Những khoảng trống lịch sử
Trong khi đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu và hồi ký riêng về vua Bảo Đại thì hoàng hậu Nam Phương lại không được thế, bởi sức ảnh hưởng về mặt chính trị của bà không quá nhiều. Tuy nhiên những năm gần đây, các tác giả và giới nghiên cứu sử ngày càng quan tâm hơn đến bà. Có thể kể đến những công trình khắc họa chân dung đã ra mắt như: Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng (2005, Lý Nhân Phan Thứ Lang), Nam Phương hoàng hậu (2020, Lê Lan Khanh), Nam Phương hoàng hậu - Vị quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí (1934-1945) (2023, Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính), Hoàng Hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố (2023, Phạm Hy Tùng)…
|
Sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại |
Tuy vậy, có một điểm chung là các tác phẩm nói trên đều có nhiều chi tiết chưa chính xác. Chẳng hạn các tác giả, học giả đều nhận định bà sinh ngày 4/12/1914 tại Gò Công (Tiền Giang), cha là ông Nguyễn Hữu Hào sinh trưởng trong một gia đình giàu có, ruộng đất trải dài suốt nhiều tỉnh Nam Kỳ. Các nhà nghiên cứu cũng đồng ý rằng bà và vua Bảo Đại vô tình gặp nhau tại Đà Lạt trong đêm vũ hội ngày 22/2/1933… Thế nhưng mới đây, tiến sĩ Nguyễn Phước Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã chứng minh những nhận định trên là không chính xác.
Thuộc hoàng tộc và đang sinh sống tại Pháp, ông Vĩnh Đào có nhiều cơ hội tiếp cận với các tài liệu bằng tiếng nước ngoài. 2 tác giả đã dành 3 năm đến rất nhiều nơi từng lưu dấu cặp đế - hậu này, từ Sài Gòn, Tiền Giang, Thủ Đức, Chợ Lớn cho đến Biên Hòa, Đà Lạt, Kon Tum, Quy Nhơn, Huế, Hà Nội… để nghiên cứu. Họ cũng đi Pháp, Thụy Sĩ…, đến các tu viện, nhà thờ, thư viện để sưu tầm, khảo cứu, xác minh, kiểm chứng… thông tin một cách khách quan nhất có thể.
Bằng các dữ liệu đã thu thập được, 2 tác giả đã chứng minh rằng, hoàng hậu Nam Phương sinh tại Sài Gòn vào ngày 14/11/1913 đúng như thông tin trên bia mộ bà. Sở dĩ có sự nhầm lẫn là bởi vào thời gian này, có 2 địa danh cùng tên Gò Công, 1 ngày nay thuộc TP Thủ Đức và 1 thuộc tỉnh Tiền Giang. Khi 2 tác giả tìm thông tin về ông Nguyễn Hữu Hào ở Tiền Giang thì không có ghi chép nào về nhân vật này. Đó là một điều rất kỳ lạ, bởi ông được nhận định là một người giàu có.
Như 2 tác giả chỉ ra, ông Nguyễn Hữu Hào thực ra sinh tại Thủ Đức, không thuộc hàng danh gia vọng tộc từ nhỏ mà chỉ tạo lập được gia sản riêng sau khi cưới mẹ của hoàng hậu - con gái tỉ phú Lê Phát Đạt. Còn về ngày sinh, do bà cùng tuổi với vua Bảo Đại, nên triều đình Huế đã lùi năm sinh của bà lại 1 năm. Do đó, ngày sinh của bà từ 17/10 năm Quý Sửu theo âm lịch (tức 14/11/1913) đã thay đổi thành 17/10 năm Giáp Dần theo âm lịch (tức 4/12/1914), gây ra nhầm lẫn. Cả hai cũng không gặp gỡ một cách vô tình mà là sự sắp đặt của chính quyền bảo hộ, do lo sợ vua Bảo Đại sẽ bị lung lạc bởi các ý chí đấu tranh giành độc lập nếu cưới một người không theo Tây học.
Một hoàng hậu đặc biệt
Ngoài lai lịch của hoàng hậu, tác phẩm cũng nói nhiều hơn về hôn nhân của cặp hậu - đế. Đều là các chi tiết mới mẻ, chưa được công bố rộng rãi, vì nguồn tư liệu ít ỏi và những chứng nhân thân cận cũng không còn nhiều.
|
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Phước Vĩnh Đào trong buổi tọa đàm ra mắt sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại tại TPHCM sáng 18/5 - ẢNH: QUỐC TOÀN |
Trong tác phẩm, 2 tác giả đã khẳng định rằng, Nam Phương hoàng hậu là tượng đài về sắc đẹp, nét duyên dáng, lòng nhân từ và trí thông minh. Khi sang Pháp, bà luôn được giới trí thức và thượng lưu Cannes quan tâm, đón tiếp và có vị trí quan trọng trong xã hội. Có được điều này không phải vì bà có nhiều tài sản mà bởi bà luôn mực thước, khiêm nhường và rất tinh tế. Với các hoàng tử và công chúa, bà không cưng chiều mà gửi họ học ở trường nội trú.
Khi còn tại vị, bà cũng là một hình mẫu “quản lý tam cung lục viện” hiện đại, khác biệt với truyền thống trong triều nhà Nguyễn nói riêng và chế độ quân chủ nói chung. Bà là điển hình cho cách cư xử khéo léo và điêu luyện trước giới truyền thông, không chỉ trong các cuộc phỏng vấn mà còn ở việc chủ động cung cấp thông tin mình muốn truyền tải. Bà cũng thực hiện rất nhiều kế hoạch giáo dục, giúp trẻ em gái và trẻ em nghèo có thể nhận được nền giáo dục tốt như bà từng có ở Pháp. Bà cũng thường bỏ tiền riêng để quyên góp, trao tặng hoặc thăm các bệnh viện, trại phong, nhà tế bần… Tuy có hôn nhân tương đối sóng gió, bà vẫn luôn biết cách vun vén và giữ thể diện cho chồng.
Với các thông tin mới trong tập sách này, hoàng hậu Nam Phương đã hiện lên một cách khác biệt và ấn tượng. Bà ngay từ sớm đã bộc lộ được những phẩm chất cần có của một phu nhân chính khách, trong khi với cuộc sống cá nhân, bà cũng là một người vợ, người mẹ yêu thương chồng con hết mực.
Theo phụ nữ TPHCM