Bà Lê Thị Thu Nguyệt sinh năm 1944, nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa với bí danh Mỹ Linh, hay biệt danh “Con chim sắt”, là con gái gốc Sài Gòn, sinh ra tại Tân Định, quận 1. Cha là Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương, bị lộ nên năm 1954 tập kết ra Bắc. Mẹ từng là hội viên Hội Phụ nữ cứu quốc, bệnh nặng không có thuốc chữa đã qua đời khi Nguyệt mới vài tuổi.

Trước khi ra Bắc tập kết, cô bé được cha gửi vào nhà người em ruột là chú Năm Lý ở Sài Gòn. Cha dặn cô ở nhà chịu khó học tập, 2 năm nữa cha sẽ về. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, lại được sống trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Sài Gòn, Thu Nguyệt sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm.

"Chim sắt" Thu Nguyệt (người đầu tiên từ trái qua) tại sân bay Lộc Ninh, 1974.

 

Năm 14 tuổi, Nguyệt tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ giao liên, đưa người vào chiến khu, mang tài liệu công văn, vận chuyển vũ khí vào nội thành… Khi ấy Nguyệt tham gia đánh giặc ban đầu đơn giản chỉ là căm thù quân xâm lược đã khiến gia đình mình ly tán, mẹ không có thuốc chữa bệnh. Qua năm tháng hoạt động, cô đã hiểu và yêu lý tưởng của mình.

15 tuổi, khi đang còn mặc đồng phục học sinh, cô đã là chiến sĩ biệt động. Càng lớn, Nguyệt càng xinh tươi, nhanh nhẹn. Hai vợ chồng chú Năm tâm niệm sẽ cho cháu gái mình học hành đến nơi đến chốn, cả văn hóa, cả ngoại ngữ và nữ công gia chánh, với mong muốn khi anh trai từ miền Bắc trở về sẽ được nhận một cô con gái đức hạnh vẹn toàn. Nhưng một lòng của cô gái đã hướng theo con đường chiến đấu để giải phóng đất nước như cha cô đã lựa chọn.

Thân hình nhỏ bé nhưng mưu trí, gan dạ phi thường. Cô gái ấy khi lội ruộng thì sợ rắn, sợ đỉa nhưng lúc bị địch bắt treo lủng lẳng trên cao mà bên dưới là chó béc-giê hung hãn vẫn không hé nửa lời. Cũng chính vì vậy mà biệt danh “chim sắt” đã gắn với Thu Nguyệt suốt cuộc kháng chiến.

Là thành viên đội biệt động 159, Thu Nguyệt cùng bao đồng đội ngày đêm trăn trở nhằm thực hiện những trận đánh gây hoang mang, bất ngờ cho địch. Trong sự nghiệp chiến đấu của mình Thu Nguyệt, dù còn trẻ tuổi nhưng đã có nhiều đóng góp phi thường. Từ việc vận chuyển thành công vũ khí, thuốc độc giết 4 tên lính Mỹ, đến việc đưa lựu đạn vào nội thành phá hủy cuộc triển lãm và máy bay trực thăng.

Đó là trận đánh trước tòa Đô chánh Sài Gòn. Tháng 10/1962, chính quyền Sài Gòn tổ chức trưng bày “chiến lợi phẩm” thu được của ta như súng ngựa trời, lựu đạn, chông tre… nhằm mục đích cho công chúng nhìn thấy sức mạnh ưu việt của chính quyền Mỹ và tay sai so với tiềm lực nghèo nàn của cách mạng.

Trong men say chiến thắng, địch không hay rằng đội biệt động 159 đang chuẩn bị trận đánh vỗ mặt vào lòng kiêu hãnh sức mạnh vật chất của Mỹ. Điều quan trọng là làm thế nào đưa được chất nổ vào nội thành, nơi dày đặc mật vụ, hàng rào phòng thủ của chính quyền Sài Gòn. Nhiệm vụ đặc biệt này được giao cho Thu Nguyệt.

Gia đình bà Thu Nguyệt.

 

Trong bộ quần áo dài trắng về thăm quê lên Sài Gòn học, Nguyệt mang theo hai chậu kiểng được ngụy trang, dưới lớp đất là những quả lựu đạn. Tim chị cơ hồ nhảy ra khỏi lồng ngực khi tên lính xét giấy tờ, đòi đập vỡ hai chậu kiểng xem có chất nổ không. Quá bất ngờ, Thu Nguyệt òa lên khóc, nói rằng ông bà ngoại sẽ đánh chết cô nếu đem 2 chậu kiểng về nhà không còn nguyên vẹn. Vẻ đẹp tinh khiết và nước mắt cô nữ sinh làm mềm lòng tên lính. Anh ta khoác tay ra hiệu đồng bọn bỏ đi.

