Ảnh minh họa
Bài hát mang tên “Đất nước lời ru” không chỉ là một khúc ru con thuần túy, bởi nhạc sĩ Văn Thành Nho đã có tư duy khá sâu sắc: Nói đến ru, tức là nói đến mẹ và con, đến tình mẫu tử. Người mẹ trong bài này được tác giả nâng lên một tầm cao: Đó là biểu tượng của đất nước, Tổ Quốc. Mẹ gắn với Tổ Quốc, âu đó cũng là một logic tình cảm dễ hiểu. Mỗi người dân Việt Nam không thể thoát ly đất mẹ của mình, như những đứa con không thể thiếu mẹ. Đất nước là cội nguồn, là máu thịt, là những gì thiêng liêng nhất đối với mỗi người con Việt Nam. Phải hiểu sâu sắc điều đó của tác giả mới có thể cảm nhận, thẩm thấu được hết giá trị của “Đất nước lời ru”. Chính vì vậy mà tác giả viết những lời thật gan ruột, thấm thía:
“Mẹ Âu Cơ từ xa xưa đi khai thiên lập địa. Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển cả. Để đất nước mấy rực rỡ. Một gấm vóc mãi rạng rỡ. Qua bao gian lao Việt Nam ta...”. Ở lời 2, cảm hứng về hiện thực và tầm vóc của đất nước đã được tác giả đề cập ở mức độ cao hơn: “Lửa đã cháy ở phía trước. Lửa sáng mãi tình đất nước. Nên bao năm cha hành quân xa. Nay thêm bao con cùng đi xa. Một màu xanh như áo cha. Để mẹ lại ru trong bao la”. Chỉ qua mấy câu ngắn gọn của ca từ, tác giả đã khái quát được lịch sử đất nước dân tộc.
“Đất nước lời ru” là một ca khúc nghệ thuật được viết với sự chắt lọc của cảm xúc và sự tiết chế cao nhất về 2 phương diện: Xử lý chất liệu âm nhạc và kết cấu, bố cục. Ca khúc được viết ở thể 2 đoạn rất cân đối, gọn ghẽ và khúc chiết. Sự ngắn gọn, phát triển chủ đề âm nhạc hợp lý đã khiến bài hát cô đọng, hàm súc, lưu lại ấn tượng cho người nghe ngay từ lần đầu tiên vang lên.
Chất liệu ca trù (ả đào) được Văn Thành Nho khai thác khá tinh tế. Đây là một làn điệu dân ca sang trọng, rất độc đáo với cấu tạo quãng 3 thật đặc biệt, mang tính đặc trưng. Đó không phải quãng 3 trưởng, cũng không phải quãng 3 thứ, nó có dấu thấp hơn thăng, cao hơn bình (không phải là 1/2 cung). Vậy nên để diễn tả được sự tinh tế khá cầu kỳ đó, nhạc sĩ đã phải tìm đến một cách ghi riêng ở nốt nhạc ứng với tiếng mẹ ngay mở đầu bài: “Ru con mẹ ru...”.
Làn điệu ca trù vốn dĩ rất phù hợp với việc diễn tả, biểu hiện 2 trạng thái tình cảm đặc biệt: Đó là sâu lắng tột cùng và mãnh liệt, cháy bỏng. Những tình cảm nhẹ nhàng, man mác không phù hợp với làn điệu này. Vậy nên việc Văn Thành Nho tìm đến ca trù để nói về đất nước, Tổ Quốc là một ý đồ thông minh, dễ có cơ hội thành công. Ta thấy tác giả đã khai thác chất liệu ca trù triệt để, tuy gần về cuối có cho giai điệu phát triển đi xa hơn, nhưng vẫn rất nhất quán khiến người nghe hoàn toàn chấp nhận (“Qua bao gian lao Việt Nam ta. Ôi bao yêu thương Việt Nam ta..”).
Nhạc sĩ Văn Thành Nho cho biết, để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Quân đội Nhân dân (22/12/1984), năm 1983, ông nảy ý định viết một bài hát nói về Tổ Quốc, đất nước. Lúc đó đã có nhiều bài hát đặc sắc về đề tài này. Vậy phải viết thế nào đây để tác phẩm đứng được, nhất là khi ấy, ông chưa có tác phẩm nào được công chúng biết đến và mới chỉ là một sinh viên đang học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Nghĩ đến việc khai thác chất liệu ca trù, quả là Văn Thành Nho đã rất tự tin, bởi xử lý làn điệu này không dễ. Trước đó, ông cũng đã viết một vài bài từ việc khai thác chất liệu này nhưng chưa thành công. Nhạc sĩ chia sẻ, mỗi khi viết xong một bài có hơi hướng ca trù, ông đều đến hát cho bà Quách Thị Hồ (nghệ nhân hát ả đào nổi tiếng nhất khi đó) nghe. Những bài trước đều bị bà Hồ lắc đầu, nói là chưa ra chất ả đào. Đến “Đất nước lời ru”, bà nhận xét: “Bài này được đấy, nghe tự nhiên, có phát triển chút ít nhưng vẫn giữ được đúng phong cách ca trù”. Nghe xong, Văn Thành Nho mới yên tâm ra về, quyết định đến Đài TNVN giới thiệu tác phẩm. Rất may, người đầu tiên hát bài này trên làn sóng Đài TNVN là Thanh Hoa - một giọng hát ngọt ngào, rất phù hợp với việc thể hiện những ca khúc dòng dân gian. |
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San (Báo TNVN)