Chị Phan Bích Ngân sinh năm 1987, tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, Cần Thơ. Chị mắc bệnh bẩm sinh, đến hết tiểu học chị cao 1m25, nặng 38kg và không phát triển thêm cho đến khi trưởng thành. Thể trạng nhỏ nhắn khiến đôi chân đi lại chậm chạp, khó khăn, dẫu vậy, chị lại có một nghị lực vươn lên hoàn cảnh mạnh mẽ, rất thích được đến trường.
Chị Bích Ngân chia sẻ, do cơ thể khiếm khuyết, chị gặp nhiều trở ngại khi đến trường, nhất là trong việc di chuyển lên những bậc thang cao. Thời gian đầu, dưới ánh nhìn tò mò của nhiều người, chị cũng e ngại, thậm chí có lúc mất niềm tin, thu mình vào “thế giới nội tâm”. Mặc cảm chỉ dần được xóa nhòa khi chị cùng những người bạn thân đi xem chương trình biểu diễn văn nghệ của lớp. Từ đây chị nhận ra rằng, cuộc sống xung quanh có nhiều điều thú vị, cộng đồng luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm và tình yêu thương đặc biệt. Bên cạnh nỗ lực giúp chị hòa nhập cộng đồng từ bạn bè thì sự đồng hành, cùng chị vượt qua mọi chặng đường của mẹ cũng là động lực lớn giúp chị hoàn thành con đường học vấn một cách tốt nhất.
Chính sự cởi mở với mọi người đã giúp chị ngày càng đón nhận nhiều niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2006-2010, chị là một trong những thành viên tích cực hoạt động của CLB sinh viên khuyết tật của Đại học Cần Thơ. Ngay khi ra trường, chị bắt đầu chặng đường tình nguyện vì cộng đồng. Đến năm 2016, chị bắt đầu công tác tại Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ.
Chị Bích Ngân tâm sự: “Từ lúc còn là sinh viên, mọi người cùng nhau có đến Hội Người khuyết tật để sinh hoạt, nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Hội, lúc đó tôi cũng chưa nghĩ gì đến việc muốn cống hiến cho Hội. Nhưng sau khi hoàn thành xong khóa học, tôi mới có suy nghĩ xa hơn là nếu được quay lại để hỗ trợ thì những bạn sinh viên giống mình hồi xưa hoặc hội viên khác, người khuyết tật khác mà nhận được sự hỗ trợ như vậy thì rất là tốt. Do vậy, năm 2016 tôi quay về Hội để sinh hoạt”.
Với tâm niệm “người đã giúp mình, giờ mình giúp người”, chị Bích Ngân làm việc hăng say tại Hội người khuyết tật. Chị cùng thành viên trong Hội giới thiệu học bổng cho trẻ em khuyết tật (hoặc con người khuyết tật); vận động xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật; tìm nguồn vốn giúp họ mưu sinh, khởi nghiệp… Thông qua hành động nhỏ, chị muốn giúp người khuyết tật giữ tinh thần lạc quan, tự chủ cuộc sống của mình.
Nhiều năm qua, chị Bích Ngân còn đóng vai trò là người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong CLB người điếc, đồng hành cùng người khiếm thính đi đến tòa án, bệnh viện, xin việc tại các doanh nghiệp. Đối tượng được giúp đỡ đa phần là người khuyết tật ở TP. Cần Thơ, ngoài ra cũng có người khác tỉnh liên hệ bày tỏ những nỗi niềm suy tư. Nếu không trực tiếp hỗ trợ được, chị sẽ cố gắng làm cầu nối với các đơn vị để giúp đỡ cho những trường hợp này.
Bà Lê Thái Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật TP. Cần Thơ cho biết, Ngân nhiệt tình trong công việc, chịu khó học hỏi. Đặc biệt, để giúp đỡ những người khiếm thính, không chỉ trong 6 tháng tập huấn ngắn ngủi mà mỗi ngày Ngân đều trau dồi ngôn ngữ ký hiệu. Ngân đã giúp khá nhiều trường hợp ra tòa đòi lại công bằng và giúp nhiều người hiểu được đặc quyền mà người khuyết tật được thụ hưởng.
“Muốn làm việc với các bạn điếc mà tốt thì Ngân phải liên tục học, thậm chí là trao đổi với các bạn rồi tự học thêm. Nhìn chung trong công việc Ngân khá là linh động chuyện phải tìm cách giải quyết vấn đề. Với hội viên thì Ngân rất mềm mỏng, khi hội viên cần liên hệ với Ngân hoặc liên hệ với Hội trong một số công việc thì Ngân cũng hỗ trợ nhiệt tình, rồi tận tình chỉ dẫn cách thức để làm như thế nào”, bà Lê Thái Thị Phương Thảo cho hay.
Nhiều người khuyết tật không biết “gõ cửa” ai, làm gì khi gặp vấn đề khó khăn. Vì vậy, chị Bích Ngân luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc để góp phần giúp Hội trở thành nơi người khuyết tật có thể tin cậy gửi gắm nguyện vọng và nương tựa bất cứ lúc nào.
Anh Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam TP. Cần Thơ chia sẻ, chị Bích Ngân hiện là chủ nhiệm lâm thời CLB Thanh niên khuyết tật TP. Cần Thơ. Hàng năm, chị đưa ra những hoạt động bổ ích hỗ trợ các bạn trẻ kém may mắn có điều kiện được vui chơi, sinh hoạt, giao lưu với nhau. Chị cũng tích cực vận động các bạn trẻ khuyết tật vào CLB Thanh niên khuyết tật và vào Hội người khuyết tật; phối hợp tổ chức các chương trình hỗ trợ gia cảnh vào những dịp lễ, tết.
“Việc bạn Phan Bích Ngân được Trung ương lựa chọn công nhận là gương “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 đã góp phần làm lan tỏa những tấm gương sống có trách nhiệm, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Từ đó tạo được tính lan tỏa trong đoàn viên thanh niên nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng, giúp các bạn thanh niên này nhìn thấy gương sáng đó có động lực vươn lên trong cuộc sống. Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP. Cần Thơ sắp tới sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ cho CLB Thanh niên khuyết tật TP. Cần Thơ như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ học nghề để các bạn có thể mưu sinh kiếm sống”, anh Trần Việt Tuấn nói.
Ngoài được công nhận danh hiệu cao quý của chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022, với sự cống hiến, nỗ lực không ngừng, những năm qua, chị Phan Bích Ngân còn nhận được nhiều khen thưởng từ Hội Người người khuyết tật TP. Cần Thơ; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Cần Thơ; Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Cần Thơ. Mỗi một lần được vinh danh là một lần chị thêm động lực để cống hiến hết mình cho cộng đồng.
Chị Phan Bích Ngân bày tỏ: “Tôi cũng có học hỏi được từ các anh chị hội viên không cần phải tự thu mình lại, cứ thoải mái và lạc quan hơn. Quan trọng là cách mình nhìn nhận và mình cứ làm tốt công việc của mình thì sẽ được công nhận. Tôi hy vọng rằng, sự lạc quan của mình có thể truyền cảm hứng cho các bạn thanh niên khuyết tật khác có thể phá bỏ rào cản và tự tin làm công việc của mình tốt hơn”.
Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” được tổ chức nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Với lý tưởng sống tốt đẹp, cô gái “tí hon” Phan Bích Ngân đã thực sự lan tỏa ý chí kiên cường, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng.
Theo VOV