|
|
Chị Hiền đã làm công việc chăm sóc Nghĩa trang liệt sỹ Việt-Lào 23 năm |
Nữ cử nhân 23 năm gắn bó với nghĩa trang
5h sáng, khi mặt trời chưa kịp ló rạng hừng đông, những giọt sương mai còn treo mình trên lá cỏ, những nhát chổi khoan thai của chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã xào xạc trên Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào. Trong bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi quen thuộc nhưng hôm nay, chị Hiền bắt đầu một ngày làm việc sớm hơn thường lệ. 7h sáng, chị Hiền vội vàng thay bộ trang phục công sở, thay đôi giày vải bằng đôi giày cao gót. Trong hình ảnh hoàn toàn mới, chị Hiền chuẩn bị đón đoàn khách đến từ Thanh Hóa.
Chỉ ít ngày nữa là Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), những người làm công việc ở nghĩa trang như chị Hiền lại tất bật hơn. Sẽ có hàng ngàn lượt người đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những ngày này, chị Hiền cùng với 2 đồng nghiệp Nguyễn Sỹ Sáu và Nguyễn Thị Lộc được giao nhiệm vụ "trực chiến" tại khu vực tượng đài. Tại đây, chị Hiền sẽ hướng dẫn các đoàn khách các bước làm lễ và thuyết minh, giới thiệu, thậm chí kiêm luôn đọc lễ nếu các đoàn khách yêu cầu...
|
|
Những ngày này, chị Hiền, chị Lộc và anh Sáu mới được diện lên bộ quần áo công sở để đón các đoàn khách đến dâng hương |
Nằm sát quốc lộ 7, Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào được xây dựng từ năm 1976 tại trung tâm thị trấn huyện Anh Sơn (Nghệ An) với diện tích gần 7 ha. Đây là nơi yên nghỉ của gần 11.000 anh hùng liệt sỹ có quê quán từ 47 tỉnh, thành. Trong đó có hơn 3.500 ngôi mộ xác định được tên, còn lại gần 7.000 ngôi mộ chưa xác định được tên. Là nghĩa trang lớn quy tập các mộ liệt sỹ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào nhưng nơi đây chỉ có 7 người quản lý, chăm sóc, trong đó chị Hiền là người có thâm niên cao nhất với 23 năm gắn bó.
Nhà chị Hiền cách Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào vài phút đi xe máy. Từ những ngày còn là nữ sinh trung học, mỗi chiều đi học về, chị Hiền vẫn cùng người bạn thân lên đây để chăm sóc, quét dọn nghĩa trang. "Bố của người bạn thân tôi lúc đó làm ở nghĩa trang này nên tôi thường theo bạn đến đây chơi và phụ giúp chú. Dường như từ lúc đó, tôi đã có "duyên" với công việc này", chị Hiền chia sẻ.
Mặc dù sau đó, 4 năm đại học chị Hiền học về du lịch, chuyên ngành không liên quan gì đến công việc ở nghĩa trang nhưng khi vừa tốt nghiệp, đúng lúc Ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào tuyển nhân viên, chị Hiền nộp hồ sơ và trúng tuyển. Đó là năm 1999, kể từ lúc đó, chị Hiền chính thức trở thành "cán bộ của Sở Lao động- Thương binh & Xã hội".
|
|
Một góc nghĩa trang liệt sĩ Việt-Lào |
"Nếu nghỉ làm một ngày là đã thấy nhớ"
Ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào hiện có 7 người, trong đó có 2 thạc sĩ và 5 cử nhân đại học. Gọi là cán bộ nhưng công việc của họ ở đây chủ yếu là ở ngoài trời để chăm sóc, quét dọn nghĩa trang. Số ngày mà cán bộ ở đây được khoác lên mình bộ trang phục công sở chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn thời gian vẫn là áo quần bảo hộ để lao động ngoài phần mộ.
