Chị Dậu (Chị Dậu) – người phụ nữ nông thôn chịu thương chịu khó

“Chị Dậu” được xây dựng dựa trên tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Bộ phim được liệt vào hàng kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam thế kỷ XX.

Chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên, "Chị Dậu" là bộ phim kinh điển phản ánh số phận người nông dân trước Cách mạng tháng 8

Chị Dậu là hình tượng điển hình cho người phụ nữ nông thôn dưới ách thống trị của thực dân phong kiến. Chị chịu thương chịu khó, yêu thương chồng con, luôn bảo vệ phẩm hạnh trong sạch của mình. Tuy nhiên, cuộc đời chị lại là chuỗi những tháng ngày bất hạnh. Để có tiền nộp sưu, chị đã bán hết mọi thứ có thể bán trong nhà. Đau xót nhất là khi đưa con gái đến ở đợ nhà cụ Nghị, chị Dậu chứng kiến cảnh con phải nhặt những hạt cơm thừa của chó lên ăn.

Có thể nói, nhân vật chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố được “tái sinh” qua diễn xuất đầy cảm xúc của NSƯT Lê Vân. Từ cô gái Hà Nội quý phái, Lê Vân hóa thân thành người phụ nữ quê mùa hết sức thuyết phục. Cô lột tả một cách chân thật tính cách của người phụ nữ nông dân nghèo: cần cù, nhẫn nhịn song cũng tiềm tàng sức mạnh phản kháng.

Chị Dậu tiêu biểu cho người phụ nữ nông thôn chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con

Đặc biệt, ánh mắt của nghệ sĩ Lê Vân khi hóa thân vào nhân vật chị Dậu luôn là nỗi ám ảnh day dứt trong lòng người xem – ánh mắt của người phụ nữ nghèo khổ đến tuyệt vọng, đau đáu và thảng thốt giữa những nghịch cảnh dồn dập của xã hội thối nát.

Mỵ (Vợ chồng A Phủ) – cô gái H’Mông đi theo cách mạng

“Vợ chồng A Phủ” (1961) được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Nhân vật Mỵ trong phim do NSƯT Đức Hoàn thủ vai. Cũng giống như trang viết, bộ phim “Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện xung quanh nhân vật Mỵ – cô gái dân tộc H’Mông xinh đẹp, đầy mơ mộng nhưng lại bị bắt về làm vợ lẽ của A Sử, con trai Thống lý Pá Tra.

“Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện xung quanh nhân vật Mỵ – cô gái dân tộc H’Mông xinh đẹp, đầy mơ mộng nhưng lại bị bắt về làm vợ lẽ con trai Thống lý

Kể từ đó, cuộc sống của Mỵ không khác gì nô lệ trong gia đình chồng. Cô như “con rùa nuôi trong xó cửa” cứ sống lầm lũi, cam chịu không biết đến ngày mai.

Thế rồi một ngày kia, Mỵ gặp A Phủ, người chung cảnh ngộ với cô. A Phủ bị thống lý Pá Tra bắt phạt nợ, phải đi ở cho nhà hắn vì đã đánh A Sử. Vì đánh mất trâu, A Phủ bị trói và bỏ đói trong bếp. Bộ phim được đẩy lên cao trào khi Mỵ quyết định cởi trói cho A Phủ. Tình yêu và niềm khao khát ngày mai tươi sáng giúp cho đôi trẻ vượt qua nỗi sợ hãi để chạy trốn khỏi địa ngục của trần gian. Cuối cùng, cả 2 cùng đi theo tiếng gọi của cách mạng.

Từ cô gái cam chịu, Mỵ dũng cảm đấu tranh giành hạnh phúc cho mình

Dù một số chi tiết trong truyện bị lược bỏ, song bộ phim “Vợ chồng A Phủ” vẫn đủ sức lay động trái tim người xem. Đặc biệt, nhân vật Mỵ do NSƯT Đức Hoàn thủ vai khiến khán giả không khỏi ám ảnh.

