Bà Trần Thị Kim Thia dành phần lớn cuộc đời của mình mưu sinh bằng nghề bán vé số. Ảnh: Tư liệu
Bà Sáu Thia tên thật là Trần Thị Kim Thia (63 tuổi), sinh ra và lớn lên ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nhà nghèo, ba mẹ mất sớm, năm 34 tuổi, bà đến xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp sinh sống cho đến nay.
Không lấy chồng, không sinh con, bà Sáu Thia chỉ có một thân một mình, không ai nương tựa. Ngày trẻ, bà kiếm sống bằng nghề bán vé số, thỉnh thoảng đi làm sạch hạt điều cho người ta. Nếu bán được 200 vé, mỗi ngày bà có 200 nghìn đồng. Mỗi cân hạt điều được làm sạch, bà có thêm 400 đồng.
Những năm 80-90, bà được vận động tham gia công tác ở chi hội phụ nữ, rồi chuyển sang tham gia Hội Chữ thập đỏ, cộng tác viên kế hoạch hoá dân số. Đến năm 2002, UBND xã Hưng Thạnh triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em. Bà được vận động làm “huấn luyện viên”.
Nhiệm vụ mới mẻ khiến bà mất ăn mất ngủ. Năm đầu tiên, bà lập được 2 nhóm lớp, mỗi lớp 7 trẻ. Năm thứ 2, thứ 3, số trẻ tăng dần, rồi đến những năm gần đây là 50-60 trẻ/lớp. Có những đứa trẻ đi học ở đâu đó cả năm không biết bơi, nhưng vào tay bà Sáu, chỉ vài ngày là bơi thoăn thoắt. Bà Sáu ngày càng được phụ huynh yêu mến và tin tưởng, giao con cho dạy.
Năm 2020, bà bị tụt huyết áp, nhờ có bà con chòm xóm đưa đi cấp cứu kịp thời, bà mới còn sống đến bây giờ. Thế nên, hơn 1 năm nay, nghe mọi người khuyên nhủ, bà không đi bán vé số nữa. Bây giờ, công việc chính của bà Sáu là ở nhà chuyên tâm dạy bơi cho trẻ con mỗi ngày 2-3 ca ở cái tuổi 63.
Không có bể bơi, bà đóng cọc, quây lưới ở mé sông làm nơi dạy trẻ học bơi. Ảnh: Đài Truyền hình Cần Thơ
19 năm dạy bơi miễn phí, tính đến nay, bà đã dạy được cho gần 4.000 trẻ em vùng sông nước Đồng Tháp Mười biết bơi.
Bà Sáu nói: “Ngày xưa, tôi vừa đi bán vé số vừa dạy bơi. Nhiều người nói sao ngu vậy, không đi bán vé số kiếm tiền, đi dạy bơi làm chi, đâu có tiền đâu. Nhưng tôi xem tivi, thấy trẻ con chết đuối nhiều quá, tội nghiệp. Nơi tôi ở bước ra cửa nhà là thấy sông nước. Tôi muốn dạy tụi nhỏ biết bơi để không phải chết đuối. Có vậy thôi!”.
Rồi nhiều năm sau, khi bà Sáu được chính quyền ghi nhận, báo đài về quay phim, chụp ảnh, người ta mới bớt nghĩ rằng bà đang làm cái việc “điên điên khùng khùng”.
“Bây giờ, bà con ủng hộ và động viên tôi lắm. Nhiều người thấy con biết bơi, đến nhà cảm ơn rối rít. Tôi mừng lắm”.
Bà Sáu kể, ngày xưa làm gì có bể bơi như bây giờ. Bà tự đóng cọc, quây lưới ở mé sông làm thành hồ bơi. Bốn năm nay bà được chính quyền xây cho bể hơn 70m2 để dạy bơi cho đám trẻ nhưng cũng chỉ là hồ tạm, chưa kiên cố. Thỉnh thoảng bà vẫn dạy bơi ở dưới sông để bọn trẻ đỡ phải đi xa.
