Ảnh minh họa

Sau câu hỏi con trai, hỏi người đời, người mẹ kể chuyện gì? Chuyện dấu ấn tuổi thơ, ấy là cánh diều còn đó như một chứng tích duy nhất, kỷ vật duy nhất mà trước khi đi chiến trường, con trai mẹ đã làm để chơi với trẻ thơ, với chúng bạn cùng trang lứa ở làng. Ấy là cái dải dây diều còn lại sau khi cánh diều đã bay đi hoặc đã mục nát:

Dây diều con thả bờ đê

Mục trong tay mẹ... Đi về đi con !

Qua lời kể, người ta  hình dung bà mẹ làng quê này đã không biết bao nhiêu lần nâng dải dây diều trong lòng bàn tay già nhăn nhúm. Để rồi một lần, để rồi một ngày bà mẹ thấy đám dây cũng đã mủn nát với thời gian không biết bao năm, không biết. Ôi cái nắm dây diều! Vừa điển hình cho trò chơi con trẻ,vừa thấy tội làm sao. Có còn gì là hình bóng con trai ngoài đám dây diều mà lúc nhớ con, mẹ lại lầm lụi giở ra, rồi cất đi, rồi mai mốt lại giở ra, cất đi. Biết bao nhiều lần như thế trong những năm tháng mong mỏi đứa con trai đứt ruột sinh ra trở về.

Qua lời kể, người ta dễ hình  dung  gia cảnh của mẹ. Hình như không  còn một bóng ai khác nữa  ngoài mẹ già và người con đã ra đi vào tuyến lửa đạn bom. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”- xưa nay chinh chiến mấy ai trở lại, con ra đi  không thể  hẹn ngày về. Vật kỷ niệm duy nhất nhắc nhở tuổi thơ nhắc nhở người con trong “gia tài của mẹ” chỉ còn đám dây diều đang dần đần mục nát với thời gian. Cho đến một ngày nó mục nát, người mẹ kêu lên giục giã  “ Đi về đi con”. Kêu lên trong vô vọng nên người mẹ buộc phải lấy trí tưởng tượng của mình hư cấu một câu chuyện gần như cổ tích giữa đời thực: Con về !              

Lỡ mai sức mẹ chẳng còn

Con về ai đón nắng giòn ai che

Con à ngõ vẫn ngõ quê

Vẫn đụn rơm vẫn bụi tre thủa nào

Người ta đến cất nhà cao

Sợ đêm con lạc lối vào lại thôi

Hóa ra linh cảm của người mẹ là con trai không bao giờ trở về nữa. Bởi một lẽ giản đơn, nếu con về thì con đã về rồi, đất nước đã hết chiến tranh. Con có thể không trở về nhưng linh hồn người lính thì nhất định không thể không về được! Nào ai biết được khi cảnh quan thay đổi, linh hồn con biết có còn nhớ lối vào nhà mẹ hay không. Đâu đâu làng xóm cũng nhuốm mầu đô thị hóa, xây nhà cao tầng. Mối lo của người mẹ quê nghèo tần tảo có con đi trận không về là thiết thực lắm: “Sợ đêm con lac lối vào lại thôi”. Mặc dù mẹ biết  chứ, xung quanh mái tranh nghèo của mẹ vẫn nguyên đấy cảnh xưa cũ như cuộc đời mẹ:         

Vẫn cầu ao, dãy mồng tơi

Vẫn nền hiên đất nắng soi mái buồn

Cái bất biến của cảnh trí, của lòng người xui khiến mẹ lại hy vọng con chưa hy sinh, con chưa trở về thôi. Nên:   

Đêm đêm mẹ chẳng cài then

Con về chẳng phải đợi hiên gió lùa

Ngày ngày làm lụng, ngày ngày có kẻ qua người lại, người mẹ có thể phần nào nguôi quên . Nhưng  đêm đêm người mẹ lại như thực tưởng, mở ngỏ cửa để con có về không phải đợi lâu ngoài hiên gió lạnh . Lời thơ kết mới buồn làm sao:

Mẹ chờ con cả giấc mơ

Con về thắp nén nhang thờ mẹ hay

Người viết quả thật không hiểu đây là giấc mơ tuổi già gần đất xa trời của người mẹ ngóng trông con trai đi trận trở về hay chính linh hồn người lính ấy đã trở về trong giấc mơ của mẹ. Chao ôi công dưỡng dục sinh thành, người lính vì thù nhà nợ nước ra đi trả nợ núi sông nên chưa có dịp nào báo đáp “ân trả nghĩa đền” cho “nghĩa  mẹ  như nước trong nguồn chảy ra”.

Cũng đã lâu người viết đôi lời giới thiệu bài thơ “Lời của Mẹ” của tác giả gần như xa lạ - Nguyễn Cảnh Bình, mới đọc được một bài thơ giàu cảm xúc, giản dị mà sâu lắng hồn người viết về chiến tranh đã ngưng tiếng đạn bom bốn mươi năm. Chiến tranh lùi xa, mà đời đã sang trang nhiều thăng trầm dâu bể. Bài thơ giản dị đến mức không cần có lời nào tô vẽ thêm về cái vỏ hình thức bên ngoài .

Có lẽ còn lại như một ám ảnh người đọc là nắm dây diều mục nát trong bàn tay mẹ già nua ngồi bậu cửa  ngóng đợi đứa con ra trận mãi mãi không về . Đây mới thực bức tượng đài thuần Việt của một thời đâu dễ quên, không thể nào quên.

Theo VOV5