Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, sinh năm 1925, là con út trong gia đình buôn bán có truyền thống cách mạng ở phố Chợ Gạo, Đồng Xuân (Hà Nội). Ông nội bà là cụ Nguyễn Văn Viễn từng tham gia nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Cha mẹ là các cụ Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn Thị Nhung là những người tham gia cống hiến ủng hộ kháng chiến ngay từ những ngày đầu, chính ngôi nhà ở phố Đồng Xuân cũng được các cụ hiến cho Nhà nước phục vụ kháng chiến.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo cùng chồng trong ngày cưới.

 

Lớn lên, bà Thảo cùng hai chị gái mình sớm được giác ngộ lý tưởng Cộng sản qua người anh cả là cố nhà văn Như Phong - đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1936 và bạn bè của ông thời đó.
Ngày đó bố mẹ bà quan niệm con gái chỉ cần làm nội trợ, không cần học cao làm gì. Vì thế, các cụ không mấy khi cho bà ra đường, đi đâu cũng phải có người đi kèm. Nhưng khi biết bà cùng các chị tham gia hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu, các cụ không một lời phản đối.
Những tháng ngày cơ cực năm 1945, chứng kiến cảnh người dân chết đói la liệt trên đường phố do sự vơ vét của lính Pháp rồi lính Nhật, ý chí cách mạng của bà càng thêm sôi sục. Bà cùng gia đình nấu những nồi cháo cứu đói cho dân, nhiệt tình tham gia hoạt động bí mật. Bà được giao rải truyền đơn kêu gọi nhân dân ủng hộ cách mạng, kêu gọi binh lính Pháp phản chiến ở các phố Cửa Đông, Đường Thành, vận động chị em tiểu thương chợ Đồng Xuân bãi thị, tham gia các cuộc biểu tình...
Một tối đầu tháng 8/1945, nhà văn Như Phong trở về nhà thông báo với 3 cô em gái: “Cách mạng sắp thành công rồi! Các em may cờ đỏ sao vàng 5 cánh và cờ đỏ búa liềm chuẩn bị tham gia Tổng khởi nghĩa, phải thật bí mật không được để lộ”.

 Bà Nguyễn Thị Bích Thảo cùng anh hùng La Văn Cầu.

 

Rồi nhà văn vẽ mẫu, hướng dẫn cách đặt ngôi sao cho thẳng, cho đúng. Nhà văn cách mạng cũng say sưa kể cho các em của mình nghe về ý nghĩa của lá cờ này: “Đây sẽ là lá cờ của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Màu đỏ của nền cờ này tượng trưng cho dòng máu đỏ, màu vàng ngôi sao tượng trưng da vàng và năm cánh tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.
Lúc đó 3 chị em gái vừa tự hào vì được giao may cờ cho khởi nghĩa, vừa lo lắng hồi hộp. Nhưng nhờ có mẫu cờ và sự hướng dẫn tỉ mỉ của anh trai nên mỗi người phân công nhau một việc.
Để may được những lá cờ này, các bà đã phải chia nhau đi các chợ mua vải, mỗi nơi mua một màu, mỗi nơi chỉ mua vài mét để địch khỏi nghi ngờ. Những ngày sau đó, cứ đêm đến, ba chị em bà đóng chặt cửa, thắp nến ngồi khâu tay suốt đêm để hoàn thành hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng phục vụ cho cách mạng. Vừa may các bà vừa phải đề phòng cảnh giác. Sau khi may xong, việc cất giữ cũng phải hết sức bí mật và kỳ công. Các bà đã phải khoét vách, đục tường để có khoảng trống để cờ.

Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.

 

Ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945, cả 3 chị em bà Thảo cùng với hàng vạn người dân Thủ đô xuống đường biểu tình, đấu tranh giành chính quyền, làm chủ các cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn. Những đoàn người đi rầm rập trong thành phố, lúc ấy 3 cô gái trẻ đã phát gần 100 lá cờ đỏ sao vàng may được trong vòng nửa tháng để được tung bay khắp Thủ đô.
Cũng trong ngày hôm đó, bà Thảo còn vinh dự được tổ chức chọn là 1 trong 3 cô gái làm hình ảnh tượng trưng cho sự thống nhất đất nước diễu hành khắp Hà Nội. Bà mặc quần trắng, áo dài tím Huế, tượng trưng cho Trung Kỳ, đi cùng với một người mặc quần áo bà ba Nam bộ màu đen, và một người mặc áo tứ thân chít khăn mỏ quạ Bắc bộ để diễu hành.
Trong những ngày khởi nghĩa, bà cùng gia đình càng hăng say lao vào hoạt động cách mạng, vận động nhân dân ủng hộ chính quyền mới. Gia đình bà đã đóng góp mấy cân vàng vào quỹ Độc lập trong Tuần lễ vàng.

Phụ nữ Việt Nam