Trên những trang nhật ký đã ngả vàng của cha tôi, danh họa Nguyễn Phan Chánh. Tôi đọc lại những lời tâm sự: Có một bức tranh cổ vẽ ba nhóm núi xa xa nhóm giữa vẽ mặt trời sắp lặn, một đàn chim bay về ngàn, trước mặt bức tranh vẽ một cô thôn nữ búi khăn mặc áo đồng lầm dài, quần lụa đen đang ngồi dưới gốc cây bên đường, bên người cô có quàng cái nón bằng quai thao. Trên bức tranh ấy có đề mấy câu thơ Nôm:

“Chim bay về núi tối rồi

Em không lo liệu còn ngồi đợi ai”.

Về sau tôi gặp lại người thôn nữ ấy không phải trong bức tranh vẽ tôi đã nhìn thấy mà là một thiếu nữ sinh động đang đi trên đường phố Hà Nội.

Cô hàng xén

“Mình tự hỏi tại sao lại cứ để ý vào người phụ nữ nông thôn mà không thích các cô thành thị sắc sảo chau chuốt hơn. Phải chăng bức tranh cổ vẽ cô gái ngồi ở gốc cây vào buổi chiều tối đã ảnh hưởng đến khiếu thẩm mĩ của mình”. Rồi khi đi xem những ngày hội ở quê làm cho tôi nhớ mãi dáng điệu ngây thơ thật thà ấy của các cô thôn nữ mà không thích những cô gái tô son trát phấn ở thành thị.

Phải chăng nguồn cảm hứng và khiếu thẩm mĩ ấy ảnh hưởng đến phần lớn những bức tranh mà nhân vật hầu hết là người phụ nữ nông thôn. Các bức tranh: “Chơi ô ăn quan”, “Cô gái rửa rau cầu ao”, “Cô bắt cua”, “Sau giờ trực chiến”, “Bát nước giải lao”, “Sau giờ lao động”.

Vẻ đẹp thuần khiết, vẻ đẹp tuổi thơ hồn nhiên trong sáng của những thiếu nữ nông thôn đã chiếm lĩnh tâm hồn họa sĩ và trở thành quen thuộc trong các bức tranh ở cuộc đấu xảo Paris ở Đông Dương 1930 – 1931

Cô gái rửa rau cầu ao

Đề tài tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã khẳng định ngay từ những ngày đầu sáng tác. Mối tình cố hữu của người nghệ sĩ là những con người lao động bình thường.

Từ sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc đến khi qua đời, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã sáng tác nhiều tác phẩm với các chủ đề khác nhau nhưng hình ảnh chính vẫn là đề tài phụ nữ và thiếu nhi mà ông rất yêu thích. Những sáng tác cuối đời của ông là các bức tranh lụa lấy đề tài từ văn học dân gian như: “Tiên Dung tắm”, “Lội suối”, “Kiều tắm”, bức tranh ông đang vẽ dở khi gần 90 tuổi là tác phẩm Thạch Sanh cứu công chúa.

Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh không giống tranh lụa Trung Hoa, Nhật Bản, Nguyễn Phan Chánh có cách kể thật những câu chuyện trong đời sống hàng ngày, bình dị mà thân thiết. Nó tỏa ra sự ấm áp của những sự vật mà bất cứ ai cũng có thể thấy thấp thoáng quanh mình. Theo nhà văn Nguyễn Tuân: “Tác phẩm Nguyễn Phan Chánh khả ái ở điểm hoàn toàn Việt Nam. Không một chút lai căng hỗn độn ở ngoài lẻn được vào đấy, nó cho ta thấy cuộc sống đặc biệt không giống cuộc sống nào hết”.

Năm 1962 bức tranh “Kỳ lưng” của cha tôi đã làm xôn xao giới nghệ sĩ. Thời kỳ ấy do quan niệm khắt khe nên hầu như họa sĩ không được vẽ tranh nude. Bức tranh “Kỳ lưng” của cha tôi là bức tranh đầu tiên của cha tôi phá rào vẽ một cô thiếu nữ tắm trần. Bức tranh thể hiện hai thiếu nữ đang tắm ở một góc vườn, vẻ đẹp của người phụ nữ trong tranh vừa dìu dịu, vừa rất thật mà không thô thiển. Cha tôi thường nói chất liệu lụa mô tả làn da người phụ nữ tốt nhất. Sau này những bức như: “Tiên Dung”, “Kiều” cũng hấp dẫn với những mảng lụa mềm với màu sáng trắng ngần mà huyền ảo.

