Sinh ra ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, khi bước vào độ tuổi trăng tròn, Nguyễn Thị Mai đã xung phong làm giao liên cho huyện đội.
Năm 1964, để xây dựng lực lượng ngày một lớn mạnh, lãnh đạo Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã cử người về các địa phương để tuyển người. Thời điểm này, đơn vị biệt động 90C đã cử người về huyện Đại Lộc để tuyển quân. Tại đây, khi mới 21 tuổi, Nguyễn Thị Mai đã được gia nhập vào đội biệt động 90C.
Khi Mai về nhà tạm biệt má để lên đường vào Sài Gòn làm cách mạng, điều dặn dò của má luôn văng vẳng bên tai cô gái trẻ: “Đi làm cách mạng, nếu có bị lộ, bị địch bắt thì dù có đau đớn cỡ nào cũng phải chịu đựng, không được phản lại tổ chức, phản lại đồng đội nghe con”.
|
Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai |
Sau khi vào đến nơi an toàn, nữ giao liên Nguyễn Thị Mai được huấn luyện tại Bình Thới, sau đó, Mai nhận công tác tại Đơn vị biệt động 90C với nhiệm vụ liên lạc, vận chuyển vũ khí, tài liệu từ căn cứ vào Sài Gòn. Ngay khi được giao nhiệm vụ, Mai lập tức bắt tay vào công việc xây dựng cơ sở bí mật và liên lạc với nhiều cơ sở hoạt động cách mạng ở Củ Chi, Hóc Môn, Đức Hòa...
Một ngày đầu năm 1965, bà Mai đang vận chuyển 30 kíp nổ cùng tập truyền đơn từ Củ Chi vào nội thành Sài Gòn thì bị bắt. Bà bị dẫn về bốt Hàng Keo - bốt khét tiếng với những tên “đồ tể” nhà nghề cùng hình thức tra tấn man rợ. Ở nơi địa ngục trần gian này, bà đã trải qua hầu hết các loại cực hình tàn khốc nhất mà chính quyền Sài Gòn không từ mọi thủ đoạn tra khảo để moi thông tin.
Trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, bà Mai nhớ lời dặn của má trước lúc ra đi: “Con có bị bắt thì dù bất cứ giá nào cũng không được khai. Lỡ con có chết thì má rất buồn nhưng không đau bằng con phản bội tổ chức, phản bội đồng đội của mình. Con đừng làm gì nhục nhã cho gia đình và dòng họ nghe con!”. Bà đã không khai một lời để giữ tròn khí tiết.
Trước một nữ chiến sĩ gan góc, kiên trung, bọn ác ôn phải cúi đầu chào thua với cái “án mù”. Mai được đưa vào Bệnh viện Chợ Quán. Vị bác sĩ khám chỉ biết lắc đầu tặc lưỡi: "Các ông tra tấn thế này thì chúng tôi không có khả năng chữa trị". Rồi họ đưa cô qua Bệnh viện Nguyễn Thái Học (nay là Bệnh viện Nhân Dân Gia Định). Vài ngày sau, thấy bớt đau, Mai tháo còng trốn viện, men theo đường rừng trở về căn cứ.
Trở về từ cõi chết, với những vết thương trên cơ thể và chứng co giật thần kinh luôn hành hạ vì những màn tra tấn bỉ ổi của kẻ địch, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai tưởng rằng hạnh phúc đã khép lại bởi chỉ phép màu mới giúp bà có khả năng làm mẹ. Thế nhưng, một chiến sĩ biệt động cùng đơn vị với bà có tên Mười Kiều (Huỳnh Kiều) vì khâm phục nữ đồng đội trung hậu, bất khuất đã nảy nở tình yêu. Ông ngỏ lời yêu và chờ ngày cưới.
|
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai và ông Mười Kiều |
Thế nhưng, tai họa lại tiếp tục giáng xuống nữ giao liên Nguyễn Thị Mai. Trong một lần đi làm nhiệm vụ giao liên vào thành, bà bị địch bắt trở lại đưa về Biệt khu Thủ đô. Tại đây nữ biệt động tiếp tục hứng chịu những đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Đối với ông Mười Kiều, những ngày đó trôi qua rất nặng nề, ảm đạm.
Khoảng 3 tháng sau, bà trở về với chi chít vết thương trên người. Tình yêu mà ông Mười Kiều dành cho bà càng đằm thắm hơn khi bà vừa trải qua những ngày thập tử nhất sinh. Những đòn tra tấn của địch được bà tâm sự với ông khiến ông càng thêm đồng cảm, chia sẻ và yêu thương bà gấp bội.
Cuối cùng, ngày hạnh phúc mỉm cười với nữ biệt động kiên cường cũng đã đến. Vào năm 1973, đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người. Anh Mười Phương lúc đó là Trưởng ban Cán bộ ở căn cứ làm công tác tư tưởng mấy ngày liền: “Mày có thương Mai thật lòng không?”. “Dạ có” - Mười Kiều trả lời. “Mày có xác định kỹ khi lấy một thương binh, không có khả năng sinh đẻ?” - anh Mười Phương lặp đi lặp lại nhiều lần câu hỏi như thế. Trước tập thể, Mười Kiều nói như lời tuyên thệ trước lúc ra trận: “Tôi yêu cô ấy, tôi chấp nhận lấy Mai dù biết cô ấy đã mất đi nhiều thứ, trong đó có khả năng làm mẹ”.
Tròn 1 năm sau ngày cưới, điều kỳ diệu đã xảy ra. Bà đã mang thai và sinh con trai đầu lòng nặng hơn 1,7kg trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình, đồng đội. Có lẽ số phận đã đền đáp những hy sinh, mất mát quá lớn của bà khi mối tình đẹp đẽ, thanh cao giữa hai chiến sĩ biệt động lại đơm hoa kết trái một lần nữa bằng cậu con trai út kháu khỉnh ra đời năm 1975.
|
Vợ chồng bà Mai hạnh phúc bên các con và cháu nội |
Sau giải phóng, với cấp bậc Chuẩn úy, bà Mai được biệt phái về nhà máy thuốc lá để huấn luyện công nhân tự vệ. Năm 1979, di chứng đòn tra khảo năm nào hành hạ nên bà xin nghỉ mất sức.
Với những chiến công góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, nhiều huy, huân chương khác; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, nhiều bằng khen, giấy khen của Chính phủ và TPHCM.
Phụ nữ Việt Nam