Dẫn chúng tôi đi thăm từng khu của nghĩa trang, trên con đường lát bê tông sạch, đẹp thoang thoảng mùi hương trầm, chị Hiền tự hào khi nói rằng, chị đã quen thuộc từng lối mộ, nắm rõ từng vị trí, số hiệu của từng phần mộ. Dù khối lượng công việc lớn, thêm vào đó là thời tiết miền Trung khắc nghiệt nhưng với chị Hiền, việc chăm sóc, hương khói cho các phần mộ liệt sỹ mỗi ngày luôn cho chị cảm giác bình yên và gần gũi. "Nhiều người hỏi tôi làm nghề này có buồn và sợ không? Họ ngạc nhiên khi tôi nói rằng, nếu chỉ nghỉ một ngày là đã cảm thấy nhớ. Đều đặn ngày 2 buổi ra nghĩa trang để chăm sóc những ngôi mộ và quét dọn khuôn viên xung quanh, mấy chục năm rồi, giờ không làm là buồn. Tự tay chăm sóc những phần mộ không chỉ là công việc, đó là nghĩa cử, trách nhiệm của bản thân với lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi thấy mình may mắn và rất tự hào khi được làm công việc ý nghĩa này", chị Hiền tâm sự.
|
|
Ông Trần Thanh Hải đến từ TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, đến thắp hương cho người chú ruột đã được quy tập về nghĩa trang nhưng hiện chưa xác định được chính xác phần mộ |
Ở ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, ngoài chị Hiền còn có những nữ cử nhân, thạc sỹ khác vẫn âm thầm ngày ngày làm công việc vô cùng ý nghĩa này. "Tôi đã trải qua nhiều vị trí ở nhiều cơ quan nhưng khi về đây, làm những công việc rất đặc thù nên nhiều thân nhân liệt sỹ đến nghĩa trang cứ nghĩ tôi là công nhân dọn vệ sinh. Không có cảm giác tự ti, ngược lại, tôi thấy tự hào vì những việc mình làm. Ngày thường, chúng tôi vẫn mặc đồ bảo hộ để tiện cho việc chăm sóc nghĩa trang. Nhiều người chỉ biết chúng tôi là cán bộ khi họ ra về và cần xác nhận vào hồ sơ, giấy tờ", một cán bộ ở Nghĩa trang chia sẻ.
Thân nhân liệt sỹ mỗi gia đình một hoàn cảnh, có nhiều trường hợp rất khó khăn. Mỗi năm một lần, họ đến nghĩa trang để có vài phút ít ỏi bên phần mộ của người thân. Thậm chí, còn nhiều gia đình ở xa, những ngày giỗ hay dịp 27/7, họ chỉ biết vái vọng. Những gia đình này thường gửi một ít tiền qua Ban quản lý nghĩa trang nhờ cán bộ mua hương, hoa làm lễ. Cán bộ sau đó chụp ảnh, gửi về cho gia đình để họ yên tâm...
"Nhìn những phần mộ được chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ, chúng tôi vô cùng biết ơn và cảm phục những người làm công việc tại đây. Đến thời điểm này, gia đình chúng tôi vẫn chưa xác định được phần mộ của chú ruột Trần Văn Nga là ngôi nào trong 8 ngôi được quy tập từ Lào về năm 2003. Tuy nhiên, chú đã được về đây, được ở bên cạnh các đồng đội, được chăm sóc hương khói mỗi ngày, chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng", ông Trần Thanh Hải đến từ TP.Vinh chia sẻ.
Tháng 7 về, nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào nghi ngút khói hương. Đứng trước gần 11 nghìn ngôi mộ liệt sỹ nằm cạnh nhau, trải dài trên triền đồi mênh mông, mới thấy sự hy sinh lớn lao của các anh hùng, liệt sỹ. Xin dâng nén hương thơm thành kính tưởng nhớ các bậc tiền nhân và cũng thật xúc động, biết ơn trước công việc lặng thầm của chị Hiền, chị Lộc hay anh Sáu và những người quản trang làm nhiệm vụ canh giữ các phần mộ nơi này.
Nguyễn Cảnh Dũng