Ở thế kỷ XX, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp lớn lao cho hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc tôn vinh những giá trị, phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ thường được nhắc đến với đức tính: chung thủy, nhân hậu, kính mẹ, thương cha, thương chồng, yêu con, thì ở chế độ mới, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, họ lại gánh trên vai một trọng trách nữa, đó là góp sức chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Có thể bắt gặp họ với những công việc lao động sản xuất nơi hậu phương thông qua các ca khúc: Ngày mùa (Văn Cao), Lên ngàn (Hoàng Việt), Đường cày đảm đang (An Chung), Đóng nhanh lúa tốt (Lê Lôi - Huyền Tâm), Những cô gái Quan họ (Phó Đức Phương), Người Châu Yên em bắn máy bay (Trọng Loan),... Nhiều chị em còn trực tiếp đóng góp sức mình trên tuyến lửa, việc làm đó được thể hiện trong: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ), Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương), Cô gái mở đường (Xuân Giao), Đường Trường Sơn xe anh qua (Văn Dung), Những cánh chim Hồng Gấm (Nguyễn Đức Toàn),... Dù là người bình thường hay khi trở thành người anh hùng thì phẩm chất vốn có của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn bộc lộ trong cuộc sống gia đình với chức năng làm mẹ, làm vợ. Có thể bắt gặp hình ảnh ấy trong ca khúc Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Lời ru trên nương (Trần Hoàn - Nguyễn Khoa Điềm), Áo mùa đông (Đỗ Nhuận), Khâu áo gửi người chiến sĩ (Nguyễn Đức Toàn),...
Trong ca khúc viết về người phụ nữ, mỗi nhạc sĩ đều có những tìm tòi, sáng tạo riêng để xây dựng hình tượng âm nhạc sao cho phù hợp với nội dung cần phản ánh. Tuy mỗi ca khúc khai thác một khía cạnh, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm nổi bật lên phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Nhìn chung, có thể nhận thấy các nhạc sĩ đã xây dựng được hình tượng người phụ nữ ở hai mảng chủ yếu: trong chiến đấu, lao động sản xuất và người mẹ, người vợ, người yêu nơi hậu phương.
Ca khúc viết về người phụ nữ trong chiến đấu và lao động được khắc họa một cách chân thực, xúc động. Trong số hàng vạn tên tuổi đã hy sinh cho đất nước, Võ Thị Sáu được xem như tấm gương điển hình cho tinh thần dũng cảm, sự hy sinh bất khuất, gan dạ phi thường của người phụ nữ Việt Nam. Với lòng kính trọng về tấm gương hy sinh cao đẹp đó, bằng cảm xúc chân thành và sự rung động sâu sắc, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã hoàn thiện ca khúc Biết ơn Võ Thị Sáu vào năm 1958. Ông đã chọn hình ảnh hoa lê ki ma để khắc họa chân dung người chiến sĩ cách mạng. Hình ảnh đó toát lên cái thần thái vừa gần gũi, thanh tao vừa ung dung, tự tin, hiên ngang bất khuất của người nữ anh hùng.
Người phụ nữ trong chiến đấu được khắc họa vào ca khúc không phải lúc nào cũng là người thật, việc thật, bởi trong chiến tranh có nhiều tấm gương anh hùng đã xả thân vì đất nước mà chúng ta không được biết mặt, biết tên. Họ là những Người mẹ miền Nam, tay không thắng giặc (Thuận Yến). Người mẹ ấy chỉ mong một cuộc sống yên lành, bình dị: “gieo lúa trồng khoai, ngày qua ngày gặt hái nuôi con, nhưng chẳng được ăn, thù giặc Mỹ, bát cơm ăn còn thắm máu đào, cả miền Nam lòng đau dạ xót”. Trước sự áp bức, kìm kẹp, mẹ đã “không thể ngồi yên, nhìn quân thù tàn phá quê hương, mẹ đã đứng lên giành lấy chính quyền, vũ khí mang theo là khối căm hờn, với tình yêu quê hương đất nước”. Và với ý chí kiên cường, lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần quật khởi, người mẹ miền Nam chỉ có tay không đã chiến thắng kẻ thù. Gương người phụ nữ anh dũng chiến đấu còn bắt gặp ở ca khúc Người con gái sông La (Doãn Nho - Phương Thúy). Người nữ dân quân đang ngày đêm bám sát trận địa để “đếm hàng loạt bom rơi, mặc cho bom nổ bên tai, em vẫn đứng giữa trời”, để khơi thông cho những tuyến đường giao thông huyết mạch. Có thể nói đây là một ca khúc thành công trong việc khắc họa về hình tượng của người phụ nữ Việt Nam.