Cố NSƯT thuộc lớp nghệ sĩ đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bà vừa là đạo diễn vừa là diễn viên tài năng. Khi tốt nghiệp lớp diễn viên, Đức Hoàn lọt vào mắt xanh của đạo diễn Mai Lộc bởi vẻ đẹp của một thiếu nữ miền sơn cước và ngay lập tức được chọn vào vai Mỵ trong “Vợ chồng A Phủ”.


Những chuyển biến tâm lý đa dạng, phức tạp ấy của nhân vật Mỵ được bà lột tả thành công. Ở Mỵ của Đức Hoàn, chúng ta có thể thấy vẻ đẹp khắc khoải, đau buồn, nhưng ẩn bên trong đôi mắt to tròn là khát vọng sống cháy bỏng và mãnh liệt của cô gái khát khao được yêu. Vai diễn này giúp bà nhận được giải thưởng Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973.

Chị Tư Hậu (Chị Tư Hậu) – hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ kiên cường

Chị Tư Hậu do hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962, đạo diễn Phạm Kỳ Nam chỉ đạo. Phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học “Một chuyện chép ở bệnh viện” của nhà văn Bùi Đức Ái (An Đức) viết năm 1958.

Phim tái hiện chân thực, sinh động về quá trình trưởng thành của người phụ nữ Nam Bộ trong vùng địch tạm chiếm từ hình mẫu có thật

Thành công đầu tiên của phim nằm ở giá trị văn học của tác phẩm. Từ nguyên mẫu người phụ nữ tên Nguyễn Thị Huỳnh, có chồng tập kết ra Bắc, bị địch bắt và giác ngộ trở thành cán bộ cách mạng, nhà văn Bùi Đức Ái viết thành tác phẩm. Các chi tiết truyện cơ bản bám sát với cuộc đời thật của nhân vật ngoài đời (đã mất tháng 1/2009, thọ 83 tuổi ).

Sau này, nhà văn chuyển từ câu chuyện văn học dài gần 200 trang thành kịch bản 80 trang. Kịch bản cô đọng với những tình tiết chân thực, sinh động về quá trình trưởng thành của người phụ nữ Nam Bộ trong vùng địch tạm chiếm.

Phim kể về chị Tư Hậu, người phụ nữ sống trong thời chiến, chịu nhiều vất vả, tủi nhục. Trong một trận càn của giặc Pháp, chị Tư Hậu bị cưỡng hiếp. Nỗi đau ấy khiến chị suýt tự tử. Nhưng khi nghe tiếng khóc xé lòng của đứa con nhỏ khát sữa, chị bừng lên ý nghĩ phải sống, phải chiến đấu, đòi lại hạnh phúc, giành quyền sống, quyền được bình yên cho đồng bào.

Chị Tư Hậu trở thành hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ giành lại độc lập cho dân tộc

Tuy gặp nhiều đau khổ, bất hạnh, chồng hy sinh, con bị giặc bắt nhưng với sự trưởng thành và cứng rắn qua đạn bom gian khổ, chị Tư Hậu ngày càng vững vàng hơn để trở thành nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường.

Chị Tư Hậu trở thành hình ảnh tiêu biểu cho những người phụ nữ miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ giành lại độc lập cho dân tộc: trung hậu, đảm đang, anh dũng, kiên cường.


Bộ phim nhận về nhiều giải thưởng lớn như: giải bạc Liên hoan phim Quốc tế Moscow (Nga) 1963, Bông Sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam 1973; được trình chiếu liên tục tại nhiều quốc gia trên thế giới trong các liên hoan phim, tuần phim, chương trình trao đổi văn hóa…

Với vai diễn chị Tư Hậu, NSND Trà Giang trở thành gương mặt tỏa sáng trên màn ảnh cách mạng Việt Nam.

