân dân trong các nỗ lực vì bình đẳng giới và phát triển bền vững của mỗi quốc gia;

 

3. Tăng cường sự chia sẻ trách nhiệm, tính trách nhiệm giải trình và đầu tư nguồn lực vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ;

 

4. Tăng cường các sáng kiến về hòa bình, an ninh, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tốt hơn quyền của phụ nữ và trẻ em gái;

 

5. Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu, trong đó Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân dân, khu vực tư nhân, hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên có sự hỗ trợ và đồng hành với các quốc gia trong nỗ lực vì hòa bình, an ninh, bình đẳng giới và phát triển bền vững.

 

Đã được thông qua tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 6/10/2015