Những âm hưởng của chất liệu ví dặm Nghệ Tĩnh, đường nét giai điệu mượt mà đã làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn và hình dáng của “người con gái sông La, đôi mắt trong tựa ngọc, đôi giọt nước sông La, trong như trời quê ta”, nhưng rất đỗi gan dạ, kiên cường. Người con gái đó chính là biểu tượng sức sống mãnh liệt, tinh thần bất khuất, lòng quả cảm cho sự trường tồn vĩnh cửu và tương lai rạng ngời của đất nước.
Trong ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã khắc họa chân dung những cô gái thanh niên xung phong vừa vui tươi hồn nhiên, vừa gần gũi, bình dị. Mở đầu bài hát là nét giai điệu sinh động, rộn ràng tươi vui mang âm hưởng của điệu thức 5 âm trong âm nhạc dân gian, miêu tả được khung cảnh thiên nhiên thơ mộng: “chim kêu ven rừng suối gọi, hoa mai vàng chen lá ngụy trang". Cùng với đó là hình ảnh của người con gái Sài Gòn đi tải đạn, một công việc hết sức nặng nề, vất vả khó nhọc đối với những cô gái mảnh mai: “ta lên đường nặng trĩu hai vai” và mặc dù “sương đêm ướt đầm nón vải”, chị em vẫn “lên đường theo giải phóng quân”. Thiên nhiên và con người hòa quyện để từ đó toát lên sự hồn nhiên, yêu đời và tinh thần lạc quan không sợ gian khổ, khó khăn. Trên suốt chặng đường vận chuyển, dù “đường dài sức nặng càng tăng”, nhưng chị em vẫn hồn nhiên, yêu đời, vẫn coi quả pháo như đứa trẻ, để suốt đêm dài bế trên vai. Dù bom rơi, dù bao bốt đồn, chị em vẫn có một niềm tin bất diệt vào "chiến thắng đang chờ ta”.
Người nữ chiến sĩ giao liên được khắc họa khá đậm nét trong ca khúc Đường tôi đi dài theo đất nước (Vũ Trọng Hối). Lối tiến hành giai điệu bình ổn theo hình làn sóng đi lên và đi xuống, dựa trên điệu thức 5 âm: xon-xi-đô-rê-fa, ở nhịp độ vừa phải đã tạo nên tính chất âm nhạc sinh động, uyển chuyển. Nội dung lời ca phác họa toàn cảnh cuộc sống và chiến đấu của các cô gái giao liên với những nỗi khó khăn vất vả, nguy hiểm: “đường tôi đi núi chênh vênh, có mây bay dưới chân dăng thành”. Cuộc đời gian truân của người chiến sĩ giao liên được bộc lộ rõ nét hơn với “thác lũ băng băng, bão núi giông rừng”, với cái lạnh “giá buốt chân tay” và “nắng khét đôi vai”. Những trở ngại đó không làm nhụt ý chí, mà ngược lại, họ vẫn ngày đêm miệt mài hăng say với công việc. Giờ đây Trường Sơn không còn hoang vu, cách trở, xa lạ mà “cảnh đẹp như giục tâm hồn", từ đó họ cảm thấy phấn khởi tự hào khi “bước trên đường Trường Sơn biết mấy thân yêu”.