Sống giữa thủ đô những ngày kháng chiến chống Mỹ. Cha tôi đã ở tuổi ngoài 70 vẫn đạp xe đạp hoặc đi tàu điện xuống khu lao động An Dương để lấy chất liệu vẽ, khi tới hẳn trận địa pháo cao xạ lúc ăn cơm ở nhà người mẫu, cha tôi đã sống cuộc sống chiến đấu với dân quân tự vệ chiến đấu. Những cô gái ấy vừa là người nữ thanh niên đồng thời là người mẹ, tình mẹ con thiêng liêng trong chiến tranh đã làm họa sĩ xúc cảm sâu sắc.

Buổi sáng cho con bú

Họa sĩ có cách vẽ chiến tranh riêng. Cha tôi nói: “không vẽ bắn súng trên lụa vì súng sẽ bắn thủng lụa”. Những bức tranh “Buổi sáng cho con bú”, “Buổi chiều cho con bú” thể hiện niềm hạnh phúc của người mẹ trước khi rời con ra trận địa và lúc trở về sau một ngày phục vụ ở trận địa pháo cao xạ.

Trong tác phẩm “Sau giờ trực chiến” tác giả đã thể hiện hình ảnh một người nữ dân quân vừa lao động vừa chiến đấu để bảo vệ sự bình yên cho xóm làng. Vẻ đẹp khỏe mạnh kiên cường tiềm ẩn trong vóc dáng của người phụ nữ với khẩu súng vác trên vai. Đồng thời bức tranh còn thể hiện tình cảm mẫu tử thiêng liêng giữa hai mẹ con, người mẹ đang khoác súng trên vai cầm gáo rửa chân nhưng mắt vẫn nhìn đứa con trìu mến yêu thương. Suốt một ngày ở trận địa xa con, giữa cái sống và cái chết trong gang tấc, còn niềm vui nào lớn hơn khi trở về đón con của mình từ tay người bảo mẫu. Không phải ngẫu nhiên mà sau mấy chục năm trời được thể hiện trên lụa dường như đây là lần đầu tiên người con gái trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh cười. Nụ cười đó dành cho người phụ nữ cầm súng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mười bốn, mười lăm tác phẩm vào thời kỳ chống Mỹ ác liệt của Nguyễn Phan Chánh: “Bát nước giải lao”, “Chống hạn gặp mưa”. “Tắm ao”, “Sau giờ trực chiến”, “Hạnh phúc”, “Múa ong vò vẽ”, “Tắm cho con”, “Rạng ngày cho con bú”, “Hộ đê”, “Chăn vịt”, “Chiều về tắm cho con”, “Trăng tỏ”, “Trăng lu”… Thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ nông thôn những hình ảnh hồn hậu bình dị tiềm ẩn phần kiên cường quả cảm. Ca ngợi vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ trên chất lụa là niềm say mê của cha tôi.

Những năm cuối đời cha tôi nói “phải giải phóng cho lụa” chất lụa mịn màng làm tôn lên vẻ đẹp của làn da con gái.

 

Sau giờ trực chiến

Nhà thơ Huy Cận đã đọc một bài thơ tặng cha tôi nhân ngày sinh nhật của danh họa 80 tuổi:

“Tay gân mà vẫn dịu dàng nét tơ

Ánh ngần da thịt mởn mơ

Bút hoa Phan Chánh hồn thơ mặn nồng”

Dường như cái màu thôn dã của hình ảnh những cô gái quê trong tâm hồn người nghệ sĩ đã tìm thấy chất liệu nghệ thuật của mình: “Lụa”

Bom Mỹ đã ném sập phần giữa ga Hàng Cỏ. Mấy tấm kính nhà tập thể văn nghệ sĩ  số 65 Nguyễn Thái Học đã bị vỡ. Cha tôi vẫn còn lưu luyến bức tranh “Tiên Dung tắm” đang vẽ dở nên không muốn xa Hà Nội chỉ đồng ý sơ tán đến gia đình con gái và con rể ở 28D Điện Biên Phủ có hầm trú ẩn an toàn hơn.

Tiên Dung tắm

Vẻ đẹp huyền thoại của nàng công chúa Tiên Dung trong tranh đã phá bỏ mọi ý thức hệ của giới quý tộc để đến với chàng trai nông dân Chử Đồng Tử, hình như có một cái gì lớn lao quá đã thu hút mạnh mẽ cha tôi.

Dường như giữa cha tôi và bức tranh đang vẽ dở có một cái gì mà chỉ có họa sĩ và người trong tranh mới cảm thông nổi. Tranh “Tiên Dung và Chử Đồng Tử” là một trong những bức tranh thể hiện thành công vẻ đẹp tinh khiết, thuần hậu, trong sáng trong tâm hồn người phụ nữ qua câu chuyện huyền thoại trong lịch sử Việt Nam.

Nhà văn Nguyệt Tú/ Báo Phụ nữ Việt Nam