Rạng sáng 11/12, Lê Phạm Khánh Linh, lớp 12 Anh 1, THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, dậy sớm sau một đêm khó ngủ. Nữ sinh kiểm tra email và thấy có kết quả tuyển sinh từ Đại học Dartmouth, Mỹ. Linh hồi hộp mở thư và thấy dòng chữ "Chúc mừng", em "đơ" mất mấy giây. Linh phải đọc lại rất nhiều lần mới dám tin mình đã trúng truyển ngành Khoa học Môi trường ở ngôi trường mong ước.

Đại học Dartmouth thuộc Ivy League, hệ thống trường danh giá, lâu đời tại Mỹ. Theo US News and World Report, Dartmouth đứng thứ 13 trong danh sách đại học tốt nhất nước Mỹ. Cô gái 17 tuổi nhận được mức hỗ trợ tài chính 260.000 USD trong bốn năm học, tương đương 6 tỷ đồng.

Lê Phạm Khánh Linh, lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, là chủ nhân của học bổng 6 tỷ đồng từ Đại học Dartmouth, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lê Phạm Khánh Linh, lớp 12 Anh 1, THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đầu cấp 2, Linh tập trung học tiếng Anh, hướng tới mục tiêu du học. "Lúc đó, em chỉ biết Mỹ có nền giáo dục đề cao tinh thần tự do, sau này mới biết là giáo dục khai phóng. Em rất muốn có thể làm chủ tương lai, học cái mình thích", Linh nói.

Sau khi trúng tuyển vào lớp Anh 1, THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, cô gái sinh năm 2004 bắt đầu tìm hiểu những yếu tố trong một bộ hồ sơ du học. Hồ sơ ứng tuyển vào các đại học Mỹ thường bao gồm điểm SAT/ACT, chứng chỉ tiếng Anh, thư giới thiệu, tờ khai tài chính, CV hay Portfolio tổng hợp những dự án xã hội, bài luận cá nhân.

Nữ sinh xác định trong học kỳ I lớp 11 cần hoàn thiện phần "cứng", gồm các chứng chỉ chuẩn hoá (SAT, IELTS) và duy trì thành tích học tập tốt (GPA). Là người kỷ luật, Linh cố gắng tuân thủ kế hoạch đã đặt ra.

Từ tháng 3/2020, nữ sinh bắt đầu ôn SAT. Em đặt mục tiêu hoàn thành chứng chỉ này trong năm, tránh việc kéo dài, lấn thời gian sang những công việc khác. Sau gần nửa năm ôn tập, Linh đạt 1570/1600 SAT I, tối đa 800/800 SAT II Toán và Hóa ngay trong lần thi đầu tiên. Nữ sinh đánh giá, em khá may mắn vì nửa cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh ổn định nên các kỳ thi chuẩn hoá vẫn được tổ chức. Nếu để đến 2021 mới thi, chưa chắc em đã hoàn thành được chứng chỉ SAT.

Đầu năm 2021, nữ sinh thi IELTS, đạt 8.5 ngay sau khi giành giải nhì quốc gia môn tiếng Anh.

Sang học kỳ II của lớp 11, Linh định hình hướng đi, theo đuổi các hoạt động về môi trường và để lại dấu ấn lớn trong dự án Cleen. Thay vì chỉ tuyên truyền giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa, Linh và các bạn lên kế hoạch "biến" rác thành bàn, ghế để ủng hộ học sinh vùng khó khăn.

Linh nói, dự án này gồm rất nhiều bước phức tạp và diễn ra trong thời gian khá dài. Em và các bạn phải liên hệ với các công ty, doanh nghiệp để được hỗ trợ về kỹ thuật tái chế, sau đó nhờ tài xế vận chuyển bàn ghế lên cho học sinh tại Sapa Hope Center (tổ chức nuôi dưỡng trẻ mồ côi, dạy tiếng Anh, hướng nghiệp miễn phí cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Sapa, Lào Cai). Vài tháng đầu, dự án Cleen gặp khó trong việc tìm kiếm đối tác.