Trong khí thế sục sôi của cách mạng, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã hòa mình vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi, đâu đâu cũng rộ lên phong trào đánh Mỹ cứu nước. Trong giai đoạn này, mảng đề tài phản ánh về cuộc sống chiến đấu của người phụ nữ Tây Nguyên còn khá mới mẻ trong ca khúc Việt Nam. Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp - Môlôyclavi) là một trong số các bài hát tiêu biểu về đề tài này. Với âm hưởng của âm nhạc dân gian Tây Nguyên, nhạc sĩ đã khắc họa một hình tượng âm nhạc vui tươi, rộn rã, miêu tả các cô gái Tây Nguyên với tâm hồn lạc quan, yêu đời và tinh thần sục sôi, cháy bỏng ngọn lửa nhiệt tình cách mạng: “như bao cô gái ở trên non, cô gái sông Ba đầu búi tóc thon, tay vót chông miệng hát không nghỉ”, hay sự tự tin, yêu đời: “ai nhanh tay vót bằng tay em, chim hót không hay bằng tiếng hát em”. Hình tượng âm nhạc và lời ca đã tạo cho người nghe cảm nhận được thêm hình ảnh về tương lai của đất nước hòa bình trong không gian bừng sáng: “mai đây giặc chạy rồi, tre làng ta làm nhà, làm chòi cao”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, hưởng ứng phong trào thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang, ngoài việc tham gia trực tiếp chiến đấu, phụ nữ còn đảm đương những công việc lao động nặng nhọc nơi hậu phương. Đường cày đảm đang (An Chung) là ca khúc tiêu biểu và khá thành công trong mảng đề tài này. Bằng những cảm nhận tinh tế, nhạc sĩ đã khắc họa hình ảnh người con gái của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ dung dị, hồn nhiên, chất phác nhưng ẩn chứa trong đó là vẻ đẹp của một tâm hồn cao quý, nồng ấm tình người. Để âm nhạc phù hợp với việc miêu tả người phụ nữ, nhạc sĩ đã khai thác âm hưởng và âm hình tiết tấu của làn điệu chèo, kết hợp với các âm luyến láy,... tạo nên tính chất âm nhạc vừa vui tươi, rộn ràng, vừa sinh động, nhẹ nhàng, tha thiết. Nội dung lời ca giản dị như lời tâm sự của người phụ nữ hậu phương gửi tới người chồng, người yêu nơi tiền tuyến: “từ ngày anh đi việc đồng em giỏi giang, ruộng cấy chăng dây, cấy lúa thẳng hàng, đào đắp mương dẫn nước quanh làng”. Công việc đồng áng vất vả nặng nhọc là thế, nhưng ấp ủ trong lòng các chị là niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi ngày mai: “giặc tan anh về, đón anh thăm đường cày”.
Cùng tuyến đề tài này, năm 1966 nhạc sĩ Phó Đức Phương viết Những cô gái Quan họ. Ca khúc cho người nghe thấy được hình ảnh người con gái vùng Kinh Bắc vừa dịu dàng, duyên dáng như cô Tấm trong cổ tích, vừa xinh đẹp, đảm đang việc nước, việc nhà. Cuộc sống của họ trong chiến tranh càng bận rộn hơn, năng động hơn với bao lo toan vất vả, với bao nắng mưa nhọc nhằn, nhưng nét tươi duyên của người con gái không hề phôi phai. Cuối cùng phẩm chất cao quý nhất của người con gái Kinh Bắc một lần nữa được khẳng định: “giặc đến giặc không đường về, lúa xanh mùa về vẫn tươi xanh”.
Bên cạnh những ca khúc viết về phụ nữ nông thôn, ở giai đoạn này, một số nhạc sĩ đã khai thác về những người nữ công nhân đang trực tiếp xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Bài hát Cô thợ hàn (Thịnh Trường - 1963) là sự động viên, cổ vũ tinh thần hăng say lao động của những người phụ nữ ấy. Công việc của người thợ hàn khó khăn, vất vả, nguy hiểm, thường do con trai đảm nhiệm, nhưng ở đây, ta bắt gặp hình ảnh của nữ công nhân khá độc đáo, tiêu biểu. Nội dung lời ca như câu chuyện nhớ về hình ảnh cô gái ngày ngày cặp sách trên tay, say mê xem bác thợ hàn. Và để rồi niềm say mê ấy trở thành tình yêu “miên man thấy trong lòng rực ánh lửa hoa”. Cuối cùng ước mơ đã thành sự thật, cô thành người thợ hàn hăng say trong lao động, thành thạo trong nghề nghiệp, để ngày ngày “đôi mắt cô đang nhìn theo, nối bao đường hàn nhẵn bóng cô yêu”. Niềm vui tràn ngập, cuộc đời cô rực sáng như những bông hoa của ánh lửa hàn: “đời vui bên bông hoa nở sáng, đường cô đi muôn hoa hồng thắm”. Cuộc đời sự nghiệp của cô và sự nghiệp xây dựng đất nước tỏa sáng như “ánh tương lai đẹp tựa ngàn sao”.
