leftcenterrightdel
Nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý khi là phóng viên chiến trường ở binh trạm 20 đường Trường Sơn năm 1968. Ảnh tư liệu 

Sau hơn 35 năm vùi sâu dưới lòng đất lạnh, năm 2006 di cốt của Nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã được chồng là nhà thơ, Nhà báo Bùi Minh Quốc cải táng về bên đồng đội tại khu tưởng niệm xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Hy sinh do "bất thần trúng đạn" đêm 8 tháng 3 năm 1969, trong một trận càn ác liệt của quân Đại Hàn trút xuống xã Xuyên Tân, huyện Duy Xuyên, nên những di vật của bà được lưu giữ lại đến hôm nay không còn nhiều. Có chăng chỉ một phần còn được gia đình lưu giữ rất cẩn thận tại Hà Nội trong thời gian bà đi học, đi làm và cả những lá thư từ chiến trường được gửi về trước khi bà hy sinh. Đó là những bản giấy khen nhuốm màu thời gian nhưng vẫn còn nguyên nét mực của các trường khen tặng học sinh Dương Thị Xuân Quý thời gian bà học Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt và Trường Phổ thông cấp 2 Trưng Vương từ năm 1955 - 1955 và 1957 - 1958.

Giấy khen Sở Giáo dục Hà Nội và Trường PT Cấp 2 Trưng Vương khen tặng bà Dương Thị Xuân Quý (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội)

Là tiểu thư Hà Thành, không chỉ biết cầm bút, có tài viết văn, làm thơ; bà Xuân Quý còn thường xuyên tham gia các lớp đào tạo rèn luyện thể dục, thể thao một cách chuyên nghiệp. Hai kỷ vật này là minh chứng cho một quá trình học hỏi, rèn luyện của bà ở Hà Nội và học nghề ở Quảng Ninh.

Bằng Thể dục điền kinh của Khu Hồng Quảng và Giấy chứng nhận Thể dục thể thao - Hà Nội tặng bà Xuân Quý (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội)

Bà Xuân Quý tham gia học lớp Trung cấp mỏ ở Hồng Gai, khu Hồng Quảng. Một ngành học tưởng như chẳng liên quan đến văn học, báo chí nhưng có lẽ nghiệp văn chương, báo chí vốn ở trong bà như một lẽ tự nhiên, nên từ cộng tác viên cho báo Tiền Phong, báo Lao Động; sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo ngắn hạn Lớp báo chí được mở tại Trường Đại học Nhân dân Việt Nam năm 1960 đến năm 1961, bà chính thức trở thành phóng viên của báo Phụ nữ Việt Nam. Thời điểm này, bà là một trong số những lớp phóng viên kế cận của báo Phụ nữ Việt Nam được đào tạo viết báo chuyên nghiệp để phục vụ cho công tác tuyên truyền cách mạng giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.

Những di vật ghi dấu quá trình hoạt động báo chí của bà Dương Thị Xuân Quý

Chứng minh thư học viên lớp báo chí và Giấy chứng nhận Thông tín viên của báo Tiền Phong cấp cho bà Dương Thị Xuân Quý (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội)

Công tác ở báo Phụ nữ Việt Nam thời gian chưa lâu, cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng cam go và ác liệt, bà đã viết đơn tình nguyện ra chiến trường, gửi lại con gái Bùi Dương Hương Ly nhờ mẹ đẻ chăm sóc.

Dọc đường hành quân dù bom rơi đạn nổ, các tin bài và tác phẩm văn học vẫn được bà viết đều đặn, kịp thời gửi về tòa soạn. Trong bức thư gửi cho anh Hải (một người đồng nghiệp), bà đã viết: "Nam Đàn, ngày 14.7.1965. Anh Hải thân mến. Em ở Nghi Lộc về đây đã hai hôm rồi. Ở Nghi Lộc em có viết cho anh 2 thư. Kể chuyện bị bom ở Nghi Ân và chuyến công tác. Anh đã nhận được chưa? Nếu thư này là thư thứ tư thì đúng.

Em đã viết xong bài Phóng sự thứ nhất, đã gửi về tòa soạn rồi. Hiện nay đang họp Hội nghị "3 đảm nhiệm" của Khu 4. Hai hôm nữa sẽ sang một xã khác và khoảng 5 hôm nữa thì đi Hà Tĩnh. Tuy vậy, địa chỉ cố định vẫn là Nghệ An. Em đang tiếp tục để viết mấy bài nhỏ nữa để gửi chị Lan Anh (Trong ban phụ trách báo Phụ nữ) mang về tòa soạn…"

Ngày 4/8/1965, bà lại viết thư gửi anh Hải, trong thư có đoạn: " … Em đang ở rất gần quê Bác, có vào nhà Bác thăm lại… Em đã nhận được thư của cái Nhàn. Nó bảo đã gửi Diễm đưa anh 2 cuốn "…người thay áo cho rừng" và 15đ. Nó còn giữ một ít tiền để mua sách cho em. Nhưng không mua được vì các hiệu sách ở Hà Nội thì hết cả…"

Và ngày 28/3/1968, bà Xuân Quý lại viết thư cho anh Hải kể về tình hình của mình và bà vui mừng chia sẻ "…Trước khi đi, em đã được đề bạt vượt cấp từ phóng viên bậc 1 (52 đ lương chính) lên phóng viên bậc 2 (66 đ lương chính), cả phụ cấp 12% đắt đỏ là 74 đ…"

Thư Nhà báo Xuân Quý gửi anh Hải - đồng nghiệp khi đang ở cung đường Nghệ An, Hà Tĩnh năm 1965 (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội).

Đọc những lá thư viết vội dọc đường ra chiến trận của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, chúng ta không khỏi nghẹn ngào xúc động. Có lẽ đã có nhiều lá thư như thế chưa đến được tay người nhận. Nơi chiến trường, những thiếu thốn về vật chất, sốt rét rừng càng nung nấu thêm tinh thần quyết tâm chiến đấu trên mặt trận tư tưởng của nữ chiến sĩ cầm bút.

Tháng 7/1968, bà được phân công nhận nhiệm vụ tại tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng Trung trung bộ (Khu 5). Đêm ngày 8/3/1969, sau trận càn ác liệt của quân Đại Hàn trút xuống xã Xuyên Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bà đã hy sinh. Di cốt của bà đã an nghỉ trên đất Quảng Nam, nhưng những tác phẩm của bà vẫn còn sống mãi với thời gian. Năm 2007, bà Dương Thị Xuân Quý được Nhà nước truy tặng Giải thưởng về Văn học nghệ thuật.

Sau nhiều năm lưu giữ, để những gì còn lại của em gái không bị thời gian làm hư hại, năm 2014, bà Dương Thị Mai - chị gái liệt sĩ - đã trao gửi những kỷ vật còn lại của liệt sĩ Xuân Quý cho Bảo tàng Hà Nội bảo quản.

Những kỷ vật vô giá này không chỉ là minh chứng cho một quá trình học tập, rèn luyện và chiến đấu ngoan cường của nữ nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Xuân Quý trên chiến trường mà nó thực sự góp phần rất lớn trong việc giáo dục cho giới trẻ hôm nay về một thế hệ thanh niên Hà Nội đã không tiếc máu xương, tuổi xuân, gác lại hạnh phúc riêng của mình vì hạnh phúc của cả dân tộc.

Nguyễn Thu Hiền