Ảnh: internet

Có thể thấy, “Mừng tuổi mẹ” là cả một quá trình tích luỹ cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ về người mẹ thân yêu của tác giả. Đã có nhiều nhạc sĩ trong và ngoài nước viết về người mẹ thành công. Đó là một đề tài chứa đựng nguồn cảm xúc vô tận. Riêng đối với Trần Long Ẩn, tác giả chọn cách thể hiện khác về người mẹ, gần như là nghịch lý nhưng đó là một sự thật hiển nhiên, mọi người đều thấy rõ. Nhạc sĩ quan niệm, cứ mỗi lần Tết đến, mọi người Việt Nam đều mừng tuổi cha mẹ của mình. Nhưng anh không thể mừng tuổi mẹ được, vì cứ mỗi một năm, một mùa xuân sang rồi những năm tháng tiếp theo, sự chia xa giữa người mẹ với tác giả ngày một nhiều hơn. Vì thế, trước sự thật không theo ý muốn của con người như vậy, nhạc sĩ cũng phải dựa vào niềm tin như một huyền thoại: Luôn luôn tin tưởng mẹ của mình còn trẻ trung như khi anh còn thơ bé: “Tôi vẫn phải tin, mẹ tôi còn trẻ…”.

Bài hát ra đời cách đây hàng chục năm, với giai điệu sâu lắng, với lời ca mộc mạc, chân chất như một người mẹ quê: “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng…”, đã gieo vào lòng người nghe nỗi thương cảm, xúc động đến rơi nước mắt, nhưng đây là những giọt nước mắt thấm đậm tình mẫu tử chứ không bi luỵ… Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nhận được nhiều thư của thính giả gửi về cảm ơn tác giả đã nhắc nhở họ có ý thức hơn về trách nhiệm với cha mẹ mình…

Có thể nói, “Mừng tuổi mẹ” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn chính là sự biểu hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, nhớ về cội nguồn, nhớ về những đấng sinh thành. Bài hát không chỉ có ý nghĩa đối với những người đang sống mà cả đối với những người đã khuất. Hơn thế nữa, còn để mọi người hôm nay có dịp soi rọi mình sống có ý nghĩa, có tình với nhau, với cha mẹ, xứng đáng với truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Theo Khoa Thanh/ Phụ nữ Việt Nam