Bên cạnh những ca khúc ngợi ca người phụ nữ trong chiến đấu và trong lao động sản xuất, nhiều tác phẩm còn miêu tả về người mẹ, người vợ, người yêu nơi hậu phương, làm hoàn thiện và rạng rỡ hơn hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Mảng đề tài này phải kể đến những ca khúc về người mẹ Việt Nam vừa chu toàn việc nước, vừa đảm đang việc nhà, là chỗ dựa tinh thần cho những người con thân yêu yên tâm ra mặt trận.
Để có được ngày hòa bình, thống nhất đất nước, ngoài những mẹ trực tiếp tham gia vào các cuộc biểu tình, đình công còn có nhiều người mẹ ngày đêm âm thầm, lặng lẽ hy sinh cả tinh thần, thể xác làm những công việc rất khó khăn, nặng nhọc. Đó là hình ảnh các bà mẹ “đào hầm từ lúc vẫn còn xanh" đến lúc “phơ phơ đầu bạc” trong sự nguy hiểm, mưa bom bão đạn, và sự rình rập của kẻ thù: “mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác, bao năm rồi tiếng cuốc vọng năm canh", và tiếng cuốc đó kẻ thù không thể ngăn được, bởi “ lòng mẹ giăng như lũy như thành”, che chở cho “mỗi bước chân con bước”. Sao có thể kìm được xúc động khi nghĩ về những người mẹ có tấm lòng bao dung làm những công việc tưởng như bình dị, đơn giản nhưng lại thật cao cả, vĩ đại.
Tấm lòng bao dung nhân hậu ấy còn bắt gặp ở những bà mẹ tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng cũng bám sát trận địa để thức thâu đêm vá áo cho những người chiến sĩ. Với tính chất âm nhạc nhẹ nhàng tha thiết, ca khúc Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (Nguyễn Văn Tý) đã toát lên hình ảnh một tấm áo từng theo người chiến sĩ trên khắp các nẻo đường chiến trận. Tấm áo ấy là một vật vô giá, được người chiến sĩ nâng niu, trân trọng “bấy lâu nay con thường vẫn mặc”. Tấm áo chứa chất bao tình cảm thân thương về người mẹ, đó là sợi dây nối tình cảm người mẹ với người chiến sĩ ngày một gắn bó keo sơn. Hình ảnh của các mẹ thức thâu đêm vá áo chân thực và gây xúc động mạnh đến mức “chúng con ra đi đã mấy chiến trường” vẫn “mang theo cả tình thương của mẹ”. Tình thương ấy đã tiếp thêm sức mạnh, nâng bước chân những chiến sĩ trên đường ra mặt trận, tình thương yêu ấy đã trở nên thắm thiết để sẻ chia trong những lúc khó khăn và chung vui trong niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng của đất nước: “mọi gian lao mẹ con ta san sẻ, nhắm chân trời rạng rỡ ánh dương”.
Cùng đề tài về người mẹ, nhưng Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý) lại cho người nghe được đắm mình trong niềm cảm xúc thiêng liêng của tình mẫu tử. Nhạc sĩ đã khai thác chất liệu hát ru vùng châu thổ Bắc Bộ và lồng vào đó hơi thở của thời đại mới, với lời ca giàu cảm xúc, thể hiện tình cảm yêu thương của mẹ dành cho đứa con thân yêu của mình. Bài hát không chỉ đơn thuần là tình mẫu tử, mà vượt lên là tình cảm của con dân nước Việt đối với đất nước: “chín tháng so chín năm, gian khó tính khôn cùng”. Ẩn chứa sau tình mẫu tử là hình ảnh đất nước của ngày tươi sáng: “nhớ những lúc mừng con lẫy rồi con ngồi,... giờ con biết đi rồi, đi trên con đường mới” và lời ru của mẹ cứ lắng đọng ngọt ngào, xao xuyến mãi không thôi. Cùng tuyến đề tài về tình mẫu tử còn có: Địu con đi nhà trẻ (Đào Ngọc Dung), Lời ru trên nương (Trần Hoàn - Nguyễn Khoa Điềm), Từ trên đỉnh núi (Nguyên Nhung),...
Trong đời sống người phụ nữ, ngoài tình mẫu tử, ta còn thấy một tình cảm cao đẹp, tự nhiên và đáng trân trọng, đó là tình yêu đôi lứa. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, tình yêu của người phụ nữ càng thêm thắm thiết và cao đẹp lạ thường.