Không từ bỏ, cả nhóm phải điều chỉnh kế hoạch, trình bày chi tiết và rõ ràng hơn. Thay vì phải liên hệ với các bên xử lý rác để "xin" rác thải nhựa, nhóm của Linh chủ động thu thập. Kết quả, sau gần 9 tháng, 25 bộ bàn ghế được làm từ 600 kg rác đã đến với học sinh tại Sapa Hope Center.

"Ngày đội mưa, cùng các bạn khệ nệ bê bàn ghế từ xưởng ra xe vận chuyển, em không bao giờ quên. Số lượng thành phẩm có thể khiêm tốn, nhưng em muốn truyền tải thông điệp 'cứ đi rồi sẽ đến', phải thử mới biết mình làm được hay không", Linh nói.

Khánh Linh (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) cùng các thành viên dự án Cleen. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khánh Linh (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) cùng các thành viên dự án Cleen. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giai đoạn nước rút của Cleen, Linh đồng thời phải hoàn thành bài luận chính. Em định hướng bài luận phải thể hiện được những phẩm chất mà trường cần ở một sinh viên. Với ngành Khoa học Môi trường ở Dartmouth, Linh nhận thấy trường tìm kiếm những người luôn trau dồi, phát triển bản thân, dám bước ra khỏi vùng an toàn. Nữ sinh chọn những câu chuyện mang tính cá nhân, không quá to tát hay học thuật mà phù hợp và đồng nhất với những giá trị mà trường mong muốn.

Lúc đầu, Linh dự định cấu trúc bài luận theo cách truyền thống với một câu chuyện xuyên suốt. Tuy nhiên, em cho rằng không nên tự giới hạn bản thân, mà thử sức với bố cục được xây dựng từ ba câu chuyện nhỏ cùng một chủ đề. "Cách viết này giúp em tạo được chiều sâu trong bài luận hơn", nữ sinh đánh giá.

Gần đến hạn nộp hồ sơ 1/11, Linh cảm thấy áp lực vì còn nhiều thứ phải hoàn thành. Mỗi tuần, em thức trắng 2-3 hôm. Để cân bằng, nữ sinh thường đi bộ, tạm thời tránh xa điện thoại, máy tính. "Thật may cuối cùng mọi thứ đã hoàn thành đúng kế hoạch một cách chỉn chu. Em thấy hài lòng vì cố gắng của mình được đền đáp", Linh nói.

Ngoài Dartmouth, nữ sinh 17 tuổi còn giành học bổng của hai đại học Minnesota và Depauw.

Bàn ghế tái chế của dự án Cleen được sử dụng tại Sapa Hope Center. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bàn ghế tái chế của dự án Cleen được sử dụng tại Sapa Hope Center. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô giáo chủ nhiệm lớp 12 Anh 1 của Khánh Linh ấn tượng với khả năng học tập, lãnh đạo và niềm đam mê các hoạt động cộng đồng của nữ sinh. Cô đánh giá, Linh học tốt cả tự nhiên và xã hội, đứng đầu lớp gần như mọi môn học.

Mỗi khi làm việc nhóm, Linh thường đảm nhiệm vai trò dẫn dắt. "Với tư cách chủ tịch của dự án Cleen, Linh luôn hết mình để đảm bảo sự kiện có kết quả tốt nhất. Song song với mục tiêu nâng cao nhận thức của giới trẻ về môi trường, em đã thực hiện vai trò lãnh đạo một cách cẩn trọng và đầy nhiệt huyết", cô giáo cho hay.

Trước khi đến Mỹ vào tháng 8/2022, em dự định dành thêm thời gian để khám phá về ngành Kỹ thuật Môi trường, tích lũy kinh nghiệm thực tập, nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Theo vnexpress