Nhờ “hai chậu kiểng” còn nguyên mà sáng ngày 26/10/1962, với chiếc khăn mùi - soa trắng mỏng manh trong bàn tay bé nhỏ của Thu Nguyệt, quả lựu đạn đã phá hỏng 1 trực thăng HU1A, làm 3 tên chết, 2 tên bị thương và quan trọng hơn là phá vỡ được cuộc triển lãm của địch dự định trong 7 ngày, làm thất bại âm mưu chính trị của chính quyền Sài Gòn trong thời kỳ đầu thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.

Có một chiến công mà đến bây giờ “chim sắt” vẫn không bao giờ quên, đó là vụ đánh bom tại sân bay Honolulu khiến nhiều cố vấn Mỹ phải khiếp vía.

Để thực hiện được trận đánh quan trọng này, đội biệt động 159 trước đó đã tiến hành gài người vào làm nhân viên điều khiển không lưu ở sân bay, mang bí số 8E, tức Mười Luân; đồng thời đưa Thu Nguyệt đóng vai người yêu của Mười Luân ra vào sân bay để nghiên cứu mục tiêu. Với vai “bồ nhí” này, Thu Nguyệt đã phải chịu nhiều tai tiếng với gia đình, họ hàng và cả việc bị vợ Mười Luân đánh ghen giữa phố.

Để kế hoạch đưa mìn vào sân bay hoàn hảo, cô giả mang bầu với Mười Luân. Người chú thấy vậy đau khổ khuyên: “Cha đã gửi con cho chú nuôi, mong con học hành cẩn thận, nếu con muốn lấy chồng thì về bảo chú, gả cho người ta đàng hàng đừng để ảnh hưởng đến danh dự gia đình”. Cô gái khi ấy chỉ khóc mà đáp: "Rồi có ngày con sẽ nói cho chú hiểu, con không bao giờ dám làm điều gì có lỗi với gia đình, với ba con và chú thím".

Ngày 25/3/1963, nắm được lịch trình hôm đó có 80 viên cố vấn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất bay đi San Francisco trên chiếc Boeing 707. Trong vai người yêu, Thu Nguyệt cũng đến phòng đợi từ giã Mười Luân đi công tác và đánh tráo một chiếc valy của tên cố vấn Mỹ để thay vào đó là chiếc valy khác có gói thuốc nổ C4. Vượt qua những phút cực kỳ căng thẳng tại các trạm kiểm soát, công việc đã được hoàn tất, khối thuốc nổ cực mạnh có đồng hồ hẹn giờ đã nằm gọn trên chiếc Boeing 707. Theo kế hoạch, quả mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút. Nhưng một điều mà “chim sắt” chưa tính đến là khi máy bay lên cao, áp suất giảm nên đồng hồ chạy chậm lại. Đến khi chiết Boeing 707 quá cảnh sân bay Honolulu được 2 phút mìn mới phát nổ. Toàn bộ máy bay bị phá hỏng. Thoát chết trong gang tấc, bọn cố vấn Mỹ vô cùng kinh hoàng. Trận đánh đã gây tiếng vang lớn đối với chính phủ Mỹ và ngụy quyền.

Buổi sáng hôm ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về trận đánh này, trong đó có lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch. Quả mìn ấy tuy không nổ đúng giờ nhưng có sức công phá lớn hơn vào dư luận, gây chấn động cho nước Mỹ ngay phía bên kia bờ Thái Bình Dương: “Không chỉ Việt cộng đánh chúng ta trong thành phố, mà ngay cả bên Mỹ”.

Trận đánh không giết được bọn sĩ quan và binh lính Mỹ, nhưng đã thể hiện sự thông minh, tài trí của lực lượng biệt động Sài Gòn. Đồng chí Phạm Văn Lung được tặng thẳng Huân chương Chiến công hạng Nhì, còn Lê Thị Thu Nguyệt được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Năm 1963, trong khi chuẩn bị đi báo cáo thành tích tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua thì Thu Nguyệt bị bắt. 19 tuổi, đeo trên mình bản án 20 năm khổ sai không làm cô lung lay tinh thần. Trải qua 11 năm bị địch tra tấn đủ mọi hình thức trong các nhà tù khét tiếng, từ nhà tù Sài Gòn, Chí Hòa đến địa ngục trần gian Côn Đảo... nhưng cô vẫn yêu đời, tin vào cuộc sống và tổ chức nhiều cuộc biểu tình, phản đối địch ngay trong chốn lao tù.

Khi đất nước thống nhất, bà Nguyệt gặp lại cha. Rồi bà lập gia đình với người chồng hơn 17 tuổi và có 2 con trai học giỏi, thành đạt, là niềm vui, niềm tự hào nhất của “chim sắt” ngày nào.

Phụ nữ Việt Nam