leftcenterrightdel
 Chị Lê Thị Huệ (Ảnh nhân vật cung cấp).

Học được nhiều cái mới nhờ Helvetas

Chị Lê Thị Huệ bồi hồi kể chuyện HTX từ lúc thành lập (năm 2018) gặp nhiều khó khăn, đến giờ chị đã xác định chuyên cây chanh dây và một số cây thế mạnh địa phương như cà phê, cây cho khách trải nghiệm như dâu tây. HTX đã làm chủ kỹ thuật chanh dây, thị trường cũng lớn, bao nhiêu cũng tiêu thụ được nhưng giá cả phụ thuộc một khách hàng. Từ lúc Helvetas thực hiện dự án VFBC, HTX được hỗ trợ vườn luyện cây để chủ động giống.

Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Helvetas Việt Nam tham gia thực hiện Tiểu hợp phần 6 thuộc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng với mục tiêu tới năm 2026 có 40 cộng đồng được liên kết sản xuất, 9 cộng đồng được gắn kết du lịch sinh thái và gần 8.000 người dân sống phụ thuộc vào rừng được cải thiện sinh kế, giảm thiểu áp lực lên nguồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học

“Vừa rồi tôi còn được dự án cung cấp được giống để mở rộng hỗ trợ cho bà con phụ thuộc vào rừng ở tỉnh Quảng Bình đấy, mừng lắm. Quảng Bình cũng là quê tôi luôn. Tôi được học được nhiều cái mới", chị khoe.

Không những thế, chị Huệ còn đưa các sản phẩm trong HTX tham gia hội chợ quốc tế. Chị chia sẻ: “Lần đầu tôi được biết có hội chợ quốc tế. Tôi được dự án hướng dẫn tiếp xúc khách hàng bán buôn, xuất khẩu châu Âu, châu Á. Sau hội chợ về đến nhà là có công ty gọi tôi ngay rồi! Họ tìm hiểu để nhập hàng của tôi. ‘Chú Phong’ (cách chị thân thương gọi 1 chuyên gia chuỗi của Helvetas) hướng dẫn kết nối tôi đăng ký sàn thương mại điện tử. Từ giờ thấy tự tin lắm, không phụ thuộc giá cả nữa".

Chị Huệ say sưa giới thiệu ưu thế của cây chanh dây, hiếm có cây nào vài tháng bắt đầu cho quả, 10 ngày thu một đợt. Tính cả Tân Hợp và Hướng Phùng đã có 150 hộ với 70 ha trồng chanh dây. Hợp tác xã được trang bị thiết bị múc chanh dây, đóng gói, làm lạnh, xuất khẩu. Vỏ quả được chế biến thành món mứt đượm vị, ai được thử cũng muốn mua về làm quà để giới thiệu bạn bè người nhà một món ăn vặt mới lạ ngon miệng.

leftcenterrightdel
Vườn chanh leo của HTX Tân Hợp đang ra trái. 

Phát triển du lịch cộng đồng cho người dân

Giờ đã tạm yên tâm với sinh kế và thị trường ổn định cho bà con chị bắt đầu tập trung mảng du lịch cộng đồng. Hôm nay Dự án kết hợp đối tác Ken Travel đưa đoàn FAMTRIP gồm gần 50 đại diện các công ty lữ hành và hiệp hội đến với chị.

Chị Huệ chia sẻ các hoạt động dự kiến để tạo điểm nghỉ hấp dẫn rất mong các công ty đưa vào tour tuyến. Nhiều ý kiến đóng góp chân thành của giám đốc, phó giám đốc, điều hành các công ty từ Đà Nẵng, Quảng Bình, Huế, Quảng Trị đã được ghi chép cẩn thận để thực hiện. Ngay sau chuyến FAMTRIP dự án đã chắp nối được một công ty lữ hành sẽ đồng hành hỗ trợ kỹ thuật để chị phát triển sản phẩm và marketing ra thị trường.

leftcenterrightdel
Chị Huệ đang thuyết trình giới thiệu về HTX của mình trong FAMTRIP ngày 19/11/2022. 

Tại bữa cơm cuối cùng của đoàn tại thị trấn Khe Sanh, chị Huệ trong bộ áo dài lại hóa thân là cô giáo dịu dàng đến tiễn đoàn. Mắt lấp lánh “chị vừa dự ngày 20/11 huyện tổ chức”. Chị luôn bận rộn và “biến hoá”, lúc là bà giáo làng, lúc là doanh nhân, lúc là bà nông dân thực thụ.

Chúng tôi ra về không quên chúc cô giáo - doanh nhân dung dị thật nhiều sức khỏe và giữ nguyên nhiệt huyết để cùng cộng đồng đang sống phụ thuộc vào rừng khu vực Hướng Hoá tham gia thị trường hàng hoá, tham gia du lịch để giảm tác động vào rừng và làm giàu.

Trong 2 ngày 18 và 19/11/2022, cộng đồng các điểm du lịch xã Hướng Phùng, xã Tân Hợp và huyện Hướng Hóa được đón những vị khách đặc biệt. 50 đại biểu đến từ Hội du lịch cộng đồng Việt Nam, Hội lữ hành và các doanh nghiệp du lịch của 4 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã tham gia chuyến FAMTRIP Du lịch cộng đồng Chênh Vênh – Hướng Hóa 2022, góp phần phát triển chuỗi du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các tỉnh miền Trung.

Đây là một hoạt động thuộc Tiểu hợp phần 6 của Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC) do USAID tài trợ, Helvetas Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần TM và DV Ken Group (Ken Travel) thực hiện nhằm cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm của rừng đặc dụng và phòng hộ tại tỉnh Quảng Trị để giảm áp lực vào rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

leftcenterrightdel
Các đại biểu chụp ảnh cùng với bà con điểm du lịch cộng đồng Chênh Vênh, xã Hướng Phùng. 

Trong chuyến FAMTRIP lần này, ngoài việc giới thiệu tới các công ty lữ hành một điểm đến mới tại vùng khí hậu “tiểu Đà Lạt” của tỉnh Quảng Trị, Helvetas và Ken Travel sẽ tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp và Hiệp hội Du lịch để hoàn thiện sản phẩm du lịch tại Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) và Vườn hoa Tà Cơn (Hợp tác xã Tân Hợp), góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch cộng đồng, đáp ứng nhu cầu nhu cầu nghỉ ngơi, tìm hiểu thiên nhiên, đa dạng sinh học của du khách trong bối cảnh thay đổi hậu COVID-19.

Đây cũng là dịp quảng bá du lịch Chênh Vênh, Vườn hoa Tà Cơn nói riêng và cho huyện Hướng Hóa nói chung, bởi nơi đây vốn là địa danh lịch sử nổi tiếng với sân bay Tà Cơn, gắn liền với chiến thắng Khe Sanh. Các doanh nghiệp lữ hành tham dự sẽ thu thập thông tin để xây dựng và kết nối tour tuyến mới. Sau chuyến FAMTRIP này, các doanh nghiệp sẽ lên kế hoạch khai thác sản phẩm tour mới, đưa vào các điểm đến Chênh Vênh, Tà Cơn, Hướng Hoá từ mùa du lịch 2023-2024.

Theo thoidai