Chị Võ Thị Sáu (Người con gái đất đỏ) – huyền thoại ngàn đời về lòng yêu nước

Bộ phim “Người con gái đất đỏ” (1994) của đạo diễn Lê Dân được xây dựng nguyên mẫu từ cuộc đời nữ anh hùng Võ Thị Sáu – người con vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chị Sáu tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi với vai trò liên lạc, tiếp tế. Năm 17 tuổi, chị bị chính quyền Pháp bắt và kết án tử hình vì ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết cai tổng Tòng và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp.

Phim được xây dựng nguyên mẫu từ cuộc đời nữ anh hùng Võ Thị Sáu – người con vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu

Sau gần 3 năm tra tấn, giam cầm, quân Pháp đưa chị ra giam ở Côn Đảo. Do chị Sáu chưa đủ 18 tuổi nên quân Pháp không dám công khai hành quyết mà lén lút đem chị đi thủ tiêu. Người con gái vùng đất đỏ ngã xuống Côn Đảo khi vẫn chưa đủ tuổi thành niên, trở thành huyền thoại sống ngàn đời về lòng yêu nước, ý chí tiêu diệt quân thù.

Vai diễn người anh hùng Võ Thị Sáu được giao cho Thanh Thúy – ca sĩ, diễn viên thuộc đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Khi ấy chị cũng mới 17 tuổi, vừa đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP. HCM 1994 với bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.

Ca sĩ Thanh Thúy diễn xuất nhập tâm, góp phần làm hình ảnh chị Sáu trở thành huyền thoại ngàn đời về lòng yêu nước, ý chí tiêu diệt quân thù

Đạo diễn Lê Dân rất ấn tượng với hình ảnh cô gái trẻ biểu diễn ca khúc cách mạng thật trong trẻo và tình cảm nên mời vào vai nữ anh hùng Võ Thị Sáu trong phim. Không phụ lại sự tin yêu đó, Thanh Thúy diễn xuất nhập tâm, gây ấn tượng mạnh cho người xem.

"Huyền thoại về người mẹ" – đời mẹ lên phim

Năm 1987, đạo diễn Bạch Diệp làm bộ phim “Huyền thoại về người mẹ”. Phim do đạo diễn viết kịch bản dựa trên câu chuyện của nhà văn Bích Ngân cùng câu chuyện khác của nhà văn Trần Hoàng Bách. Nguyên mẫu là người mẹ tên là Nguyễn Thị Hường ở Quy Nhơn, Bình Định. Bà có chồng đi tập kết. Ở lại quê nhà, với tấm lòng Bồ Tát, bà nhận nuôi 12 đứa trẻ và bị tù đày đến 6, 7 lần.

 

“Huyền thoại về người mẹ” là câu chuyện cảm động tái hiện một phần cuộc đời của người mẹ ở Bình Định

Trong những ngày công chiếu ở Hà Nội, và sau này là TP. HCM, rồi trên truyền hình cả nước, hàng triệu khán giả rớt nước mắt thán phục hình ảnh người mẹ.

Trong phim, người mẹ tên Hương (do Trà Giang thủ vai) – 1 nữ hộ sinh nhận nuôi 3 đứa trẻ, trong đó có cả con lai. Sau chiến tranh, người chồng không trở lại. Những đứa trẻ chị nuôi cũng được người ruột thịt nhận lại. Nhân vật Hương quyết định sống cuộc đời cô đơn. Chất “huyền thoại” trong phim đề cao đức nhân ái, tinh thần vì mọi người của bà mẹ.

Hình ảnh huyền thoại về người mẹ Việt Nam một lần nữa chạm đến trái tim người xem

“Huyền thoại về người mẹ” với sự tham gia diễn xuất của NSND Trà Giang thực sự chạm đến trái tim người xem, thêm lần nữa để lại sự xúc động mạnh mẽ về hình ảnh người mẹ Việt Nam điển hình và đưa hình ảnh huyền thoại này đến với công chúng quốc tế.

Theo Báo Thời đại