Đề tài về tình yêu đôi lứa trong các ca khúc cách mạng Việt Nam chiếm số lượng khá phong phú, có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu: Tình em (Huy Du - Ngọc Sơn), Sợi nhớ sợi thương (Phan Huỳnh Điểu - Thúy Bắc), Em ở nơi đâu (Phan Nhân), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp - Phạm Tiến Duật), Tình ca (Hoàng Việt), Nhớ (Lê Yên - Thanh Hải),...
Một trong những ca khúc viết về đề tài này đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong người nghe và trở thành bài ca đi cùng năm tháng, đó là Tình em. Vào đầu bài hát, hình tượng âm nhạc kết hợp với lời ca bằng lối so sánh ví von đã toát lên hình ảnh về một mối tình lãng mạn, xúc động, tràn đầy tinh thần lạc quan: “khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh, mà sao em xa anh, đời vẫn xanh rời rợi”. Nét giai điệu uyển chuyển, trữ tình, mềm mại kết hợp với lời ca trong sáng như lối kể chuyện, đồng thời cũng như một câu hỏi; tiếp đó là câu trả lời mộc mạc nhưng triết lý: “có gì đâu em ơi, tình yêu là sự sống”. Cái triết lý tưởng như đơn giản ấy lại hàm chứa một niềm lạc quan, tin tưởng “nên nắng hửng trong lòng, nhịp đời căng máu nóng”. Còn có mối tình nào đẹp hơn khi mà “anh đi xa bao núi, tình em như khe suối, lưu luyến và nhớ thương, chảy theo anh khắp rừng”. Tình yêu ấy càng đằm thắm hơn, nồng cháy hơn “anh đi xa càng xa, tình em như cỏ hoa, lưu luyến và thiết tha”, để rồi dù anh có đi bao tháng ngày, thì em vẫn như sông dài.
Một ca khúc khác cũng rất xúc động, chân thực khi nói về tình yêu, nhưng không phải của riêng cá nhân ai, của một con người cụ thể nào. Sợi nhớ sợi thương miêu tả về cảnh của Trường Sơn, nơi cuộc chiến đấu ác liệt đang xảy ra cùng với thời tiết khắc nghiệt của nắng lửa, mưa rừng “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt, bên mưa quây”. Chính trong hoàn cảnh đó đã nảy sinh một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu ấy khát khao và nồng cháy đến mức “em dang tay, em xòe tay chẳng thể nào mà xua tan mây, chẳng thể nào mà che anh được”. Tình yêu ngày càng cháy bỏng hơn như được rút ra từ “sợi nhớ, sợi thương” của chính tấm lòng mình để “nghiêng sườn Đông mà che mưa anh, nghiêng sườn Tây xòe bóng mát”. Cuối cùng tình yêu đã được dồn nén để rồi “rợp trời thương ấy mấy màu xanh suốt, mà em nghiêng hết ấy mấy về bên anh".
Cũng viết về đề tài tình yêu trên núi rừng Trường Sơn, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây miêu tả về một tình yêu đậm chất thơ. Họ cùng nhau sống chiến đấu trên dãy Trường Sơn nhưng “hai đứa ở hai đầu xa thẳm”. Tình yêu ấy cũng thật lãng mạn với những nỗi nhớ dâng đầy trong lòng nhưng vì vận mệnh chung của đất nước, của dân tộc nên hai người tạm gạt bỏ nỗi niềm riêng tư để vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc sống. Chính tình yêu ấy chắp cánh, nâng bước, hun đúc thêm tinh thần yêu nước và ngọn lửa nhiệt tình cách mạng cho tuổi trẻ.
Qua các ca khúc viết về người phụ nữ, ta thấy mỗi nhạc sĩ đều có những bút pháp sáng tác, ngôn ngữ âm nhạc riêng, nhưng đều hướng tới mục đích duy nhất đó là tô đẹp thêm cho phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Bằng nhiều phương pháp diễn đạt trong nội dung lời ca, kết hợp với sự sáng tạo trong việc vận dụng các chất liệu âm nhạc khác nhau, đặc biệt là âm hưởng của âm nhạc dân gian các vùng quê, các dân tộc, các nhạc sĩ đã tạo dựng nên sự phong phú đa dạng về hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong ca khúc cách mạng.
Tạp chí Văn hóa nghệ thuật