Năm 1955, nhân dịp lễ kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có một cuộc thi người đẹp với danh nghĩa tìm kiếm hoa hậu được chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức tại Sài Gòn. Trước đó, ở Việt Nam, chưa có cuộc thi người đẹp nào mang tên thi hoa hậu, do vậy đây có thể được xem là cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta.

Cuộc thi diễn ra vào ngày 20/5/1955 tại rạp hát Lido ở khu Chợ Lớn. Gần như tất cả mỹ nhân đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đều xuất hiện tại cuộc thi này.       

Xuất sắc vượt qua hàng loạt nhan sắc, người đoạt ngôi vị cao nhất của cuộc thi là cô gái có tên Thu Trang. Thu Trang đăng quang ngôi vị hoa hậu với chiều cao 1,61m, số đo 3 vòng 86-62-88, nặng 53kg.

Hoa hậu Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932 trong một gia đình tiểu tư sản, người gốc làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội và là chị của hai người em, một trai một gái. Năm bà 10 tuổi, cha bà được điều động vào Sài Gòn làm việc, bà và gia đình theo cha vào miền Nam và ở lại Sài Gòn.

thin-h-tng-goi-b-l-hoa-hu-lambretta.jpg
Nhan sắc mặn mà của hoa hậu Thu Trang.

 

Năm 1950, khi phong trào Trần Văn Ơn bùng nổ mạnh mẽ ở Sài Gòn, Thu Trang khi đó đang là học sinh đã cùng với các học sinh, sinh viên khác tham gia những cuộc biểu tình lớn đang diễn ra khắp miền Nam.

Trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên, Công Thị Nghĩa sớm được tiếp thu tư tưởng yêu nước. Biết được chí hướng của bà, một số đồng chí cách mạng đã tuyên truyền giác ngộ và động viên bà tham gia cách mạng. Sau đó Thu Trang tham gia Việt Minh, là thành viên của tổ điệp báo hoạt động trong nội thành khu vực Sài Gòn – Gia Định với bí danh Tư Nghĩa và từng có thời gian vào chiến khu. Hoạt động chưa lâu thì bà bị địch bắt. Lúc đó vào khoảng tháng 7/1952. Bà bị giam ở bốt Catinat ở Sài Gòn, chịu đủ các loại hình tra tấn.

Thụ án ở bốt này một thời gian, bà bị chuyển qua Khám Lớn - Sài Gòn và bị giam chung cùng với đồng chí Nguyễn Thị Bình. Những ngày thụ án của bà chỉ được khép lại khi luật sư bào chữa của bà là Nguyễn Hữu Thọ thắng lý quan tòa trong phiên xét xử vào tháng 6/1953.

Sau khi thoát khỏi ngục tù, tiếp nối đam mê viết văn, viết báo, đặc biệt là nghiên cứu về sử học từ thời còn con gái, Thu Trang học nghề báo và làm ký giả tại Sài Gòn bởi bà ý thức được báo chí chính là một công cụ đấu tranh lợi hại khi đó. Bà viết nhiều báo như báo Sài Gòn mới, Lẽ sống… với các bút danh như Thanh Tâm, Huyền Thu, nhưng nhiều nhất là Thu Trang. Thu Trang chính là bút danh chính cho tất cả các trang viết, nghiên cứu lịch sử của bà.

Đến năm 1955, được tin chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ tổ chức một cuộc thi hoa hậu, thành phần ban giám khảo của cuộc thi này bao gồm nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo. Trong một lần đến phỏng vấn thành phần ban giám khảo để đưa tin, vài thành viên ban giám khảo đã khuyên bà: "Cô đẹp như vậy, nên đăng ký tham gia cuộc thi này". Nghe vậy, bà đăng ký tham gia.

Vẻ đẹp đằm thắm, sắc nét của Thu Trang đã đưa bà đến với vương miện hoa hậu. Á hậu 1 thuộc về bà Nguyễn Thị Ninh, người Hà Nội di cư vào Nam và Á hậu 2 là bà Ngô Yên Thu, người Cần Thơ.

hin-ti-mi-ngi-bit-n-b-nh-mt-v-tin-s-php-nhiu-hn-l-hoa-hu.jpg
Sau này, mọi người biết đến bà như một vị tiến sĩ ở Pháp nhiều hơn là danh hiệu hoa hậu.

 

Phần thưởng của hoa hậu Thu Trang khi đăng quang là 1 chiếc xe máy hiệu Lamberta, 1 chiếc kiềng 1 lượng vàng, 3 ngàn đồng (tương đương với 10 lượng vàng), nước hoa và mỹ phẩm của các hãng danh tiếng và một vé máy bay đi Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ biết bà từng là điệp báo của cách mạng nên đã cản trở, không cho bà sang Mỹ.

Năm 1961, nhận lời mời tham dự tuần lễ phim ảnh tại Pháp, bà đã rời Sài Gòn và định cư lâu dài tại đất nước này. Sang Pháp, bà không tham gia bất cứ hoạt động nghệ thuật cũng như điện ảnh nào. Thay vào đó, bà quay trở lại thú đam mê thời còn trẻ là viết và nghiên cứu lịch sử.

cong-thi-nghia1.jpg

cong-thi-nghia.jpg

 

Phụ nữ Việt Nam