Khanh kể lại: "Khi trò chuyện với anh Tùng, mình nhận thấy nguồn năng lượng tích cực. Do đó, mình nghĩ làm thế nào để những bạn có số phận tương tự và cả những hội viên, thanh niên được lắng nghe những chia sẻ đó. Cho nên, mình đã thực hiện mô hình "Câu chuyện vầng trăng khuyết" để truyền tải những chia sẻ về cuộc sống của người khuyết tật bằng kịch nói và nghệ thuật".
Mô hình "Câu chuyện vầng trăng khuyết" được Khanh thực hiện từ năm 2020 đến nay nhằm mục đích bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng bằng những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn. Đồng thời, cũng là cách để những hội viên, thanh niên có cái nhìn tích cực, thấu hiểu và đồng cảm hơn với người khuyết tật.
"Ở mô hình này, mình tổ chức biểu diễn những vở nhạc kịch để nói về cuộc sống của người khuyết tật và nhiều hoạt động khác dành cho họ như: hội thao hằng năm; chăm lo cuộc sống; tặng quà... Trong tương lai, mình còn mong muốn có thể tìm việc làm cho những thanh niên khuyết tật. Đây là vấn đề mình đang rất trăn trở vì mỗi người sẽ có một khiếm khuyết, vấn đề riêng nên khi tìm việc làm sẽ rất khó", Khanh bày tỏ.
Sau 3 năm nỗ lực thực hiện, các hoạt động thiết thực ấy đã mang lại lợi ích rất lớn, giúp người khuyết tật trên địa bàn dần hòa nhập được với cộng đồng.
"Mình nhận thấy sự thay đổi tích cực của các bạn so với 3 năm trước. Dù vẫn còn sự e dè nhưng các bạn đã chịu nói chuyện và khi gặp khó khăn thì cởi mở chia sẻ với mình nhiều hơn. Có một số bạn còn mạnh dạn tham gia nhiều hoạt động với những người bình thường dù còn những bất tiện. Mình rất vui khi nhìn thấy sự thay đổi tích cực đó", Khanh chia sẻ.
Luôn nỗ lực đóng góp sáng kiến
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện các hoạt động dành cho người khuyết tật, Khanh nói: "Không phải người khuyết tật nào cũng cởi mở, can đảm chia sẻ câu chuyện của mình. Thông thường họ sẽ có xu hướng khép mình lại, không ra ngoài làm việc hay giao tiếp. Và dù mình cố gắng chia sẻ như thế nào thì các bạn cũng có một sự tự ti nhất định. Đến bây giờ mình vẫn chưa tìm được người thứ 2 nào có thể tự tin chia sẻ và truyền cảm hứng như câu chuyện của anh Tùng".
Đan Khanh luôn năng nổ, nhiệt huyết trong các hoạt động của Đoàn, Hội. NVCC
Trong suốt những năm qua, Khanh thường xuyên phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên phường, cụm để tổ chức các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người khuyết tật như: trang bị những kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố; xuống tận nhà hỗ trợ làm căn cước công dân; đồng hành, giữ liên lạc thường xuyên với những thanh niên khuyết tật để khi gặp vấn đề có thể hỗ trợ ngay; tặng nhu yếu phẩm…
Không chỉ là người khuyết tật, Khanh còn có những sáng kiến, đóng góp cho câu lạc bộ, hội, nhóm; hỗ trợ, giúp đỡ những thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật và người từng lầm lỡ được hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, còn có những việc làm nhằm giúp đỡ sinh viên tìm nhà trọ trên địa bàn phường…
Cô gái trẻ có nhiều đóng góp mang lại ý nghĩa thiết thực cho thanh niên. NVCC
Khi được hỏi sắp tới sẽ đóng góp thêm sáng kiến gì cho công tác Hội và phong trào thanh niên? Khanh chia sẻ: "Mỗi năm đều có một cái mới, tùy thuộc vào chủ đề mà thành phố hướng đến. Đồng thời, ở địa bàn mình phát sinh vấn đề hay cần điều gì. Ví dụ chủ đề của năm nay là chuyển đổi số, mình đã tạo được một trang web trực tuyến để đánh giá đoàn viên, hội viên trực tiếp ở trên đó. Giúp mọi người có thể vào xem hoạt động của phường và tự cập nhật thông tin bản thân. Như vậy sẽ giúp dễ dàng quản lý và tiếp cận gần hơn với chuyển đổi số".
Khanh luôn mang trong mình nguồn năng lượng tích cực. Cô gái này bày tỏ khi nào còn mang màu áo xanh là còn nỗ lực, cố gắng từng ngày để đóng góp những sáng kiến, việc làm mang lại lợi ích thiết thực cho công tác Hội và phong trào thanh niên.
Theo Thanh niên