Bây giờ, đang kỳ nghỉ hè, bà Sáu “chạy sô” dạy bơi cả sáng, chiều. Mỗi sáng, bà dậy lúc 4 giờ, nấu cơm ăn xong, 7 giờ bà chạy xe máy đi dạy bơi cho bọn trẻ. Đến 2 giờ chiều, bà lại bắt đầu một ca mới.
Rảnh rỗi, em nào không có bố mẹ đưa đón, bà còn chở về tận nhà. Thỉnh thoảng bà lại nấu cơm cho ăn, coi chúng như con cháu, không so đo tính toán thiệt hơn.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thay vì dạy 40-50 đứa một lớp, bây giờ mỗi lớp của bà chỉ có 10 trẻ, tuổi từ 6 đến 15.
Sau những đóng góp thầm lặng mà to lớn của bà, năm 2017, bà được hãng tin BBC của Anh bình chọn vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới.
Năm 2018, bà Sáu Thia được trao giải thưởng KOVA ở hạng mục Sống đẹp. Năm 2020, bà nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.
Bà Sáu Thia được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong ‘20 phụ nữ truyền cảm hứng’ năm 2021. Ảnh: Forbes Việt Nam
Năm nay, tạp chí Forbes Việt Nam chọn bà là 1 trong 20 Phụ nữ truyền cảm hứng của năm 2021. Nói về tiêu chí chọn lựa, tạp chí này cho biết, đây là lần đầu tiên, Forbes Việt Nam tôn vinh phụ nữ ở mọi lứa tuổi có những hoạt động tiên phong, bứt phá, vượt qua những giới hạn, nghịch cảnh để tạo ra tác động tích cực, xoá đi những bức tường dù hữu hình hay vô hình lâu nay vẫn cản trở sự phát triển của phụ nữ.
Nếu so sánh với 19 gương mặt khác trong danh sách này, bà Sáu Thia quả thực có quá nhiều khác biệt. Không quyền lực, không địa vị xã hội hay học vấn cao, song những đóng góp của bà vô cùng có ý nghĩa với cộng đồng, đặc biệt là hàng nghìn đứa trẻ đã được “xoá mù bơi” nhờ có bà.
Năm nay 63 tuổi, hỏi bà còn dạy bơi được đến khi nào, bà nói: “Chừng nào bánh xe không còn lăn được nữa thì tôi dừng”.
Vài năm gần đây, sức khoẻ yếu đi, bà đã nghĩ đến việc tìm người tiếp tục công việc của mình. Nhưng bà con nói rằng: “Chẳng có ai làm được như bà Sáu đâu”, vì dạy không lương thì ai người ta làm.
Khi được hỏi bà lấy tiền đâu để sống, bà Sáu nói: “Tôi không nhận tiền của bất cứ phụ huynh nào, kể cả là những gia đình có điều kiện trả cho tôi 100-200 ngàn đồng. Vì nếu nhận như thế, ba mẹ những đứa trẻ nghèo sẽ không dám đưa con đến học nữa. Nếu họ cho tôi cân gạo, mớ rau, con cá thì tôi xin. Hàng tháng, hội phụ nữ xã cũng cho tôi gạo, ăn không hết. Thỉnh thoảng, Uỷ ban hỗ trợ tôi vài ba trăm ngàn”. Chỉ có thế thôi mà bà sống được dù đã không còn đi bán vé số nữa.
Thậm chí, bà Sáu kể, bà còn có tiền tặng quà cho những đứa trẻ khó khăn đến học bơi. “Chiều qua nhận 6 triệu đồng tiền thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, tôi đi mua 25 suất quà cho đám trẻ mất hơn 2 triệu đồng. Tôi nghèo nhiều chứ nghèo gì bấy nhiêu con ơi!” - bà Sáu cười giòn chia sẻ.
Theo vietnamnet